Liên tiếp các vụ lừa đảo qua điện thoại, Công an Nghệ An ra thông báo khẩn
(Dân trí) - Chỉ trong một thời gian ngắn, tại Nghệ An ghi nhận 7 trường hợp bị nhóm tội phạm giả danh cán bộ công an, bưu điện lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lên tới gần 2 tỷ đồng. Công an Nghệ An đã có công văn khẩn cảnh báo, ngăn ngừa loại tội phạm này.
Từ ngày 15-25/8, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an tỉnh Nghệ An tiếp nhận 7 người dân trình báo về việc bị đối tượng giả cán bộ viễn thông, công an lửa đảo, chiếm đoạt tài sản. Tổng số tiền số nạn nhân này bị chiếm đoạt lên tới gần 2 tỷ đồng.
Các vụ lừa đảo, chiếm đoạt đều được thực hiện bằng phương thức: một người xưng là cán bộ viễn thông, thông báo thuê bao điện thoại cố định đang nợ tiền cước cuộc gọi đi Úc, Canada. Khi các bị hại thanh minh không thực hiện các cuộc gọi đi các nước trên, đối tượng thông báo sẽ kết nối với đường dây nóng của Bộ Công an để trình báo.
Đối tượng đưa máy cho một đối tượng thứ 2, xưng là điều tra viên của Bộ Công an. Người này sẽ thông báo cho nạn nhân biết bọn tội phạm buôn ma túy, rửa tiền sử dụng chứng minh thư của họ lập tài khoản ngân hàng và dùng tài khoản đó vào mục đích phạm tội, vì vậy, các bị hại đang là đối tượng điều tra.
Đối tượng yêu cầu nạn nhân khai báo tài sản (tiền, sổ tiết kiệm, tài khoản ngân hàng, thông tin về người thân trong nhà…) để phục vụ điều tra. Sau khi bị hại thông báo tài sản, đối tượng yêu cầu họ chuyển tất cả tiền vào tài khoản ngân hàng mà chúng cung cấp để xác minh số tiền đó có liên quan đến tội phạm buôn ma túy, rửa tiền hay không. Số tiền này sẽ được trả lại cho các nạn nhân sau khi điều tra kết thúc, thậm chí, để nạn nhân thêm phần tin tưởng, chúng cho biết, số tiền này sẽ được trả lãi như gửi ngân hàng! Sau khi bị hại rút tiền, các đối tượng nhanh chóng rút hết tiền để chiếm đoạt.
Trong quá trình lừa đảo, bọn tội phạm uy hiếp tinh thần các nạn nhân, yêu cầu họ cung cấp số điện thoại di động và liên tục kết nối điện thoại; tuyệt đối giữ bí mật với người xung quanh nếu không sẽ ảnh hưởng đến tính mạng, ảnh hưởng đến công tác điều tra, phạm tội làm lộ bí mật nhà nước…
“Đây là hình thức phạm tội không mới nhưng gần đây đã xuất hiện tại Nghệ An. Các đối tượng dùng điện thoại, sử dụng giao thức truyền giọng nói qua Internet (VoIP), nôm na là sử dụng công nghệ gọi điện thoại qua internet, số điện thoại dùng để gọi sẽ được hiển thị bằng những số điện thoại giả đầu số giống số của công an như +000113, +84000113... làm nạn nhân tin rằng đang làm việc với công an. Với phương thức này, chúng khiến cơ quan chức năng không thể truy xuất số điện thoại gọi để phục vụ điều tra.
Số tiền sau khi được hướng dẫn gửi vào tài khoản mà đối tượng hướng dẫn sẽ tiếp tục chuyển qua nhiều tài khoản khác ở nước ngoài trước khi bị rút ra và chiếm đoạt. Đối tượng mà bọn tội phạm nhắm tới là người già, phụ nữ - là những người hiểu biết xã hội hạn chế hơn, khả năng phòng vệ cũng kém hơn”, Thiếu tá Hà Huy Đức – Đội trưởng đội cảnh sát điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao PC45 Công an tỉnh Nghệ An cho biết.
Thông tin từ các bị hại cung cấp cho thấy, nhóm đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng cách giả danh cán bộ công an, bưu điện nói trên chỉ là một.
Dự báo tình hình tội phạm lừa đảo với thủ đoạn như trên sẽ diễn biến phức tạp trong thời gian tới, bên cạnh thông báo tới Công an 21 huyện, thành thị trong tỉnh, Công an tỉnh Nghệ An cũng đề nghị các phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng, các đơn vị viễn thông phối hợp tuyên tuyên truyền về phương thức thủ đoạn của bọn tội phạm đến từng người dân.
“Khi có thông báo nợ cước điện thoại từ một người xưng là cán bộ viễn thông, nếu có khiếu nại, thắc mắc, người dân nên yêu cầu cán bộ viễn thông đến trực tiếp làm việc, tuyệt đối không nghe theo chỉ dẫn của đối tượng qua điện thoại. Nếu nhận được số đầu số điện thoại lạ gọi điện liên tục mà không thể phân biệt được mã vùng thì không nên nghe máy”, Thiếu tá Hà Huy Đức khuyến cáo.
Hoàng Lam