1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Ly kỳ hành trình bị lừa 200 triệu của cụ ông 70 tuổi

(Dân trí) - Tự xưng là công an, đối tượng thông báo ông Đ. liên quan đến đường dây tội phạm ma túy, rửa tiền. Chỉ bằng điện thoại, đối tượng “dụ” cụ ông 70 tuổi này rút sạch tiền tiết kiệm gửi vào tài khoản người lạ.

Đã 3 ngày trôi qua, ông N.V.Đ vẫn chưa hết sợ hãi khi nghe tiếng chuông điện thoại reo. Vị cán bộ ngân hàng nghỉ hưu này cũng không lí giải được vì sao mình răm rắp thực hiện theo chỉ dẫn của đối tượng lạ thông qua điện thoại mà không có bất kỳ phản ứng nào
Đã 3 ngày trôi qua, ông N.V.Đ vẫn chưa hết sợ hãi khi nghe tiếng chuông điện thoại reo. Vị cán bộ ngân hàng nghỉ hưu này cũng không lí giải được vì sao mình răm rắp thực hiện theo chỉ dẫn của đối tượng lạ thông qua điện thoại mà không có bất kỳ phản ứng nào

Đã 3 ngày trôi qua nhưng ông N.V.Đ (SN 1947, trú phường Hưng Dũng, Tp Vinh, Nghệ An) vẫn hoảng hốt khi tiếng chuông điện thoại đổ. Vị cán bộ ngân hàng nghỉ hưu này vẫn không thể lý giải nổi vì sao mình có thể răm rắp làm theo người lạ để rồi rút sạch tiền tiết kiệm để “dâng” cho chúng.

Khoảng 8h30 ngày 22/8, ông Đ. nhận được cuộc gọi tới điện thoại cố định của gia đình. Qua điện thoại, một người xưng là nhân viên viễn thông, thông báo thuê bao điện thoại cố định ông đang sử dụng nợ 8.930.000 đồng tiền cước. Ông Đ. cho biết gia đình ông thanh toán cước hàng tháng, không thể nợ số tiền lớn như thế được. Người kia đề nghị ông giữ máy để nói chuyện với điều tra viên Bộ công an về vấn đề nợ cước điện thoại

“Một người đàn ông xưng là Đại úy Phan Tuấn Anh, công tác ở Bộ Công an. Người này hỏi tôi ngày 20/6 có vào Sài Gòn không? Tôi bảo không. Anh ta nói ngày 20/6 tôi có gọi sang Úc, Canada và chưa thanh toán cước. Hiện công an đang điều tra một đường dây tội phạm về cước bưu điện và bảo tôi đợi để gọi cho Tổng bộ 1, Tổng bộ 2 (?) để kiểm tra”, ông Đ. kể.

Đại úy công an kia thông báo số chứng minh thư của ông Đ. có mở một tài khoản ngân hàng 200 triệu đồng. Hiện số dư trong tài khoản là 6,8 tỷ đồng. Người này cho biết, phía công an đang nghi ngờ ông Đ. liên quan đến đường dây mua bán ma túy và rửa tiền.

Số điện thoại mà các đối tượng gọi đến hiển thị số đuôi 113 khiến ông Đ. tưởng đây là đầu số của công an
Số điện thoại mà các đối tượng gọi đến hiển thị số đuôi 113 khiến ông Đ. tưởng đây là đầu số của công an

Tuy nhiên, người này cũng trấn an ông Đ. “vì tự giác trình báo với Công an nên không việc gì”, đồng thời yêu cầu ông phối hợp để phá đường dây tội phạm nói trên. Để điều tra, công an sẽ phong tỏa tài khoản ngân hàng của ông Đ.

Ông Đ. cho biết trong tài khoản của mình không có tiền thì đối tượng hỏi có sổ tiết kiệm không? Ông Đ. cho biết, hiện có sổ tiết kiệm 200 triệu đứng tên ông nhưng tiền là của người cháu nhờ giữ giúp.

“Anh ta bảo tôi rút tiền trong tài khoản, gửi vào tài khoản 130333729 của “kiểm sát viên Nguyễn Hữu Thu” tại Ngân hàng VPBank chi nhánh Chương Dương, Hà Nội. Người này nhiều lần dặn không được để lộ sự việc cho ai, ảnh hưởng đến công tác điều tra, bản thân tôi sẽ bị bọn tội phạm thủ tiêu nên tôi thực sự hoảng sợ. Thời điểm đó trở đi, tôi như bị thôi miên, hoàn toàn làm theo anh ta chỉ dẫn qua điện thoại mà không có bất kỳ một phản ứng nào hết”, ông Đ. nhớ lại.

Người đàn ông yêu cầu ông Đ. đọc số điện thoại di động để tiện liên lạc, đồng thời yêu cầu ông này xạc đầy pin, không được nhận cuộc gọi nào khác số đang gọi, không được để gián đoạn cuộc gọi. Thấy số điện thoại gọi vào máy hiển thị số đuôi 113, ông Đ. càng thêm tin tưởng người đang làm việc với mình là công an.

Theo chỉ dẫn của người này, ông Đ. thuê taxi ra ngân hàng, rút hết 200 triệu đồng trong sổ tiết kiệm rồi đến Ngân hàng VPBank chi nhánh Cửa Đông gửi vào tài khoản mang tên Nguyễn Hữu Thu. Người này liên tục yêu cầu ông Đ. giữ bí mật tuyệt đối; trong thời gian chưa hoàn thành việc gửi tiền, không được nghe điện thoại của bất kỳ ai để “công an có thể gọi làm việc bất kỳ lúc nào”.

Thông báo nợ cước thuê bao cố định gọi đi quốc tế rồi mạo danh công an lừa đảo, chiếm đoạt tài sản không phải là thủ đoạn mới nhưng từ ngày 15-23/8, có tới 6 nạn nhân tại Nghệ An bị mắc lừa với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng
Thông báo nợ cước thuê bao cố định gọi đi quốc tế rồi mạo danh công an lừa đảo, chiếm đoạt tài sản không phải là thủ đoạn mới nhưng từ ngày 15-23/8, có tới 6 nạn nhân tại Nghệ An bị mắc lừa với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng

Thấy ông Đ. có nhiều biểu hiện lạ, hỏi nhưng không nói, vợ ông này đã gọi điện thông báo cho con trai biết. Thông qua tài xế taxi, con trai ông Đ. tìm được chi nhánh ngân hàng nơi ông Đ. giao dịch.

Ông Đ. kể tiếp: “Tôi vào ngân hàng, nộp 200 triệu vào tài khoản của người tên Thu. Anh xưng là đại úy công an hướng dẫn tôi tìm một góc khuất, đọc lại nội dung trên biên lai gửi tiền để kiểm tra. Lúc này, con trai tôi đến, giữ tờ biên lai, lấy điện thoại của tôi. Nghe tiếng con trai tôi qua điện thoại, người xưng là đại úy Phan Tuấn Anh nói “hai đồng chí mua vé máy bay ra thành phố Vinh bắt ngay N.V.Đ để điều tra”. Con trai tôi tắt máy điện thoại, thông báo tôi đã bị lừa. Đến lúc này, tôi vẫn chưa tin là mình bị lừa và người ta lừa mình một cách dễ dàng như thế”.

Cha con ông Đ. vào trình bày với chi nhánh ngân hàng, đề nghị giúp đỡ, giữ lại số tiền đã giao dịch trên hệ thống và trình báo sự việc với cơ quan công an.

“Sau khi tiếp nhận trình báo của ông N.V.Đ, nhận thấy đây là thủ đoạn lừa đảo mới xuất hiện tại địa bàn Nghệ An. Chúng tôi đã có văn bản đề nghị Ngân hàng VPBank phòng giao dịch Cửa Đông phong tỏa món tiền nói trên. Hiện vụ việc đang được điều tra, làm rõ.

Chỉ trong thời gian từ ngày 15-22/8, chúng tôi đã nhận được 6 trình báo của người dân bị chiếm đoạt tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng với thủ đoạn tương tự như thế”, Thiếu tá Hà Huy Đức – Đội trưởng Đội cảnh sát điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao, PC45 Công an tỉnh Nghệ An cho biết.

Hoàng Lam