1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

TP.HCM:

Hoa hậu Quý bà Tuyết Nga chuẩn bị hầu toà

(Dân trí) - TAND Cấp cao tại TP.HCM chuẩn bị đưa vụ án Hoa hậu Quý bà thành đạt Trương Thị Tuyết Nga ra xét xử. Trước phiên xử, luật sư bào chữa và gia đình bị cáo đề nghị HĐXX giám định tâm thần đối với bà Nga.

Liên tục kêu oan

Hoa hậu Quý bà Tuyết Nga chuẩn bị hầu toà - 1

Bị cáo Tuyết Nga tại phiên tòa sơ thẩm

Theo dự kiến, ngày 23/1, TAND Cấp cao tại TP.HCM sẽ đưa Hoa hậu Quý bà thành đạt Trương Thị Tuyết Nga (55 tuổi, Giám đốc công ty TNHH đầu tư xây dựng Vũ Anh) ra xét xử phúc thẩm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tại phiên sơ thẩm, bị cáo Nga bị TAND TP.HCM tuyên phạt 15 năm tù về tội danh trên, đồng thời buộc trả lại 3,1 triệu USD cho bà Dương Mỹ Linh (bị hại).

Trước đó, ngày 29/12/2016, TAND Cấp cao tại TP.HCM cũng đã đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Trước phiên tòa, ông Trương Văn Đàng (bố của Hoa hậu Tuyết Nga) đã có đơn gửi TAND Cấp cao tại TP.HCM yêu cầu giám định tâm thần đối con gái mình. Trong đơn gửi tới TAND Cấp cao tại TP.HCM, ông Đàng nói con gái ông bị bắt giam từ tháng 7/2013. Với thời gian tạm giam kéo dài hơn 40 tháng cùng với tâm trạng oan ức, con ông không được gặp gia đình dù gia đình và bà Nga từng gửi nhiều đơn yêu cầu.

Đến khi gặp mặt tại trại tạm giam, gia đình vô cùng sửng sốt về sức khỏe và diện mạo của bà Nga, nói năng lung tung và có biểu hiện tâm thần. Gia đình đã gửi đơn yêu cầu chủ tọa xét xử sơ thẩm cho giám định tâm thần bà Nga nhưng không được chấp nhận.

Tại phiên tòa ngày 29/12/2016, bà Nga tiều tụy hẳn so với phiên tòa sơ thẩm và tỏ ra ngờ nghệch, không làm chủ được lời nói và hành động của mình. HĐXX xét hỏi thì bà Nga vẫn không biết gì. Trước những hành động của bà Nga, luật sư bào chữa cho bà đã yêu cầu HĐXX giám định tâm thần đối với thân chủ của mình.

Trong quá trình điều tra và xét xử sơ thẩm, bà Nga nhiều lần kêu oan, cho rằng giao dịch với bà Dương Mỹ Linh là quan hệ dân sự và chỉ nhận 1,5 triệu USD. Phía bà Linh biết tình trạng dự án và điều này thể hiện trong các thỏa thuận hai bên đã ký kết.

Đề nghị giám định tâm thần

Bà Nga tiều tụy hẳn so với phiên tòa sơ thẩm và tỏ ra ngờ nghệch, không làm chủ được lời nói và hành động của mình.
Bà Nga tiều tụy hẳn so với phiên tòa sơ thẩm và tỏ ra ngờ nghệch, không làm chủ được lời nói và hành động của mình.

Luật sư Nguyễn Thanh Sơn (Trưởng Văn phòng Luật sư Thành Sơn và Đồng sự), Luật Giám định tư pháp 2012 tại khoản 2 Điều 2 quy định “Người trưng cầu giám định bao gồm cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng". Đối với cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định theo điểm b, khoản 3 Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự khi “Tình trạng tâm thần của bị can, bị cáo trong trường hợp có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ”.

"Giả sử khi bà Nga phạm tội vào thời điểm có đủ năng lực trách nhiệm hình sự nhưng khi bị khởi tố, bắt tạm giam, bà Nga hoảng loạn hoặc tại phiên tòa có biểu hiện tâm thần không bình thường thì khi xét xử mà có yêu cầu (gia đình bị cáo, luật sư), Thẩm phán, HĐXX phải xem xét. Việc xem xét này căn cứ vào khoản 1 Điều 311 Bộ luật Tố tụng hình sự, quy định “Khi có căn cứ cho rằng người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 13 của Bộ luật Hình sự thì tùy theo giai đoạn tố tụng, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải trưng cầu giám định pháp y.” - luật sư Sơn phân tích.

Luật sư Nguyễn Thanh Sơn nhận định, trong quá trình xét xử tại cấp phúc thẩm, bà Nga có biểu hiện của người bị tâm thần, luật sư bào chữa yêu cầu HĐXX giám định tâm thần đối với bà Nga là có căn cứ.

Cũng theo luật sư Nguyễn Thanh Sơn, bố bà Nga có đơn gửi TAND Cấp cao tại TPHCM yêu cầu giám định tâm thần nhưng không được chấp nhận là vi phạm tố tụng. “Khoản 2 Điều 13 Bộ luật Hình sự quy định: “Phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1 Điều này trước khi bị kết án thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự”, luật sư Sơn phân tích.

Đối với Công văn của trại tạm giam B34 Bộ Công an cho rằng quá trình tạm giam, bà Nga sinh hoạt bình thường không có biểu hiện tâm thần, luật sư Sơn khẳng định, trại tạm giam không phải là cơ quan giám định tư pháp nên việc suy đoán như trên mà không dựa vào bất kỳ kết luận nào của Hội đồng giám định pháp y nào là không có căn cứ.

“Để truy tố, xét xử một cách khách quan, tại sao không đưa bà Nga đi giám định tâm thần. Nếu giám định mà có kết luận của cơ quan giám định xác định bà Nga không mắc bệnh tâm thần thì bà Nga phải chịu trách nhiệm hình sự và Tòa án vẫn xét xử bà Nga theo quy định của pháp luật.”, luật sư Sơn phân tích.

Trung Kiên - Xuân Duy