Hạnh phúc muộn của người phụ nữ từng mang án ma túy
(Dân trí) - Dính vào ma túy, chị La Thị Vượng phải đánh đổi bằng bản án 9 năm. Người phụ nữ Thái ấy đã tự mình đứng dậy, vượt qua lầm lỗi, làm lại cuộc đời. Hiện, chị La Thị Vương đang là chủ của mô hình kinh tế chăn nuôi kết hợp trồng rừng được đánh giá là có hiệu quả vào bậc nhất xã Tam Quang.
Chị Lô Thị Hà – Chủ tịch Hội LHPN xã Tam Quang (Tương Dương, Nghệ An) nói với chúng tôi: “Gặp chị Vượng khó đấy. Chả ai siêng năng, tháo vát và dám nghĩ, dám làm như chị ấy đâu. Sáng chưa rõ mặt người đã chạy xe máy mang thực phẩm vào các bản để bán. Trưa về rau cám cho đàn lợn nái. Chiều vào rừng chăm mấy ha keo và gần chục con bò. Mô hình kinh tế chăn nuôi – trồng rừng của chị Vượng phải nói là rất có hiệu quả. Đáng quý hơn nữa là chị ấy đã biết vượt qua quá khứ lầm lỡ để làm lại cuộc đời”.
Sẩm tối, chúng tôi tới nhà chị Vượng. Ngôi nhà nhỏ nằm sát Quốc lộ 7, bài trí đơn sơ. Thấy khách lạ vào, chị rời chiếc máy khâu cũ kĩ lại tiếp chuyện. “Đi suốt ngày, giờ tranh thủ sửa mấy chiếc quần áo cũ cho bà con. Tiền công mỗi chiếc 20 nghìn đồng thôi, gọi là có thêm tiền rau cỏ”, chị nói.
Cái nguyên tắc “bòn bạc lẻ” có vẻ như không hợp với những người đang nắm trong tay cả gia tài hàng trăm triệu đồng ở miền sơn cước này. Nhưng với người phụ nữ đã từng phải trả giả vì lòng tham mù quáng thì những đồng bạc lẻ được đổi từ chính công sức lao động của mình có ý nghĩa đặc biệt lắm.
Ngày trước, vợ chồng chị Vượng sống ở xã Yên Na. Công việc chính của chị Vượng là ngày ngày ra chợ trung tâm xã lấy hàng hóa, thực phẩm chất lên xe máy đi bán dạo ở các bản. Công việc vất vả, bù lại bữa cơm của gia đình nhỏ không bị đứt đoạn. Nhưng rồi nghe người khác rỉ tai xách thuê ma túy, chả tốn mấy công sức mà tiền công bằng cả năm chạy xe máy bạc mặt bán rong, chị tặc lưỡi… Cái tặc lưỡi đó phải trả giá bằng 9 năm tù khi chị Vượng bị bắt ngay trong chuyến hàng đầu tiên. Lúc đó, đứa con trai độc nhất của chị mới hơn 13 tuổi.
“Chị thi hành án ở trại giam Bình Điền (Thừa Thiên Huế), bố mẹ già yếu, lại nghèo đâu vào thăm được. Thời gian đầu thì anh ấy còn liên lạc, thông báo tình hình của con nhưng cứ thưa dần, thưa dần. Ngày hay tin anh đi lấy vợ khác chị chỉ biết nằm khóc. Ma túy khiến chị mất mát nhiều quá. May mắn, con trai của chị ngoan, thông minh, học giỏi. Cháu thi đậu vào trường dân tộc nội trú tỉnh…”, chị Vượng trải lòng.
Thấm thía cái giá phải trả, chị tự dặn lòng phải tự vượt lên nghịch cảnh do chính mình tạo ra. Nhờ cố gắng lao động, cải tạo, sau 3 lần giảm án, năm 2009 chị Vượng được tha tù trước thời hạn khi mới đi hơn nửa chặng đường trả án.
“Những ngày sắp được về vừa mừng, vừa hồi hộp, vừa lo lắng. Mình về phải đối diện với mọi người như thế nào đây? Liệu mọi người có xa lánh, dị nghị không? Phải bắt đầu lại như thế nào? Chị biết ngày trở về sẽ rất khó khăn nhưng nhất định không được gục gã thêm một lần nào nữa”, người phụ nữ bước qua lầm lỡ với niềm tin và quyết tâm như thế.
Chị Lô Thị Kim Oanh – Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Tương Dương cho biết: “Mô hình chăn nuôi kết hợp trồng rừng của chị La Thị Vượng là một trong những mô hình kinh tế có hiệu quả của Hội. Đây cũng là một trong những mô hình điểm của Hội trong việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế dành cho những người một thời lầm lỡ mà Huyện hội kết hợp với các tổ chức đoàn thể khác triển khai trên địa bàn".
Dù đã chuẩn bị tâm lý rất kỹ nhưng ngày trở về chị Vượng không tránh khỏi cú sốc tâm lý khi mọi thứ đã thay đổi quá nhiều. Suốt thời gian đầu chị đóng cửa nhốt mình trong nhà, không dám đi đâu. Thời điểm đó, con trai chị đã tốt nghiệp THPT, cần một định hướng đúng đắn. Bố mẹ cũng cũng đã quá già rồi. Mình không đứng lên, gánh vác cái gia đình nhỏ ấy, trả nợ đấng sinh thành và chỉ dạy cho con thì những con người vì mình mà phải chịu điều tiếng ấy biết trông mong vào ai?
Hội LHPN xã Tam Quang biết hoàn cảnh của chị Vượng nên đứng ra bảo lãnh để chị vay thêm vốn, trước mắt để trả số nợ vay hồi xưa và lấy vốn phát triển kinh tế. Chị Vượng nhờ bố vay thêm 20 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội. Có vốn, chị mua 1 cặp bò me, 7 con lợn giống bắt đầu gây dựng lại cuộc sống.
Lứa lợn đầu tiên thắng lợi, chị có vốn quay vòng. Lần này, chị Vượng quyết định nuôi lợn mẹ, việc chăm sóc có vất vả hơn nhưng bù lại, hiệu quả kinh tế lớn hơn trước. Nuôi lợn đẻ, vừa chủ động được nguồn lợn thịt giống, vừa bán con giống cho bà con trong vùng. Công việc không phải lúc nào cũng thuận lợi bởi thị trường có nhiều biến động lên xuống thất thường. Có những thời điểm, chị Vượng phải chấp nhận bán lỗ cả đàn lợn thịt nhưng không vì thể mà nhụt chí, bỏ cuộc.
Vừa chăm sóc đàn lợn, chị Vượng chạy chợ kiếm thêm thu nhập. Công việc có cực nhọc hơn gấp bội nhưng tiêu những đồng tiền sạch được kiếm bằng mô hôi, công sức và cả nước mắt khiến chị thanh thản và hạnh phúc hơn bao giờ hết. Ngoài đàn lợn nái, lợn thịt, chị Vượng trồng thêm 4 ha keo và chăn nuôi thêm đàn bò 9 con. Số nợ ngân hàng đã được trả hết, hiện thu nhập hàng năm của chị Vượng đạt từ 60-80 triệu đồng.
Hạnh phúc một lần nữa mỉm cười khi chị nên duyên với người đàn ông đã từng 1 lần đổ vỡ hôn nhân Lương Văn Nam (SN 1964). Anh Nam chịu trách nhiệm trông coi đàn bò và 4 ha keo, chị Vượng chăm sóc đàn lợn và chạy chợ. Hồi đầu năm, cậu con trai của chị lấy vợ, Tết này, chị Vượng lên chức bà nội.
“Chị may mắn được chính quyền, các cấp hội phụ nữ quan tâm tạo điều kiện. Anh Nam không chê chị tù tội mà yêu thương, chia sẻ. Chị may mắn vì con trai, dù thiếu thốn tình cảm và sự chăm sóc nhưng vẫn vững vàng và trưởng thành.
Giờ chị có gia đình, có chồng, có con dâu, có cháu nội, có kinh tế ổn định để lo cho gia đình. Hạnh phúc này hồi còn ở trong trại giam chị không dám mơ tưởng đến. Mọi người yêu thương, tin tưởng thì mình phải sống cho tốt, cho xứng đáng”, người phụ nữ đã trải qua nhiều biến cố, giông bão cuộc đời mỉm cười hạnh phúc.
Hoàng Lam