Giáo viên tiếng Anh và cán bộ dân số câu kết đưa lao động sang Mỹ trái phép
(Dân trí) - Giới thiệu nhưng 2 người em không đồng ý, Trần Thị Lê bàn với Nguyễn Thị Thủy tìm người đưa sang Mỹ cho Trung để hưởng hoa hồng 500 USD/lao động. Đóng gần 400 triệu đồng nhưng khi sang Mỹ bị “bỏ rơi”, hai lao động quay về Việt Nam tố cáo Lê và Thủy.
Sáng ngày 3/5, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa sơ thẩm công khai xét xử Trần Thị Lê (SN 1981, nguyên là cán bộ dân số xã Sơn Hải, Quỳnh Lưu, Nghệ An) và Nguyễn Thị Thủy (SN 1983, trú tại xã Nghi Đức, Tp Vinh, Nghệ An) về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”.
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Nghệ An, đầu tháng 5/2016, Trần Thị Lê nhận được điện thoại của Lê Quang Trung (hiện đang sinh sống ở Mỹ, anh trai Trung lấy em gái Lê) nhờ kiếm lao động đưa sang đảo Samoa (Mỹ) để làm việc, lương 1.000 USD/tháng. Chi phí mỗi lao động phải đóng là 12.000 USD. Với mỗi lao động đưa sang Mỹ, Trung sẽ trả cho Lê 500 USD.
Sau khi giới thiệu nhưng 2 người em không đồng ý, Lê liên lạc với Nguyễn Thị Thủy - giáo viên tiếng Anh tại một trung tâm ngoại ngữ ở Tp Vinh nhờ Thủy tìm người có nhu cầu đi Mỹ làm việc. Thủy đặt vấn đề với Trương Văn T. (quê Yên Thành) và Nguyễn Minh Đ. (quê Diễn Châu) – là 2 học viên cũ của Thủy. Khi nghe nói sang Mỹ sẽ được cấp thẻ xanh để làm việc trong vòng 1 năm, T. và Đ. đồng ý đóng tiền cùng hồ sơ giấy tờ cho Thủy. Thủy chuyển giấy tờ để Trung làm hồ sơ cho 2 lao động này sang Mỹ làm việc.
Từ tháng 5 đến tháng 6/2016, Thủy và Lê đã thu 24.000 USD của hai lao động này gửi cho Trung. Hai người được hưởng 20 triệu đồng tiền hoa hồng như đã thỏa thuận.
Ngày 10/6/2016, Thủy đưa Trương Văn T. và Nguyễn Minh Đ. ra sân bay Nội Bài, bay qua Cộng hòa Fiji. Tại đây, Trung đón hai lao động này đưa về khách sạn nghỉ rồi biến mất. Trương Văn T. và Nguyễn Minh Đ. tự mua vé máy bay sang đảo Samoa bằng hộ chiếu du lịch, tìm Trung và được người này giới thiệu làm việc tại một nông trang của người Trung Quốc với mức lương 10 USD/ 1 ngày.
Do công việc và chế độ lương thưởng không như Nguyễn Thị Thủy nói trước đó, hai lao động này mua vé máy bay về Việt Nam và tố cáo vụ việc đến cơ quan an ninh điều tra.
Tại phiên tòa, hai bị cáo thừa nhận không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đưa lao động sang nước ngoài làm việc. Trước khi phiên tòa diễn ra, Thủy và Lê đã hoàn trả cho 2 lao động 10 triệu đồng cùng 2.000 USD. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án xin giảm nhẹ hình phạt cho hai bị cáo trước tòa.
Phân hóa vai trò của từng bị cáo trong vụ án, HĐXX tuyên phạt Trần Thị Lê 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thử thách 36 tháng; Nguyễn Thị Thủy 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thử thách 30 tháng. Về dân sự, giao dịch giữa hai bên là vô hiệu do vậy đây là giao dịch bất hợp pháp, pháp luật không bảo hộ nên tòa không xem xét, bị cáo và các lao động phải tự thỏa thuận với nhau trong việc khắc phục hậu quả.
Hoàng Lam