1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can, lấy lời khai

(Dân trí) - Việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh phải bảo đảm tính khách quan, minh bạch, nguyên vẹn của dữ liệu ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Dữ liệu này là một bộ phận của hồ sơ vụ án hình sự được sử dụng, bảo quản, lưu trữ theo quy định của pháp luật về sử dụng, bảo quản và lưu trữ hồ sơ vụ án hình sự.

Bộ Công an - VKSND Tối cao - TAND Tối cao - Bộ Quốc phòng vừa ban hành Thông tư liên tịch số 03/2018 hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thành trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/3).

Hướng dẫn của thông tư được áp dụng trong các trường hợp lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, đương sự; đối chất; tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

Việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh phải bảo đảm tính khách quan, minh bạch, nguyên vẹn của dữ liệu ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Dữ liệu này là một bộ phận của hồ sơ vụ án hình sự được sử dụng, bảo quản, lưu trữ theo quy định của pháp luật về sử dụng, bảo quản và lưu trữ hồ sơ vụ án hình sự.

(Ảnh minh hoạ)
(Ảnh minh hoạ)

Cán bộ hỏi cung bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội quyết định lựa chọn hình thức ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.

Trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội tại cơ sở giam giữ, trụ sở Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Cán bộ hỏi cung hoặc lấy lời khai phải đăng ký để được bố trí phòng chuyên dụng, hướng dẫn về quy trình, thao tác kỹ thuật thực hiện việc ghi âm, ghi hình có âm thanh.

Khi được bố trí phòng làm việc, cán bộ đến phòng làm việc, thông báo cho bị can, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân này biết về việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; việc thông báo phải ghi vào biên bản sau đó tiến hành làm việc.

Việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh bắt đầu từ khi cán bộ nhấn nút bắt đầu, đọc thời gian bắt đầu và ghi rõ trong biên bản. Trong quá trình hỏi cung hoặc lấy lời khai có thể tạm dừng và phải đọc rõ thời gian, lý do tạm dừng. Khi tiếp tục phải đọc rõ thời gian, quá trình này được ghi rõ trong biên bản.

Kết thúc buổi làm việc, cán bộ sẽ thông báo cho bị can, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội biết buổi hỏi cung hoặc lấy lời khai kết thúc, thời gian này ghi rõ trong biên bản.

Trường hợp không bố trí được thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh thì không được tiến hành hỏi cung, lấy lời khai. Trường hợp đang hỏi cung hoặc lấy lời khai mà thiết bị xảy ra sự cố kỹ thuật thì phải dừng ngay buổi hỏi cung, lấy lời khai. Việc này ghi rõ trong biên bản, có xác nhận của cán bộ chuyên môn…

Thông tư liên tịch số 03/2018 nghiêm cấm việc tự ý chỉnh sửa, cắt, ghép, giả mạo, hủy trái phép, làm sai lệch, hư hỏng, thất lạc dữ liệu ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh hoặc sao chép, phát tán, sử dụng kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh ngoài các mục đích quy định. Người thực hiện hành vi quy định trên thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Tiếp nhận tin báo về tội phạm 24/24 giờ

Theo Thông tư liên tịch số 01/2017 của Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – VKSND Tối cao quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố sẽ có hiệu lực thi hành thì cơ quan điều tra phải tổ chức trực ban hình sự 24/24 giờ, Viện kiểm sát các cấp phải tổ chức trực nghiệp vụ 24/24 giờ để tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (kể cả tin báo về tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng); phân loại và chuyển ngay cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Địa điểm tiếp nhận phải đặt ở nơi thuận tiện, có biển ghi tên cơ quan và thông báo rộng rãi để mọi người biết. Cơ quan, tổ chức khác khi có tố giác, tin báo về tội phạm thì phải phân công người tiếp nhận.

Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khi nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố qua dịch vụ bưu chính, điện thoại hoặc phương tiện thông tin khác thì ghi vào sổ tiếp nhận. Nếu cá nhân trực tiếp đến tố giác về tội phạm hoặc đại diện cơ quan, tổ chức trực tiếp đến báo tin về tội phạm thì lập biên bản tiếp nhận và ghi vào sổ tiếp nhận. Có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc tiếp nhận.

Trường hợp người phạm tội đến tự thú, đầu thú thì thực hiện theo trình tự, thủ tục theo quy định Điều 152 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/3/2018.

Kha Xuân Lộc