Gặp lại nạn nhân chịu "tai bay vạ gió" vụ chiếc loa bị gài mìn
Bỗng dưng phải gánh chịu cuộc sống tật nguyền đau đớn nhưng nạn nhân vụ nổ mìn xe khách năm nào vẫn không oán hận kẻ đã gây ra tai họa cho mình. Anh và gia đình đã chọn cách tha thứ để giảm bớt nỗi đau cho mình, cho người...
Tai họa từ gói quà không người nhận
Trước khi gặp tai họa trong vụ nổ kinh hoàng xảy ra hơn 2 năm trước, anh Thái Viết Hảo (36 tuổi, ngụ xóm Đông Vạn, xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) đang là người đàn ông khỏe mạnh, đi làm phụ xe khách để nuôi sống gia đình. Nhưng, vụ tai nạn tai bay vạ gió ấy đã cướp đi đôi mắt, hai bàn tay, trí lực, sức khỏe cũng như tương lai của người đàn ông khỏe mạnh, chất phác.
Thời điểm đó, anh Hảo làm phụ xe khách tuyến Vinh - Hà Nội, thu nhập tính theo ngày. Cứ mỗi lần lên xe, xuống xe, anh được trả 150 nghìn tiền công. Số tiền đó vừa đủ chi phí cho 4 miệng ăn trong gia đình hằng ngày.
Một ngày giữa tháng 9.2014, chiếc xe mà anh Hảo đang làm việc được một người đàn ông gửi hàng với phí vận chuyển 45 nghìn đồng. Tuy nhiên, theo số điện thoại người gửi viết (số 5 gần giống số 8) nên nhà xe gọi mãi vẫn không có người nhận hàng.
Ngày 30.9.2014, vì tò mò, anh Hảo đã mở hộp quà, thấy đằng sau giấy gói quà là một chiếc loa đài loại nhỏ. Người phụ xe này liền cắm USB vào để nghe nhạc. Một tiếng nổ chát chúa vang lên. Vụ nổ khiến 3 người của nhà xe bị thương, anh Hảo bị nặng nhất.
“Tôi bất tỉnh 9 ngày trời mới tỉnh dậy. Nhìn xung quanh đều là bóng tối, trong khi đó hai cánh tay không còn nữa, tôi sốc nặng vô cùng. Thậm chí nhiều khi còn ước mình có thể chết luôn để vợ con, bố mẹ không phải khổ sở”, anh Hảo run run nhớ lại.
Suốt thời gian dài, anh Hảo bi quan, quậy phá không cho chữa trị khiến người thân gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng nhờ sự động viên, chăm sóc tận tình của người vợ, anh đã dần bình tâm trở lại, tiếp tục chiến đấu với những cơn đau do phẫu thuật.
Sau nhiều lần cắt da ở đùi để vá các vết bỏng ở mặt, anh Hảo được xuất viện với hai tay cụt, hai con mắt mù hẳn và chi chít vết thương trên người.
Thời gian đó, để có đủ số tiền gần 300 triệu đồng chữa trị cho chồng, chị Hiền phải vay mượn khắp nơi. Căn nhà mới xây cũng phải cầm cố ngân hàng.
Cuộc sống của gia đình vô cùng khổ cực, khi tất cả tiền bạc đều dồn hết vào việc chữa trị cho anh Hảo. Chưa hết, cùng thời điểm đó chị Hiền còn phải đưa đứa con út Thái Viết Phong đi phẫu thuật hở hàm ếch. Hàng loạt biến cố liên tục ập đến khiến gia đình như dồn vào bế tắc.
Lại nói về vụ nổ xe khách kinh hoàng. Sau một thời gian tích cực truy tìm kẻ gài mìn trong loa, cơ quan chức năng đã bắt được thủ phạm là Lê Đức Đệ (27 tuổi, ngụ phường Mai Hùng, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An). Đối tượng này khai nhận, trước đó do nghi ngờ một người đàn ông ở phường Quỳnh Lộc (thị xã Hoàng Mai) cố tình chơi xấu mình trong làm ăn nên sinh lòng thù hận.
Để trả thù, Đệ mua 100 gram thuốc nổ a-mô-nít và kíp nổ chế thành mìn cài trong chiếc loa nghe nhạc mini. Lúc đầu, Đệ định gửi qua đường bưu điện nhưng sợ bị lộ nên chuyển sang gửi xe khách. Sau 10 ngày không liên lạc được với người nhận, anh Hảo tò mò mở gói quà ra thì gặp nạn.
Theo kết quả giám định, anh Hảo bị tổn hại sức khỏe 98% do bị cụt 1/3 dưới cẳng tay trái, tháo khớp cổ tay phải; mắt trái khoét bỏ nhãn cầu, mắt phải thị lực sáng tối âm tính; sập hàm dưới, phải đóng 20 cái đinh, ngoài ra còn nhiều sẹo vết thương vùng mặt, cổ, thái dương…
Sau đó không lâu TAND tỉnh Nghệ An đã xử sơ thẩm Lê Đức Đệ với mức án tù chung thân với mức án Giết người và Tàng trữ, chế tạo vật liệu nổ trái phép. Không đồng tình, bị cáo đã làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và bị tuyên 22 năm tù giam tại phiên tòa phúc thẩm. Ngoài ra, bị cáo còn phải bồi thường cho nạn nhân 663 triệu đồng.
Tha thứ cho vơi nỗi đau
Sau đại họa, gia đình anh Hảo, chị Hiền rơi vào cảnh cùng cực, không nơi nương tựa. Rất may, nhờ sự giúp đỡ kịp thời của các cấp chính quyền, anh em họ hàng, các nhà mạnh thường quân, những phận người trong ngôi nhà ấy dần hồi sinh. Căn nhà phải cầm cố ngân hàng đã được chuộc về. Có nơi ở ổn định, chị Hiền càng có thêm động lực để làm việc, chăm sóc chồng con.
Vì hai mắt anh Hảo đã mù hoàn toàn, hai tay bị cụt nên mọi sinh hoạt hằng ngày đều do vợ đảm nhận, từ đút thìa cơm, uống ly nước hay mặc chiếc áo. Thậm chí cả việc đi vệ sinh, đánh răng rửa mặt cũng phải nhờ vợ. Vất vả là vậy, nhưng chưa bao giờ người phụ nữ ấy phàn nàn, hay oán trách khiến chồng con phải buồn. Sự tần tảo của chị Hiền khiến ai nấy đều khâm phục.
“Tôi sống đến hôm nay đã là một kỳ tích. Tất cả là nhờ công sức cô ấy. Nếu không có cô ấy bên cạnh, chắc tôi không còn được ngồi ở đây để nói chuyện”, anh Hảo tâm sự.
Người mợ của anh ngồi bên cạnh cũng động viên: “Nhờ cái Hiền mà cháu mới được như vậy. Cháu phải sống vui vẻ để không phụ lòng vợ, đừng bi quan như trước nữa”. Người mợ cũng hết lời khen ngợi cháu dâu nết na, đảm đang. Chính chị Hiền đã giúp những người thân trong nhà lấy lại niềm tin vào cuộc sống sau cơn bĩ cực.
Được biết, chị Hiền quê tỉnh Hải Dương. Anh chị quen nhau trong quá trình làm thuê ngoài Bắc. Năm 2005, hai người chính thức nên duyên vợ chồng. Hai bên nội ngoại lúc đó chưa hoàn toàn đồng ý vì không muốn các con lập gia đình xa. Nhưng trước tình yêu của đôi trẻ, họ đành chấp nhận.
Cách đây khoảng nửa năm, sau khi xét hoàn cảnh gia đình, chị Hiền đã được lãnh đạo Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Nghệ An nhận vào làm nhân viên giặt là. Hằng ngày, chị dậy từ sáng sớm chuẩn bị cơm nước cho gia đình. Khi chồng và hai con thức giấc, người phụ nữ ấy lại tất bật đút cơm cho chồng, cho con ăn, sau đó đưa hai con đến trường, rồi tất bật đi làm. Tranh thủ thời gian nghỉ trưa, chị lại về nhà lo lắng cho những người thân yêu.
Với anh Hảo, dù phải rơi vào cảnh sống tật nguyền mù lòa, ngồi một chỗ, mất khả năng lao động nhưng giờ đây, anh không còn oán than người đã khiến mình rơi vào ngõ cụt. Anh tâm sự: “Lúc đầu, vợ chồng tôi cũng hận Đệ lắm. Nhưng nghĩ, họ cũng không cố tình giết mình. Hơn nữa, sau mấy lần chứng kiến cảnh vợ con, mẹ già của Đệ tại phiên tòa, chúng tôi thấy họ cũng chẳng hơn mình. Tôi mù hai mắt, mất hai tay là do Đệ, nhưng thôi cứ xem đó là chuyện xui xẻo trong cuộc đời mà tha thứ”.
Nói đoạn, anh trầm ngâm rồi cho hay, từ khi xảy ra sự việc đến nay, gia đình Đệ mới bồi thường cho anh 40 triệu đồng. Số tiền còn lại, họ chưa khi nào đề cập đến. Nhưng giờ Đệ đã ngồi tù, vợ con nghèo đói, nên anh biết họ cũng chẳng biết lấy tiền đâu để bồi thường cho mình, đành ngậm ngùi. Giờ đây, với người đàn ông mù lòa, cụt tay này, tha thứ là cách anh chọn để giảm bớt nỗi đau cho chính mình.
Nhà Đệ cách nhà anh Hảo chừng 70 cây số. Từ khi nghe tin con trai gây tai họa, người mẹ già của Đệ đã khóc cạn nước mắt. Chồng mất, con trai vướng vào lao lý với mức án nặng, người phụ nữ có lúc đã nghĩ đến việc đoạn tuyệt cuộc đời mình. Nhưng nghĩ đến con dâu và đứa cháu nhỏ, bà lại cố gắng gượng sống. Chỉ vì sự hận thù mơ hồ mà Đệ đã đẩy hai gia đình vào nỗi đau thấu lòng.
Theo Long Trần
Pháp luật Việt Nam