1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Đổi quê quán của con trong khai sinh được không?

Nhiều người dân yêu cầu thay đổi quê quán cho con trong khai sinh từ quê quán của cha thành quê quán của mẹ hoặc ngược lại. Theo quy định hiện hành, cơ quan đăng ký hộ tịch có được giải quyết yêu cầu này?

Tại hội nghị giao ban công tác tư pháp của 24 quận , huyện trên địa bàn TP.HCM quý I-2018 , nhiều thắc mắc về công tác hộ tịch đã được đại diện các phòng tư pháp quận, huyện đặt ra để đại diện Sở Tư pháp TP có hướng dẫn kịp thời.

Không được đổi quê quán của con trong khai sinh

Đại diện Phòng Tư pháp quận 11 cho biết thời gian qua đã nhận được nhiều yêu cầu của người dân về việc thay đổi quê quán cho con trong khai sinh từ quê quán của cha thành quê quán của mẹ hoặc ngược lại. Vấn đề đặt ra là theo quy định hiện hành thì cơ quan đăng ký hộ tịch có được giải quyết yêu cầu này của các bậc cha mẹ hay không?

Theo ông Nguyễn Triều Lưu (Trưởng phòng Hộ tịch-Quốc tịch, Sở Tư pháp TP), khoản 8 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014 quy định quê quán của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh.

Như vậy, ngay từ khi sinh ra, quê quán của trẻ đã được xác định cụ thể là theo quê quán của người cha hoặc theo quê quán của người mẹ theo tập quán tại nơi sinh sống hoặc theo thỏa thuận giữa cha hoặc mẹ. Trừ trường hợp đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú, nếu không có quyết định công nhận việc nhận cha cho con thì quê quán của con sẽ được xác định theo quê quán của người mẹ.

Riêng về yêu cầu thay đổi phần khai về quê quán trong khai sinh của trẻ từ quê quán của cha thành quê quán của mẹ hoặc ngược lại, ông Lưu khẳng định không thuộc phạm vi được giải quyết thay đổi hộ tịch theo Điều 26 Luật Hộ tịch 2014.

Người dân làm thủ tục hộ tịch tại UBND xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: HTD
Người dân làm thủ tục hộ tịch tại UBND xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: HTD

Điều chỉnh thông tin hộ tịch phù hợp với thay đổi

Tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Hùng (Trưởng phòng Tư pháp huyện Củ Chi) thắc mắc: Phải điều chỉnh thông tin đã đăng ký khai sinh cho người con như thế nào khi giấy khai sinh của cha, mẹ có sự thay đổi do việc thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc? Mặt khác, phải điều chỉnh các thông tin hộ tịch không phải là giấy khai sinh ra sao trong trường hợp giấy khai sinh của người đó có thay đổi do việc thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc?

Ông Nguyễn Triều Lưu hướng dẫn: Theo Điều 6 Nghị định 123/2015 của Chính phủ (quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch), giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con... đều phải phù hợp với giấy khai sinh của người đó.

Căn cứ vào quy định trên, trường hợp giấy khai sinh của cha, mẹ có thay đổi (do thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc) thì cơ quan đăng ký hộ tịch thực hiện ghi vào sổ khai sinh của người con và cấp trích lục bản sao khai sinh có những thông tin về cha, mẹ phù hợp với giấy khai sinh của họ.

Tương tự, đối với các loại giấy tờ khác không phải khai sinh thì khi giấy khai sinh của người đó có thay đổi (do thay đổi hộ tịch, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc) thì cũng thực hiện ghi vào sổ khai sinh thay đổi đó để cấp cho họ các loại giấy tờ hộ tịch có nội dung phù hợp với giấy khai sinh của họ.

Xác định nơi cư trú của trẻ

Đại diện Phòng Tư pháp quận 12 thắc mắc: Điều 43 Luật Hộ tịch 2014 (thẩm quyền đăng ký nhận cha, mẹ, con) quy định “UBND cấp huyện nơi cư trú của người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con…”. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 44 Luật Hộ tịch 2014 (thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con) lại quy định: “… công chức làm công tác hộ tịch xác minh, niêm yết việc nhận cha, mẹ, con tại trụ sở UBND cấp huyện trong thời gian bảy ngày liên tục, đồng thời gửi văn bản đề nghị UBND cấp xã nơi thường trú của người được nhận là cha, mẹ, con niêm yết trong thời gian bảy ngày liên tục tại trụ sở UBND cấp xã”.

Theo đại diện Phòng Tư pháp quận 12, quy định trên đã gây khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết hồ sơ cho trường hợp trẻ mới được sinh ra và mẹ là người nước ngoài nên không có nơi thường trú tại Việt Nam.

Đối với trường hợp này, ông Nguyễn Triều Lưu (Trưởng phòng Hộ tịch-Quốc tịch, Sở Tư pháp TP) hướng dẫn nếu trẻ ở cùng mẹ thì nơi cư trú của trẻ được xác định theo nơi cư trú của người mẹ.

Theo Kim Phụng

Pháp luật TPHCM