1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Công an Nghệ An cảnh báo hình thức lừa đảo nhắm vào người bán hàng online

(Dân trí) - Sau khi đặt mua một lượng hàng lớn, đối tượng sử dụng đầu số điện thoại “ảo” thông báo đã chuyển tiền cho nạn nhân. Chúng yêu cầu nạn nhân chuyển thông tin về tài khoản, mật khẩu… mới có thể rút được tiền. Khi giành được quyền sử dụng tài khoản của nạn nhân, các đối tượng chuyển tiền qua ví điện tử và chiếm đoạt.

PC45 Công an tỉnh Nghệ An cảnh báo chiêu thức lừa đảo nhắm vào người bán hàng online

Trang fanpage Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An vừa phát đi cảnh báo về một hình thức lừa đảo tinh vi thông qua Facebook. Theo thông tin cảnh báo của công an, trong những ngày qua, cơ quan điều tra nhận được trình báo của nhiều người dân về việc bị một đối tượng dùng Facebook để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc mua bán hàng online.

Trong đơn trình báo, chị Nguyễn Thị L. (trú thị xã Thái Hòa, Nghệ An) cho biết, ngày 27/10, một tài khoản Facebook nhắn tin mua hàng qua trang Facebook cá nhân của chị. Theo người này nói thì do đang ở nước ngoài nên sẽ thanh toán 6,5 triệu đồng tiền mua hàng qua tài khoản ngân hàng và đề nghị chị L. gửi số tài khoản ngân hàng, số điện thoại.

Đối tượng mà bọn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hướng tới là những người bán hàng online (ảnh minh họa)
Đối tượng mà bọn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hướng tới là những người bán hàng online (ảnh minh họa)

Sau khi cung cấp số tài khoản ngân hàng, chị L. nhận được tin nhắn từ số +447329935130 thể hiện tài khoản của chị vừa được cộng 6,5 triệu đồng từ dịch vụ chuyển tiền Western Union.

Người mua hàng gửi cho chị L. một đường link, yêu cầu nhập thông tin tên tuổi, số điện thoại, CMND, số tài khoản, mật khẩu tài khoản thì mới có thể rút số tiền vừa được chuyển. Như bị thôi miên, chị L. răm rắp làm theo, kể cả khi người khách yêu cầu chị gửi mã bảo mật OTP của dịch vụ Internet banking.

Chỉ khi tài khoản ngân hàng của mình “bốc hơi” 20 triệu đồng, chị L. mới tá hỏa biết mình rơi vào bẫy của bọn lừa đảo.

Tương tự với thủ đoạn này, chị Nguyễn Thị H. (trú huyện Nghĩa Đàn) cũng bị chiếm đoạt 5 triệu đồng.

Theo Đại úy Phạm Trung Hiếu - Phó đội trưởng Đội phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, PC45 Công an tỉnh Nghệ An, các đối tượng lừa đảo sử dụng chính số điện thoại của nạn nhân để đăng ký lập ví điện tử (một loại tài khoản điện tử, thanh toán trực tuyến các loại chi phí trên Internet, giúp người sử dụng gửi tiền và nhận tiền một cách nhanh chóng nhất).

Cảnh báo về hình thức lừa đảo nhắm vào người bán hàng online được đăng tải trên trang fanpage chính thức của Phòng cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Nghệ An
Cảnh báo về hình thức lừa đảo nhắm vào người bán hàng online được đăng tải trên trang fanpage chính thức của Phòng cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Nghệ An

Các đối tượng lừa đảo sau khi lập được ví điện tử từ số điện thoại của “con mồi” sẽ giả vờ nhập sai mã OTP để yêu cầu nạn nhân gửi lại mật khẩu của ví điện tử (được báo về qua điện thoại) để thực hiện việc chuyển tiền nhằm chiếm đoạt tài sản.

Các đối tượng lừa đảo thường chọn thời điểm để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản vào lúc chiều tối thứ 6. Nếu nạn nhân nghi ngờ cũng khó đến ngân hàng để xác minh và khóa tài khoản vì ngày cuối tuần ngân hàng không làm việc.

“Để nạn nhân tin tưởng, đối tượng lừa đảo thường nhắm tới các facebook có trong danh sách bạn bè rồi “hack” để chiếm quyền sử dụng. Sau đó, đối tượng sử dụng Facebook vừa hack để nhắn tin vờ mua hàng để thực hiện hành vi lừa đảo”, Đại úy Phạm Trung Hiếu cho hay.

Đối tượng lừa đảo làm giả nhiều số điện thoại ảo, giống số điện thoại nước ngoài như +447239935130, +447239939108… để nhắn tin với nội dung đã chuyển tiền. Các nạn nhân thường tập trung vào nội dung tin nhắn mà không để ý đến đầu số nhắn tới.

Các đối tượng lừa đảo thường dùng đầu số điện thoại ảo để nhắn tin báo biến động số dư trong tài khoản của người bán hàng. Người bán hàng thường chỉ chú ý đến nội dung tin nhắn mà không để ý đến đầu số nhắn tin không phải là đầu số ngân hàng
Các đối tượng lừa đảo thường dùng đầu số điện thoại ảo để nhắn tin báo biến động số dư trong tài khoản của người bán hàng. Người bán hàng thường chỉ chú ý đến nội dung tin nhắn mà không để ý đến đầu số nhắn tin không phải là đầu số ngân hàng

Qua điều tra cho thấy, đối tượng còn lập một trang web giả mạo thông qua đường link: dichvu-tructuyen.wix.com/westernunion để đánh cắp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng của nạn nhân. Chúng yêu cầu người bán hàng cung cấp mã OTP để hoàn thành giao dịch nhưng thực chất là để kiểm soát tài khoản ngân hàng của nạn nhân.

Trong sáng 1/11, PC45 nhận trình báo từ một nạn nhân bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn tương tự. Tuy nhiên, lần này số tiền từ tài khoản của nạn nhân được chuyển qua một tài khoản ngân hàng khác, do vậy PC45 phối hợp với ngân hàng phong tỏa tài khoản nên hành vi chiếm đoạt tài sản đã được ngăn chặn kịp thời.

“Hiện này việc mua bán hàng online thông qua tài khoản Facebook rất phổ biến, do vậy người bán hàng cần phải cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo mới này. Người bán hàng tuyệt đối không được cung cấp bất kỳ thông tin tài khoản ngân hàng, mật khẩu, mã OTP ví điện tử cho bất kỳ ai ngoài trang web chính thức của ngân hàng”, Đại úy Phạm Trung Hiếu khuyến cáo.

Hoàng Lam