Con bị giết, cha một mực kêu oan cho bị cáo
(Dân trí) - Bị cáo cũng như cha bị hại liên tục kêu oan, lời khai của các nhân chứng bất nhất thiếu cơ sở buộc tội nên HĐXX phải liên tục trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Ngày 28/3, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Dương Chí Tâm (sinh năm 1991 tại TPHCM) về tội “giết người”. Vụ án đã từng gây xôn xao dư luận vì kéo dài suốt nhiều năm nhưng không thể tuyên án.
Theo cáo trạng, khoảng tháng 4/2009, vợ chồng anh Trần Văn Phát và chị Mai Thị Cẩm Lệ sống tại nhà mẹ vợ ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TPHCM.
Quá trình chung sống, vợ chồng anh Phát thường xuyên nảy sinh mâu thuẫn. Ngày 18/4/2010, trong lúc cãi nhau, Phát tức giận dùng tay tát vào mặt vợ. Do trên tay anh có đeo nhẫn nên làm mặt vợ rách da, anh phải chở vợ đến bệnh viện khâu vết thương.
Nghe tin chị gái bị đánh, Mai Hoàng Phong (em ruột chị Lệ) chở mẹ là bà Lê Thị Lượm sang. Đến nơi, thấy nhà không có người nhưng cửa mở nên Phong xuống bếp lấy cây đập bể tivi và tủ lạnh sau đó bỏ về. Hôm sau, bà Lượm không cho ở trong nhà nữa nên kêu Phong lấy đồ đạc của con gái và con rể đem bỏ ra ngoài.
Chiều 19/4/2010, hai người phụ nữ tự xưng là người quen của anh Phát đến gặp chị Lệ lớn tiếng đòi lại tiền mà anh Phát đã mượn trước đó. Lúc này, trong nhà có bà Lượm, Phạm Nguyễn Yên Vũ và một số người chứng kiến. Khi hai người phụ nữ lấy tiền bỏ đi, Vũ mang theo cây móc sắt tìm đến nhà Phát để đánh.
Thấy vậy, cháu họ của chị Lệ là Dương Chí Tâm cũng lấy một con dao giấu trong túi quần đi theo. Đến khoảng 18h cùng ngày, Vũ gặp anh Phát rồi hai bên lao vào đánh nhau. Trong lúc hai bên xô xát, nghe Vũ kêu cứu, Dương Chí Tâm vào can ngăn thì bị anh Phát đánh. Do vậy, Tâm dùng dao đâm Phát dẫn đến tử vong. Sau khi gây án, Tâm mang con dao về nhà cất.
Với hành vi trên, bị cáo Dương Chí Tâm từng bị tuyên phạt 12 năm tù về tội giết người. Bản án sau đó bị hủy để điều tra, xét xử lại.
Ngay sau phiên tòa, Dương Chí Tâm đã kháng cáo kêu oan. Cha nạn nhân với tư cách đại diện hợp pháp của người bị hại cũng kháng cáo kêu oan cho Tâm.
Tâm liên tục kêu oan, không nhận tội. Tâm thừa nhận tìm đến nơi đánh nhau giữa Vũ và anh Phát. Khi thấy anh Phát đánh làm Vũ té ngã, bị cáo đã nhảy vào dùng tay xô Phát, bị cáo hoàn toàn không dùng dao đâm nạn nhân như cáo trạng nêu.
Với tư cách là nhân chứng trong vụ án, Phạm Nguyễn Yên Vũ khai: “Trong lúc đánh nhau với Phát tôi bị Phát đánh trúng vào đầu té ngã. Tôi đã kêu “Tý ơi, cứu dượng Năm với” (Tý là tên ở nhà của Tâm). Sau đó, Tâm xông vào thì Phát có lùi lại nhưng việc Tâm có đâm Phát hay không thì tôi không nhìn thấy”.
Được tòa mời lên thẩm vấn, ông Trần Văn Xuân (cha nạn nhân) giữ nguyên yêu cầu kháng cáo. Ông cho biết, với những gì đã xảy ra, ông tin rằng Tâm không phải là kẻ đã cố tình cầm dao đâm chết con ông. Ông xin tòa hủy án để điều tra, xét xử lại. Các nhân chứng còn lại cũng xác định không thấy Tâm mang dao về nhà.
Bị cáo cũng như cha bị hại liên tục kêu oan, lời khai của các nhân chứng bất nhất thiếu cơ sở buộc tội bị cáo nên HĐXX phải liên tục trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Sau nhiều lần điều tra bổ sung những chứng cứ của vụ án, VKS khẳng định những lời khai đầu tiên của bị cáo phù hợp với tính chất vết thương trên người nạn nhân và hiện trường vụ án. Vì vậy, cáo trạng truy tố bị cáo hoàn toàn dựa trên cơ sở pháp lý.
Căn cứ vào hồ sơ vụ án, lời khai nhân chứng, HĐXX đã quyết định tuyên phạt bị cáo Dương Chí Tâm 8 năm tù về tội “giết người”.
Xuân Duy