Có nên trang bị vũ khí quân dụng cho công an xã?

(Dân trí) - Trước nội dung dự thảo cho phép công an xã được trang bị vũ khí quân dụng, luật sư Trần Quốc Toản cho rằng, cần xem xét lại vì công an xã không phải là lực lượng chuyên nghiệp, chưa được đào tạo bài bản nên dễ xảy ra chuyện khi được cấp vũ khí quân dụng.

Theo Dự thảo lần 2 Thông tư quy định chi tiết một số điều của “Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ” mà Bộ Công an mới công bố, nội dung gây tranh cãi lớn nhất là công an xã được trang bị vũ khí. Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sắp có hiệu lực đã có Dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết, Dự thảo Thông tư trên chỉ quy định chi tiết thêm cho Nghị định ấy.

Ông Nguyễn Ngọc Thấu - Trưởng Công an xã Nghi Quang (Nghi Lộc, Nghệ An) - dùng súng bắn đạn cao su bắn nhiều phát, trong đó có 4 phát trúng Chủ tịch UBND xã Nghi Quang.
Ông Nguyễn Ngọc Thấu - Trưởng Công an xã Nghi Quang (Nghi Lộc, Nghệ An) - dùng súng bắn đạn cao su bắn nhiều phát, trong đó có 4 phát trúng Chủ tịch UBND xã Nghi Quang.

Theo luật sư Trần Quốc Toản, Phó Trưởng Văn phòng luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), cái hay là Thông tư đã phân cấp rõ ràng, cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của từng đối tượng liên quan đến trách nhiệm điều động, điều chuyển, trang bị vũ khí. Đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng là công an xã/phường/thị trấn đang gây nhiều tranh cãi.

Không thể phủ nhận lực lượng công an xã đang có những đóng góp rất lớn trong việc bảo đảm an ninh trật tự ở các địa phương. Việc trang bị vũ khí sẽ phần nào giúp đội ngũ này thực hiện nhiệm vụ tốt hơn.

Tuy nhiên, từ trước tới nay, lực lượng công an xã là lực lượng bán chuyên trách, thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự xã hội ở thôn làng, địa phương. Các loại công cụ hỗ trợ được trang bị như hiện tại (dùi cui, còng, súng gây ngạt, gây tê…) đủ để hỗ trợ cho lực lượng này đảm bảo an ninh, trật tự xã hội tại địa phương, đủ sức để trấn áp những đối tượng manh động ở thôn, xóm trên địa bàn.

Việc giao vũ khí quân dụng cho công an xã cần thiết phải xem xét lại. Công an xã không qua sàng lọc gắt gao về phẩm chất chính trị và các tiêu chí khác của ngành; không phải là lực lượng chuyên nghiệp, chưa được đào tạo bài bản nên dễ xảy ra chuyện khi cấp vũ khí quân dụng.

Ở một số nơi có tình trạng sử dụng vũ khí rất bừa bãi. Đã có nhiều trường hợp người dân thường bị thương tích bởi vũ khí của công an xã gây ra. Thậm chí, gần đây còn có sự việc Trưởng công an xã bắn Chủ tịch xã gây hoang mang dư luận.

Hiện nay, khi có những vụ việc nghiêm trọng, công an xã hoàn toàn có thể yêu cầu công an huyện hỗ trợ bởi khoảng cách địa giới hành chính, cộng với giao thông thuận tiện nên giữa huyện và xã giờ không xa như trước đây. Thông tin liên lạc luôn thông suốt, khi có việc phức tạp về an ninh trật tự, lực lượng công an huyện luôn có mặt kịp thời.

Các cán bộ công an chuyên nghiệp được đào tạo bài bản trước khi nổ súng nhiều khi còn rất đắn đo, đánh giá, phán đoán tình huống đôi khi chưa chuẩn. Bởi vậy, đối với công an xã trình độ còn hạn chế nên giao vũ khí cho họ cần thiết phải xem xét lại.

Bên cạnh đó, việc trang bị vũ khí quân dụng cho lực lượng công an xã sẽ phát sinh việc cấp, quản lý, cất giữ vũ khí quân dụng vốn phức tạp, gây tốn kém ngân sách và đem lại hiệu quả không cao.

Hiện lực lượng công an tổ chức theo 3 cấp (cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện) và cơ quan chức năng đang xem xét sửa Luật Công an nhân dân theo hướng xây dựng lực lượng công an 4 cấp. Luật sư cho rằng chưa nên trang bị vũ khí quân dụng cho công an xã cho đến khi xây dựng lực lượng công an 4 cấp.

Tiến Nguyên (ghi)