1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Chuyện người bắt hàng nghìn tử thi “lên tiếng”

(Dân trí) - Bác sĩ Nguyễn Thanh Tuyền là 1 trong những bác sĩ giải phẫu pháp y đầu tiên của Việt Nam. Ông đã xác lập kỷ lục khi giải phẫu hơn 10.000 tử thi, góp phần phá giải những vụ án hóc búa.

Lớp học một thầy một trò

Bác sĩ Nguyễn Thanh Tuyền sinh năm 1938 ở Cà Mau. Ông vào chiến khu lúc mới 5-6 tuổi vì cha mẹ đều tham gia kháng chiến. Năm 1954, ông thuộc diện học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Học ở Trung Quốc 3 năm rồi về Hà Nội học Đại học Y Hà Nội khóa 1960-1966, ông theo chuyên ngành giải phẫu bệnh để phục vụ miền Nam.

Bác sĩ Tuyền tâm sự: “Ngày đó, hiểu rõ được những khó khăn khi theo ngành này nhưng với tinh thần của một người đoàn viên, vì Miền Nam, tôi đã quyết định theo học. Tôi học chung khóa với bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Năm đó trường Y có hơn 200 sinh viên nhưng chỉ có mình tôi theo học ngành giải phẫu. Ngày đầu tới lớp, tôi vẫn còn nhớ như in cả lớp học chỉ một mình tôi và giáo sư Vũ Công Hòe. Người Việt vẫn luôn quan niệm đụng vào xác chết là không may mắn, nên mọi người vẫn thường gọi tôi là thằng “đồ tể”.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Tuyền kể lại chuyện đời, chuyện nghề
Bác sĩ Nguyễn Thanh Tuyền kể lại chuyện đời, chuyện nghề

Vượt qua những rào cản, những băn khoăn, nghĩ suy từ thị phi cuộc đời được ông gạt bỏ để theo đuổi niềm đam mê nghề nghiệp sau lần đầu tiên đặt dao mổ cho tử thi mới 6 tháng tuổi.

Bác sĩ Tuyền kể lại: "Đứng trước xác chết chỉ là một cháu bé, tôi có một sự xúc động mãnh liệt. Đứa bé còn quá nhỏ, chưa biết gì về cuộc đời này mà đã phải ra đi. Từ đó, tôi quyết định chọn công việc mổ xác bệnh nhân để rút kinh nghiệm cho việc điều trị, tìm nguyên nhân tử vong".

Khi ra trường, ông về làm việc ở phòng giải phẫu bệnh lý thuộc Viện Chống lao của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch. Sau ngày giải phóng, ông về lại Sài Gòn và bắt đầu công việc tại trung tâm giám định pháp y.

Do tính chất chất công việc nên năm 70 tuổi thì ông mới nghỉ hưu nhưng hiện nay có những vụ án nghiêm trọng thì ông cũng vẫn trực tiếp mổ. Gần 50 năm trong nghề, bác sĩ Tuyền đã tiến hành giải phẫu hơn 10.000 tử thi, đi tìm câu trả lời cho nhiều vụ án hóc búa.

Trào nước mắt khi khám phá án... éo le

Là một bác sĩ của người chết, bác sĩ Tuyền chịu nhiều sự hy sinh, không có thời gian chăm lo cho gia đình. Do đặc thù công việc nên bác sĩ Tuyền phải ra khỏi nhà để mổ cho tử thi bất cứ lúc nào, có nhiều vụ khó thì mổ từ đêm tới gần sáng cũng chưa tìm ra được câu trả lời.

Trong cuộc sống, ông cũng chịu nhiều thiệt thòi vì công việc của mình. Ông kể, vào những ngày Tết, ông không dám tới nhà ai thăm hỏi vì sợ người ta kiêng kỵ, chỉ trừ những người rất thân trong gia đình.

“Tôi là bác sĩ chưa bao giờ đụng tới bệnh nhân sống, chỉ toàn xác chết thôi… Cái mà tôi đi tìm là nguyên nhân dẫn đến cái chết để giải quyết 2 vấn đề, cung cấp bằng chứng phá án và giải phẫu bệnh lý”.

Trong quá trình làm nghề, ông cũng chịu áp lực từ đủ phía. Thế nhưng, để tránh oan sai cho người còn sống cũng như làm sáng tỏ nguyên nhân tử vong, ông kiên quyết giữ vững kết quả giám định, bỏ mặc áp lực từ cấp trên hay sự bêu xấu của người khác.

Ông kể về một kỳ án xâm hại trẻ em mà ông tiếp nhận khi mới vào nghề không lâu. Qua khám nghiệm, ông xác định màng trinh của cháu bé còn nguyên vẹn, nhưng khi đưa kết quả ra, gia đình cháu bé đã nổi giận với ông và tìm đến một tiến sĩ có tiếng trong lĩnh vực chăm sóc trẻ em khám nghiệm. Vị tiến sĩ này cho kết quả ngược lại.

Thế là, người ta bêu xấu ông. Ông vẫn bình thản. Lãnh đạo thành phố lập một hội đồng và đưa cháu bé đến bệnh viện Từ Dũ khám. Kết quả, màng trinh cháu bé vẫn nguyên vẹn, đúng như giám định ban đầu của ông.

Trong 1 vụ án khác xảy ra ở Quận 8 ,TPHCM, tòa xử mãi không được cho đến khi ngành pháp y vào cuộc. Bác sĩ Tuyền xác định hướng dao đâm chết nạn nhân và kết luận nó phải được thực hiện bằng tay trái, chứ không đúng như bị cáo đã khai bằng tay phải. Hồ sơ vụ án được lật lại. Vụ việc sáng tỏ, người cha gần 80 tuổi nhận tội thay cho con trai độc nhất của mình. Trong lúc cự cãi, anh này đã đâm chết hàng xóm; người cha chỉ hiện diện lúc án mạng xảy ra.

Bác sĩ Tuyền tâm sự: “Quan trọng nhất là sự thật! Khi tìm ra được kết quả là lúc tôi hạnh phúc nhất, và có thêm động lực để theo nghề!”.

Dù chịu nhiều áp lực, thiệt thòi từ công việc, bạn bè và người thân xa cách vì chính công việc này nhưng bác sĩ Tuyền vẫn cho mình là người may mắn. Theo ông, điều may mắn nhất đời mình là ông được vợ con thông cảm.

Ông lão gần 80 tâm sự: “Cô ấy thương, không nề hà công việc tôi đi đêm hôm. Nhưng tiếc một điều, thời gian sống với nhau của chúng tôi quá ngắn ngủi. Cô ấy đã mất cách đây 9 năm”.

Xuân Duy