1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát
  3. Xét xử đại án Việt Á

Câu chuyện về nữ tử tù làm việc nghĩa từ buồng biệt giam

(Dân trí) - “Không biết ngày mai sẽ ra sao nhưng chị vẫn cố gắng, cố gắng sống thật tốt để mỗi ngày trôi qua không phải hối tiếc. Chị chỉ mong mình có một cơ hội sống để trả nợ cuộc đời”. Đó là những lời tâm sự của nữ tử tù Nguyễn Hoài Thu.

Từ trong phòng biệt giam, tử tù Nguyễn Hoài Thu (SN 1980) đã gửi 3 triệu đồng để ủng hộ một cháu bé có hoàn cảnh cực kì éo le ở huyện Đô Lương (Nghệ An). Một mẩu tin tình cờ đọc trên báo khiến tôi tò mò, quyết định gặp Đại tá Trần Sỹ Phàng – Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An. Nghe tôi trình bày ý định muốn viết đôi điều về Thu, đại tá Phàng gật đầu, “phá lệ” cho phép tôi được gặp nữ tử tù này.

Nguyễn Hoài Thu trong phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào năm 2013.
Nguyễn Hoài Thu trong phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào năm 2013.

Thực ra thì đây không phải là lần đầu tiên tôi gặp Thu. Trước đây, tôi gặp Thu ở phiên tòa sơ thẩm rồi phúc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao (nay là Tòa cấp cao tại Hà Nội), đã chứng kiến những diễn biến tâm lý của bị cáo khi nhận án tử hình. Thu là một mắt xích quan trọng trong đường dây mua bán trái phép 225 bánh heroin từ Lào vào Việt Nam (trong đó, Thu phải chịu trách nhiệm về 70 bánh). Điều khiến tôi lưu tâm hơn cả là trong 6 đối tượng của đường dây này thì Thu là người có học thức cao nhất và cũng là người có nghề nghiệp ổn định – thời điểm bị bắt giữ, Thu đang là giáo viên dạy Toán của một trường cấp 2 ở huyện miền núi Quế Phong.

Trong lúc chờ Thu được dẫn ra từ phòng biệt giam, tôi tranh thủ trò chuyện với đại úy Nguyễn Thị Liên – cán bộ quản giáo kỳ cựu của Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An, người trực tiếp quản lý, giáo dục tử tù Nguyễn Hoài Thu. “Thu là người có học vấn, có trình độ nên ý thức chấp hành kỷ luật buồng giam cũng cao hơn các phạm nhân, tử tù khác. Xinh đẹp, có học thức nhưng hoàn cảnh của Thu cũng đặc biệt, hai vợ chồng li hôn khi con còn nhỏ. Thiếu bản lĩnh cộng với biến cố hôn nhân đã khiến Thu dấn thân vào đường dây ma túy xuyên quốc gia và phải trả giá bằng bản án tử hình”, đại úy Nguyễn Thị Liên nói.

“Việc giáo dục một con người lầm lỡ, nhất là người mang trong mình cái án tử hình là việc hết sức khó khăn. Để làm lay chuyển được họ, thay đổi tình cảm của họ là một quá trình lâu dài. Người cán bộ quản giáo bằng tình thương, tinh thần trách nhiệm, việc làm nhân văn để những người phạm tội nói chung và tử tù Nguyễn Hoài Thu nói riêng nhận thấy sai lầm, quay đầu hướng thiện – đó là điều không bao giờ muộn”, Đại tá Trần Sỹ Phàng – Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An.

Nguyễn Hoài Thu được dẫn ra, tươi tỉnh, hoạt bát. “Hồi mới bị bắt, Thu bị suy sụp tinh thần, hoảng loạn, đến gần nửa tháng không ăn cơm, chân bị liệt không đi lại được. Chúng tôi cho chuyển sang buồng lớn, gần gũi động viên, Thu dần bình tâm trở lại”, đại úy Liên nói tiếp.

“Ngày đó, đã có lúc chị nghĩ nếu chết được thì tốt hơn. Chị không dám đối diện với bất kỳ ai, kể cả bố mẹ mình”, tử tù Nguyễn Thị Thu trải lòng.

Thu không né tránh khi tôi hỏi về nguồn cơn dấn thân vào con đường tội lỗi này khi đã có một công việc ổn định, được nhiều người tôn trọng. Li hôn chồng, Thu ôm con trai lên Quế Phong cùng mình, vừa đi dạy, vừa nuôi con. Để có tiền trang trải cuộc sống, Thu xoay sang làm đủ nghề, từ mở quán cơm, quán phở, tiệm internet… nhưng mỗi thứ chỉ được 1 thời gian ngắn. Rồi có người rủ rê, thiếu bản lĩnh cộng với lòng tham, Thu nhắm mắt đưa chân với suy nghĩ kiếm đủ tiền, mua cho 2 mẹ con 1 căn nhà tử tế. Nhưng đồng tiền nó có ma lực khủng khiếp quá, cứ thế Thu lún sâu vào đường dây ma túy này cho đến khi bị bắt.

“Chị không trách ai cả, không đổ lỗi cho hoàn cảnh. Mình làm, mình phải chịu dù cái giá phải trả rất đắng”, giọng Thu nghe nghèn nghẹn.

Đại úy Liên kéo chúng tôi ra khỏi câu chuyện của quá khứ: “Vừa rồi Thu đề xuất gửi tiền ủng hộ cho bé H. một cháu bé có hoàn cảnh éo le ở Đô Lương, mẹ bỏ đi, bố bị tâm thần. Mấy chục năm làm quản giáo, lần đầu tiên tôi nghe một tử tù đề xuất như thế. Sau khi báo cáo với đội và Ban giám thị trại, nhận được đơn đề nghị của Thu, chúng tôi giúp Thu thực hiện ước nguyện của mình. Mấy ngày đó tôi thấy Thu vui lắm”. Nghe đại úy Liên nói, đôi mắt của Thu vui hẳn lên.

Từ ngày Đại tá Trần Sỹ Phàng về làm Giám thị Trại tạm giam, với chủ trương chung của Đảng ủy – Ban Giám thị thể hiện tính nhân đạo, nhân văn, tử tù trong thời gian chờ thi hành án được phép đặt mua báo theo quý, được Ban giám thị phát miễn phí 1 số tờ báo. Qua đọc báo Thu biết về hoàn cảnh của bé H. và rất cảm thông với hoàn cảnh của bé. Khi biết tin qua Cán bộ quản giáo là Trại tạm giam sẽ đi thăm bé H., Thu quyết định sẽ trích số tiền 3 triệu đồng mà mình tiết kiệm được từ tiền ăn lưu ký để gửi Ban Giám thị Trại tạm giam tặng bé H.

“Đọc về hoàn cảnh của bé H. chị như nghẹn lại. Nó cũng trạc tuổi con trai chị, cũng phải sống xa mẹ. Bản năng người mẹ thôi thúc chị phải làm một cái gì đó, để giúp H, cũng là tìm một chút thanh thản trong lòng mình. Hôm các cán bộ trao số tiền cho H. và đưa thư H. viết gửi cho chị đọc, có mấy chữ thôi nhưng chị thấy vui lắm, xúc động lắm”.

Nữ quản giáo Nguyễn Thị Liên: Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến 1 tử tù giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn từ trong phòng biệt giam.
Nữ quản giáo Nguyễn Thị Liên: "Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến 1 tử tù giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn từ trong phòng biệt giam".

Nhắc đến bé H., Thu lại nghĩ đến con. Nhờ có ý thức tự giác, chấp hành tốt kỷ luật trại giam nên mỗi tháng Thu được gọi điện thoại về nhà 1-2 lần. “Thằng bé cũng đến tuổi dậy thì, cần cả bố lẫn mẹ chăm sóc, định hướng nhưng chị thì ở đây... Nhiều lúc nghĩ thấy mình có lỗi với con nhiều quá. Giờ chị chỉ mong con trai khỏe mạnh, ngoan ngoãn, học hành chăm chỉ để sau này làm một người tốt. Chỉ cần là một người tốt thôi, không cần phải là người tài giỏi gì cả”, Hoài Thu tâm sự.

Sau phiên tòa phúc thẩm cấp cao, cơ hội sống gần như không còn nhưng Thu chưa bao giờ tuyệt vọng, hay nói đúng hơn, cô đã lường trước hậu quả những việc mình làm và sẵn sàng đón nhận nó. Trong thâm tâm, Thu chưa bao giờ nguôi hi vọng được sống “để trả nợ cuộc đời”. Hằng ngày Thu tụng kinh niệm phật sám hối và tìm bình yên trong tâm hồn.

Thu nhờ cán bộ quản giáo mượn giúp mấy quyển sách tiếng Anh để tự học. “Nếu có cơ hội được sống, sau này chuyển đến trại giam khác để thi hành án, chị sẽ dạy các phạm nhân khác ngoại ngữ, khi họ mãn hạn tù biết đâu sẽ có ích cho cuộc mưu sinh của họ sau này. Giờ chị cố gắng không suy nghĩ đến những vấn đề tiêu cực mà luôn nghĩ về tương lai với những dự định tốt đẹp dù không biết mình có tương lai hay không nhưng chị sẽ cố gắng để mỗi ngày trôi qua không vô nghĩa.

Vào đây rồi mới thấm thía được cái giá mình phải trả, những đau đớn tủi nhục mình gây ra cho gia đình, cho bố mẹ, cho con. Nếu ngày đó chị có bản lĩnh vượt qua được cám dỗ, vượt qua được chính bản thân mình… Nói gì thì cũng đã quá muộn rồi, không thể làm khác được. Chị chỉ mong ai đó, muốn đổi đời bằng ma túy hay bằng bất kỳ con đường nào vi phạm pháp luật thì hãy nghĩ lại trước khi quá muộn. Cuộc đời ngắn lắm, hãy sống để không bao giờ phải hối tiếc như chị”, Thu nói như chực khóc.

Không ngừng nuôi hi vọng, hiện Thu đã viết đơn xin ân xá gửi Chủ tịch Nước để mong mình còn có con đường để tiếp tục bước đi…

Hoàng Lam – Quang Vinh