Xoa dịu sau đề xuất tăng VAT, Bộ Tài chính muốn giảm một loạt loại phí
(Dân trí) - Sau khi đề xuất sửa một lúc 5 luật thuế, trong đó có nội dung quan trọng liên quan tới tăng thuế giá trị gia tăng, mới đây, Bộ Tài chính đã có công văn lấy ý kiến về việc giảm một số loại phí cho doanh nghiệp.
Bộ Tài chính vừa có Công văn gửi - Các bộ, cơ quan ngang bộ; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lấy ý kiến về về việc giảm một số loại phí cho doanh nghiệp.
Đề xuất giảm một loạt loại phí
Cụ thể, Bộ Tài chính dự kiến điều chỉnh giảm từ 10% đến 83% đối với từng mức thu phí thẩm định điều kiện hành nghề, kinh doanh thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm; phí thẩm định nội dung kịch bản phim, chương trình trên băng, đĩa, phần mềm, trên vật liệu khác và tài liệu trong quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thuộc lĩnh vực y tế.
Đồng thời, Bộ này cũng dự kiến điều chỉnh giảm từ 10% đến 20% đối với từng mức thu phí bảo hộ giống cây lâm nghiệp (công nhận lâm phần tuyển chọn; công nhận vườn giống; công nhận nguồn gốc lô giống, lô con giống); điều chỉnh giảm 05% mức thu phí thẩm định cấp giấy chứng nhận vật tư nuôi trồng thủy sản nhập khẩu, giảm 5,66% mức thu phí thẩm định cấp giấy chứng nhận lưu hành sản phẩm vật tư nuôi trồng thủy sản đối với đăng ký lại/gia hạn.
Hôm đầu tháng, Bộ Tài chính cũng đề xuất giảm một loạt loại phí khác như: giảm mức thu phí thẩm định xác nhận nội dung thông tin, quảng cáo thuốc, mỹ phẩm từ 1,8 triệu đồng xuống 1,6 triệu đồng/hồ sơ; Giảm mức thu phí thẩm định cấp giấy phép nhập khẩu dược liệu, vị thuốc cổ truyền từ 200.000 đồng xuống 150.000 đồng/1 mặt hàng; Bãi bỏ phí thẩm định hồ sơ cấp thẻ người giới thiệu thuốc 200.000 đồng/hồ sơ.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề nghị bãi bỏ phí thẩm định cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi từ mức 120 triệu đồng xuống 105 triệu đồng/lần thẩm định.
Bộ Tài chính còn đề nghị giảm phí thẩm định cấp giấy chứng nhận thực phẩm xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu, phí thẩm định xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản quy định; khi giảm phí thẩm định cấp phép lưu hành, nhập khẩu, xác nhận, công bố trong lĩnh vực an toàn thực phẩm quy định.
Giảm thuế doanh nghiệp nhưng tăng áp lực thuế cho người dân
Như Dân trí đưa tin, trước đó, Bộ Tài chính đã có đề xuất sửa một lúc 5 luật thuế, trong đó có đề xuất quan trọng liên quan tới thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trong đó, đối với Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Bộ Tài chính đã đề xuất giảm thuế suất thuế TNDN đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) để đáp ứng và tương thích với Luật Hỗ trợ DNNVV mới được ban hành. Cụ thể, đối với doanh nghiệp siêu nhỏ (tổng doanh thu năm dưới 3 tỷ đồng) được áp dụng mức thuế suất 15%. DNNVV có số lao động tham gia BHXH bình quân năm không quá 200 người, đồng thời đáp ứng điều kiện có tổng doanh thu năm từ 3 – 50 tỷ đồng được áp dụng thuế suất 17%.
Tuy nhiên, trong lần sửa đổi này, Bộ Tài chính lại dự kiến tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) phổ thông từ 10% lên 12% và đề nghị đề nghị chuyển nhiều nhóm hàng hoá, dịch vụ sang áp thuế VAT 10%. Đề nghị bổ sung nước ngọt vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất 10% áp dụng từ năm 2019.
Về đề xuất tăng thuế VAT, lãnh đạo của Bộ Tài chính nhiều lần khẳng định “không tác động nhiều tới người nghèo”. Tuy nhiên, trên thực tế, đề xuất này vấp phải nhiều ý kiến lo ngại, thậm chí phản đối từ phía các chuyên gia.
Đồng quan điểm với nhiều chuyên gia khi cho rằng tăng thuế VAT sẽ tác động tới người tiêu dùng, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng: "Lựa chọn đầu tiên nên là mở rộng đối tượng chịu thuế, giảm ưu đãi không cần thiết với doanh nghiệp, chống thất thu thuế. Tăng thuế suất là lựa chọn cuối cùng”.
Cho rằng, thuế VAT của Việt Nam hiện đúng là thấp hơn so với nhiều nước, nhưng nhiều chuyên gia cũng lưu ý, nếu so sánh với quốc tế thì phải tính tỷ lệ thu thuế VAT trong tổng thu. Với nước ta, tỷ lệ này khoảng gần 28% còn các nước cao nhất như EU thì chỉ trung bình 21%, thậm chí nhiều nước dưới mức này.
Phương Dung