1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Việt Nam có năng lực và nỗ lực, nhưng tại sao chúng ta chưa phát triển?

(Dân trí) - Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí dịp đầu năm mới, PGS.TS Vũ Minh Khương, chuyên gia cao cấp về chính sách phát triển kinh tế, trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore) Việt Nam nhận định: Việt Nam dồi dào về nguồn lực, năng lực và nỗ lực nhưng chưa mạnh về thực lực trong công cuộc phát triển.

PGS.TS. Vũ Minh Khương: Trong tương lai, nên coi các bộ trưởng và lãnh đạo các địa phương như những cầu thủ ưu tú U23 vừa qua.
PGS.TS. Vũ Minh Khương: Trong tương lai, nên coi các bộ trưởng và lãnh đạo các địa phương như những cầu thủ ưu tú U23 vừa qua.

PGS.TS Vũ Minh Khương là một học giả quốc tế đồng thời là thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ông được mời thỉnh giảng tại nhiều trường đại học ở Mỹ và Nhật Bản.

Từ năm 2006 đến nay, ông làm việc tại trường Chính sách công Lý Quang Diệu, thuộc Đại học Quốc gia Singapore. Các nghiên cứu của ông tập trung vào tăng trưởng kinh tế, năng suất, và tác động của công nghệ thông tin tới phát triển kinh tế.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Vũ Minh Khương đã đưa ra nhiều những nhận định xác đáng về nỗ lực phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam trong thời gian qua. Bên cạnh đó, ông lạc quan rằng công cuộc đổi mới lần 2 và đang diễn ra này đang mở ra cơ hội lớn để Việt Nam vươn lên trở thành một nước công nghiệp phát triển trong các thập kỷ tới.

Không nước nào dành ra 1.400 tỷ đồng ngân sách để xây nghĩa trang như vậy!

Trong bài viết "Hãy trỗi dậy, Việt Nam!" vào cuối năm 2016 ông có khẳng định cuộc "Đổi mới 2" của Việt Nam đã bắt đầu. Xin ông cho biết những đặc trưng cơ bản của cuộc Đổi mới 2 này và cảm nhận của ông về những biến chuyển tích cực của đất nước trong thời gian vừa qua?

-Như tôi đã đề cập trong bài "Hãy trỗi dậy, Việt Nam!", công cuộc đổi mới lần 2 của Việt Nam bắt đầu từ năm đầu năm 2016, được kỳ vọng sẽ có những bước tiến phi thường so với lần trước (1986-2016).

Nó chuyển từ thức dậy về tư duy đến trỗi dậy về tầm nhìn, từ cố gắng cởi trói để thoát khỏi cơ chế quản lý cũ sang nỗ lực xây dựng nền tảng cho một xã hội phồn vinh, từ nỗ lực hội nhập quốc tế thành ý chí đưa Việt Nam tới một vị thế xứng đáng trong cộng đồng quốc tế.

Việt Nam đã có những chuyển biến và thành công ấn tượng trong thời gian qua. Có thể chỉ ra ba lĩnh vực nổi bật. Thứ nhất, Việt nam đã có bước tiến dài về tư duy và tầm nhìn, đặc biệt trong hội nhập quốc tế và nhận thức về vai trò của kinh tế thị trường và vị thế chủ đạo của khu vực kinh tế tư nhân.

Thứ hai, nỗ lực học hỏi, đổi mới, và vươn lên đang trở nên ngày càng sống động, không chỉ ở các doanh nghiệp tư nhân mà cả ở các doanh nghiệp nhà nước; không chỉ ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh mà cả ở các tỉnh. Tôi đi giảng dạy, gặp gỡ nhiều và thấy rất ấn tượng về sự khởi sắc này ở Việt Nam. Xã hội đang từng bước nhận thấy học hỏi và sáng tạo có giá trị và cao quí hơn hơn kiếm lợi từ quan hệ với nhóm lợi ích.

Thứ ba, Việt Nam đã đạt được những thành quả vượt hơn kỳ vọng nhờ nỗ lực biến thách thức thành sức mạnh. Việt Nam hội nhập mạnh mẽ hơn với mức tăng trưởng 20-30% về xuất khẩu và đón khách du lịch quốc tế cho dù hiệp định TPP bị gác lại; Tăng trưởng GDP năm 2017 đạt 6,8% cho dù kết quả quí I 2017 cho dự báo tăng trưởng cho cả năm không khả quan; Hội nghị APEC được tổ chức rất thành công cho dù mưa bão liên miên đến ngày khai mạc.

Ông thấy còn những "khúc mắc" gì Việt Nam còn cần phải làm tốt hơn để việc đổi mới thực sự đi vào cuộc sống?

-Tôi thấy lãnh đạo Đảng và Nhà nước cần có chiến lược toàn diện hơn cho công cuộc đổi mới lần này, đặc biệt trong nỗ lực xây dựng nền tảng cho một xã hội phồn vinh và đưa Việt Nam tới một vị thế xứng đáng trong cộng đồng quốc tế.

Một khi quán triệt chiến lược này, mỗi bước đi quan trọng, từ bổ nhiệm cán bộ đến quyết sách kinh tế-xã hội đều phải được cân nhắc cẩn trọng để không chỉ tạo nên thành công lớn mà còn là thông điệp đến toàn xã hội và ý chí dân tộc, tinh thần trách nhiệm và lòng quả cảm của những người đứng đầu.

Với tinh thần xây dựng nền móng lâu dài cho một xã hội phồn vinh, tôi rất muốn từ nay về sau, những người được bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng như Chủ tịch Tập đoàn PVN, Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước,.. cần phải vượt qua các phiên điều trần của Quốc hội về độ sẵn sàng cho công việc và toàn dân có thể theo dõi các cuộc điều trần này.

Ít nhất để biết được câu trả lời của các ứng viên về ba vấn đề lớn sau: (1) chiến lược đưa tập đoàn/tổ chức của mình lên một vị thế hàng đầu ở khu vực; (2) làm gì để kiểm soát tham nhũng, tránh lặp lại các tổn thất đắt giá đã qua; (3) đâu là quyết sách ưu tiên hàng đầu cho 3 năm tới.

Với tinh thần xây dựng nền móng lâu dài cho một xã hội phồn vinh, tôi nghĩ là chúng ta nên xem lại căn bản các quyết định chưa được xã hội trân trọng trong thời gian qua như việc phong giáo-phó giáo sư; việc dành ra 1.400 tỷ đồng ngân sách để xây nghĩa trang cho cán bộ cao cấp mà có lẽ không một nước tiên tiến nào làm như vậy.

Chúng ta không nên nhầm lẫn giữa chức vụ và công trạng. Một người chỉ có công trạng với nước khi thành quả mình mang lại cho xã hội vượt xa quyền hạn mà mình có từ chức vụ.

Cơ chế vẫn ở tình trạng nửa cũ nửa mới

-Ông có cảm nhận gì về tiềm năng và sự sẵn sàng của người dân Việt Nam trong đón nhận công cuộc đổi mới lần 2 này?

Sự chào đón hân hoan của hàng triệu người dân với cờ đỏ sao vàng trong ngày trở về của đội tuyển U23 Việt Nam sau khi nhận giải á quân U-23 châu Á là điều kỳ diệu. Nó cho thấy xúc cảm về lòng tự hào dân tộc của người dân Việt Nam lớn lao lắm. Vì nó, người Việt Nam có thể trên dưới một lòng, muôn người như một, yêu thương vượt mọi giới hạn, gắn bó vượt mọi thước đo. Vì nó, người Việt Nam có thể làm được những điều phi thường mà ít dân tộc làm được.

Thành công của đội tuyển U23 Việt Nam cũng cho thấy, môi trường minh bạch, luật chơi quốc tế, đào tạo tốt, trọng người tài, và sự tưởng thưởng - yêu thương của toàn xã hội là những yếu tố then chốt để Việt Nam có thể làm nên những việc phi thường.

Chúng ta, trong tương lai, nên coi các bộ trưởng và lãnh đạo các địa phương như những cầu thủ ưu tú trong cuộc đua phát triển kinh tế của Việt Nam trên sân chơi toàn cầu. Họ cũng cần môi trường minh bạch, luật chơi quốc tế, đào tạo tốt, trọng người tài, và sự tưởng thưởng-yêu thương của toàn xã hội. Khi đó, các vụ đại án hay các vụ bổ nhiệm người nhà chỉ còn là câu truyện của quá khứ.

Thưa ông, tại sao Việt Nam có nhiều ưu thế về nguồn lực, năng lực, và nỗ lực nhưng vẫn còn quá chậm trong nỗ lực thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển?

-Nhịp độ thu hẹp khoảng cách với các nước tiên tiến tùy thuộc vào thực lực phát triển. Một quốc gia có thể dồi dào về nguồn lực, năng lực, và nỗ lực nhưng không mạnh về thực lực phát triển bởi ba lý do chủ yếu liên quan đến Chiến lược, Con người, và Cơ chế.

Trong thời gian qua, chúng ta đã có những nỗ lực rất lớn trong cải thiện môi trường kinh doanh, kiểm soát tham nhũng, và thúc đẩy thu hút đầu tư. Tuy nhiên chiến lược phát triển chưa rõ, người ưu tú ở các mặt trận then chốt chưa nhiều, cơ chế vẫn ở tình trạng nửa cũ nửa mới. Nhà đầu tư đến Việt Nam vẫn nhìn vào sự ưu đãi của chính sách và giá lao động rẻ hơn là hấp dẫn bởi sự ưu tú của thể chế và nguồn lực con người xuất sắc.

Singapore họ có nguyên lý rất đơn giản đó coi trọng hiền tài, nhìn thấy hiền tài là mừng. Hàn Quốc hay Nhật Bản cũng là những câu chuyện kỳ vĩ về sự phát triển. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng là bài toán cơ bản bắt đầu tư khát vọng, họ đặt mục tiêu rất cao để phát triển.

Trong khi đó, ở Việt Nam, nhiều cán bộ được bổ nhiệm vẫn ở mức trung bình nên không gây được cảm kích trong xã hội, nhiều người nắm cương vị nhất định nhưng chưa có sự chuyên nghiệp cao.

Kỳ vọng của ông vào sự đổi mới và vượt lên của Việt Nam có lớn không?

-Một điểm đáng mừng, Việt Nam, từ Chính Phủ đến người dân, nhạy bén với cái mới, trăn trở với vị thế thấp của dân tộc, và có khát vọng vươn lên mạnh mẽ. Chúng ta có tiềm năng rất lớn trong nắm chắc hai động lực phát triển của thời đại là hội nhập toàn cầu và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Những gì chúng ta thấy chưa hoàn hảo ngày hôm nay sẽ là nguồn năng lượng giúp Việt Nam tiến xa trong chặng đường phía trước. Đổi mới 2 mới chỉ bắt đầu. Những đổi thay sẽ ngày càng sôi động trong những năm tháng tới. Tôi có dự cảm là những sáng kiến đổi thay và biến chuyển lớn lao sẽ bắt đầu rất sinh động, bất ngờ, và gây cảm xúc rất cao quí trong toàn xã hội.

Một khi mỗi người Việt Nam chúng ta, dù ở đâu, đều thấy có trách nhiệm đóng góp vào tương lai phồn vinh của đất nước thì khát vọng thành công của đổi mới lần 2 để Việt Nam trở thành một quốc gia hùng cường trong 3-4 thập kỷ tới là hoàn toàn hiện thực.

Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Nguyễn Khánh (ghi)

bannerchan-bai-1518060152222491800544

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm