1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Vì sao cấp bách có cơ chế hỗ trợ tái cơ cấu ngân hàng?

(Dân trí) - Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhấn mạnh tính cấp bách của nghị quyết về hỗ trợ xử lý nợ xấu và tái cơ cấu ngân hàng.

Sau 6 năm triển khai chủ trương tái cơ cấu, dự kiến lần đầu tiên một khung cơ chế chung với những giải pháp căn bản được xây dựng, với kỳ vọng đẩy nhanh quá trình. Tính cấp bách của nó thể hiện ở những khó khăn căn bản bộc lộ rõ hơn và chưa được xử lý một cách thực chất.

Càng hoạt động càng… lỗ

Trong năm 2011, năm đầu tiên thực hiện đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (giai đoạn 2011-2015), Ngân hàng Nhà nước đã công bố danh sách 9 tổ chức tín dụng yếu kém: SCB, Đệ Nhất, Tín Nghĩa, Habubank, Tienphongbank, GPBank, Navibank, TrustBank và Western Bank.

Và đến thời điểm hiện tại, một loạt tổ chức tín dụng (TCTD) được tái cơ cấu, với các cặp ngân hàng khác sáp nhập với nhau là: Habubank - SHB, MHB - BIDV, Mekong Bank - Maritime Bank và Southern Bank - Sacombank...

Đặc biệt, trong năm 2016, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tập trung xử lý những vấn đề tồn tại của hệ thống ngân hàng, nhất là xử lý nợ xấu, ổn định thanh khoản. Trong đó, NHNN tập trung xử lý 3 ngân hàng 0 đồng (OceanBank, GPBank và VNCB), DongABank và Sacombank. Việc tái cơ cấu và xử lý nợ xấu đang được triển khai mạnh mẽ trên nguyên tắc đảm bảo tính thanh khoản, ổn định và phát triển hệ thống.

Theo đánh giá của chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, NHNN đã phần nào thành công trong việc tái cơ cấu ngân hàng, giảm từ trên 40 xuống còn trên 30 ngân hàng, đầu mối chỉ đạo một số ngân hàng sáp nhập, mua 3 ngân hàng 0 đồng, tạo sự ổn định trong hệ thống…

“Việc tái cơ cấu ngân hàng đòi hỏi thời gian dài, hiện tại quá trình này mới đi được một chặng đường giải quyết các ngân hàng yếu kém như: cho sáp nhập với nhau, những ngân hàng mạnh thâu tóm ngân hàng yếu, Nhà nước mua lại ngân hàng với giá 0 đồng. Còn một phương án nữa là những cặp ngân hàng mạnh sáp nhập với nhau để trở thành ngân hàng mạnh hơn thì chưa có. Ngay cả cơ thể của các ngân hàng mạnh cũng cần thay đổi, bởi nó chỉ mới mạnh trong nội địa; còn so với hệ thống tài chính thế giới, ngân hàng Việt còn bé về vốn, thiếu thực lực, cách quản trị chưa phù hợp thông lệ quốc tế...”, TS. Hiếu nói.

Theo phân tích của TS.Nguyễn Trí Hiếu, việc cho các ngân hàng sáp nhập với nhau là một trong những phương áp loại trừ ngân hàng yếu kém ra khỏi hệ thống, nhưng ngược lại, nó lại là gánh nặng cho ngân hàng mạnh "ôm cục nợ xấu" và giải quyết những tồn đọng tại ngân hàng yếu kém đó.

Do đó, TS. Hiếu cho rằng, hệ thống ngân hàng Việt vẫn cần cơ chế xử lý nợ xấu hoàn thiện hơn, có những cơ chế để cho ngân hàng xử lý nợ xấu, thu hồi nợ không cần qua hệ thống tòa án, không cần kéo nhau ra tòa. Bởi không phải vị thẩm phán nào cũng am hiểu về tài chính, ngân hàng.


Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhấn mạnh tính cấp bách của nghị quyết về hỗ trợ xử lý nợ xấu và tái cơ cấu ngân hàng (ảnh minh họa).

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhấn mạnh tính cấp bách của nghị quyết về hỗ trợ xử lý nợ xấu và tái cơ cấu ngân hàng (ảnh minh họa).

Và một thực tế khác, theo giải trình của NHNN về dự thảo đề án luật hỗ trợ tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, dù sau 6 năm thực hiện các giải pháp và đạt những kết quả nhất định, nhưng nợ xấu và nợ tiềm ẩn có khả năng trở thành nợ xấu đến cuối 2016 vẫn ở mức rất cao, lên tới 8,86%.

Đáng chú ý, cũng theo NHNN, dù đã khống chế bớt rủi ro và hoạt động có tiến triển nhất định, nhưng các ngân hàng 0 đồng vẫn ở trong tình trạng càng hoạt động càng lỗ vì chi lớn hơn thu trong thời gian qua. Thêm nữa, một số trường hợp khác đang tiềm ẩn rủi ro có thể phát sinh và ảnh hưởng tiêu cực nếu không có cơ chế hỗ trợ.

Điển hình Sacombank

Như ý kiến trên của chuyên gia, việc áp dụng cơ chế ngân hàng mạnh sáp nhập ngân hàng yếu kém đã giải quyết mối lo ngại trước mắt là quy cơ ảnh hưởng đổ vỡ hệ thống. Nhưng do thiếu cơ chế đặc thù nên không ít ngân hàng trước tái cơ cấu đứng top đầu trong hệ thống, do nhận sáp nhập, gánh thêm nhà băng yếu kém lại đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Trường hợp Sacombank là một ví dụ điển hình. Trước khi nhận sáp nhập với Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank), Sacombank luôn nằm ở top đầu khối ngân hàng TMCP tư nhân với tổng tài sản, vốn điều lệ lớn và mạng lưới rộng khắp cả nước; dịch vụ bán lẻ đa dạng, hiện đại... Còn đến thời điểm hiện tại, theo báo cáo tài chính quý I/2017, hoạt động kinh doanh của ngân hàng này đã có nhiều khởi sắc.

Cụ thể, tổng lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt 309 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế còn 210 tỷ đồng. Hết quý I, Sacombank cho vay khách hàng đạt 206 nghìn tỷ đồng, tăng 3,78%; Huy động vốn đạt 300 nghìn tỷ đồng; tăng nhẹ 3% so với đầu kỳ; Thu nhập lãi thuần đạt 1.051 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, số liệu tại báo cáo Sacombank cũng cho thấy những tồn tại mà ngân hàng này cần phải có những giải pháp đột phá mới có thể giải quyết được, chủ yếu nhận chuyển giao từ Southern Bank.

Cụ thể, nợ xấu trong quý I của ngân hàng này là 10.082 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn là 6.602 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 4,88%, giảm so với mức 5,35% tại thời điểm đầu năm. Trong đó ghi nhận nợ có khả năng mất vốn giảm 469 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính thêm cả phần nợ xấu qua trái phiếu VAMC đến cuối quý I/2017 lên tới 37.760 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu của Sacombank lên tới 23,1%. Chưa hết, đến cuối quý I, Sacombank còn có các khoản phải thu hơn 42.048 tỷ đồng, trong đó lãi dự thu là 26.009 tỷ đồng.

Nếu không có những giải pháp cấp bách như Chính phủ đã gợi mở trong phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 4 vừa qua, cộng dồn các vấn đề tài chính trên, Sacombank sẽ là một điểm nóng khó khăn về tái cơ cấu, với ảnh hưởng có thể loang rộng không chỉ trong hoạt động ngân hàng mà cả trên thị trường chứng khoán vì đây là một ngân hàng lớn đã niêm yết.

Ông Nguyễn Đức Hưởng: "Tôi chưa quyết định chính thức có về Sacombank hay không"

Ngày 26/4, hội đồng quản trị (HĐQT) Sacombank đã ra nghị quyết thống nhất đề cử danh sách ứng viên HĐQT, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2017 - 2021 (5 năm) gồm 11 thành viên; trong đó ở vị trí thành viên HĐQT có sự xuất hiện của 2 gương mặt mới là ông Nguyễn Đức Hưởng và ông Phạm Văn Phong.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Dân trí về việc chuẩn bị cho đại hội sắp tới, ông Nguyễn Đức Hưởng cho biết, đến thời điểm hiện tại ông vẫn chưa có quyết định chính thức có về Sacombank hay không.

“Tôi đã nghiên cứu sơ bộ những thách thức mà Sacombank phải vượt qua. Có hai vấn đề lớn nhất là nợ xấu và rủi ro tiềm ẩn trong lãi dự thu lớn. Nếu không có cơ chế của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ thì không bao giờ vực được Sacombank thoát khỏi tình trạng nguy hiểm”, ông Hưởng chia sẻ.

Với tình hình nợ xấu hiện nay, theo nhận định của ông Hưởng, Sacombank không thể hạch toán các chi phí, đặc biệt là về chi phí trích lập dự phòng rủi ro. Cùng đó nếu thực hiện thoái lãi dự thu, cũng như tại một số ngân hàng thương mại khác, sẽ dẫn đến áp lực rất lớn tác động tiêu cực tới cân đối tài chính của Sacombank. Nếu vậy, các chỉ số an toàn của ngân hàng sẽ bị tổn thương nặng nề, và có thể không đảm bảo được các quy định quy định.

Trong trường hợp không có cơ chế tháo gỡ hai khó khăn chính này, áp lực hạch toán và trích lập dự phòng đối với Sacombank sẽ dẫn tới hậu quả mà bất cứ ai hiểu về tài chính đều biết rõ. Mà với quy mô tổng tài sản lên tới trên 334 nghìn tỷ đồng, mối nguy hiểm ở đây tiềm ẩn ảnh hưởng lớn tới cả hệ thống ngân hàng, nếu không chủ động hỗ trợ kiểm soát và khắc phục có thể gây hệ lụy tới nền kinh tế.

“Chúng ta đều biết, những vấn đề tài chính đó chủ yếu từ việc Sacombank nhận sáp nhập Ngân hàng Phương Nam, một phương án xử lý rủi ro cho hệ thống và nền kinh tế từ hai năm trước”, ông Hưởng nhấn mạnh.

Nguyễn Hiền