1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nhìn về nhân tố mới hé mở tại Sacombank

(Dân trí) - Ông Kiều Hữu Dũng đang là Chủ tịch HĐQT Sacombank. Nhưng theo nghị quyết mà ngân hàng này vừa công bố ngày 26/4, hai gương mặt mới được đề cử vào thành viên hội đồng quản trị là ông Nguyễn Đức Hưởng và ông Phạm Văn Phong. Liệu "ghế nóng" Sacombank có đổi chủ?

"Ẩn số" ghế nóng

"Tân chủ tịch Sacombank, anh là ai?" có lẽ là câu hỏi được dư luận quan tâm nhiều nhất trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng mấy ngày hôm qua. Sau những đồn đoán, sáng qua 26/4, hội đồng quản trị (HĐQT) Sacombank đã ra nghị quyết thống nhất đề cử danh sách ứng viên HĐQT, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2017 - 2021 (5 năm) gồm 11 thành viên; trong đó ở vị trí thành viên HĐQT có sự xuất hiện của 2 gương mặt mới là ông Nguyễn Đức Hưởng và ông Phạm Văn Phong.

Sau thông tin này, thị trường lại nổi lên những đồn đoán về tân chủ tịch Sacombank. Theo tìm hiểu của phóng viên, tân chủ tịch ngân hàng này có thể vẫn là "người cũ" Kiều Hữu Dũng. Ông Dũng có thể sẽ tái cử vị trí "ghế nóng" này với kinh nghiệm 25 năm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, từng Vụ trưởng tại NHNN và kinh qua nhiều vị trí như Chủ tịch Công ty chứng khoán ACB, Chủ tịch Công ty chứng khoán Sacombank.

Và ở một diễn biến gần đây, ông Kiều Hữu Dũng đã mua vào 300.000 cổ phiếu STB, dù trước đó ông Dũng chưa từng sở hữu cổ phiếu STB nào.

Và một ứng viên nặng ký không thể không nhắc đến là ông Nguyễn Miên Tuấn (sinh năm 1977), hiện là phó chủ tịch Sacombank. Ông Tuấn là thạc sỹ Tài chính Ngân hàng - Đại học Kinh tế TPHCM. Ông Tuấn cũng có 15 kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư, tài chính ngân hàng, chứng khoán và thị trường vốn ở Việt Nam. Ông từng là thành viên HĐQT Sacombank, thành viên Công ty Chứng khoán Rồng Việt, thành viên HĐQT Công ty CP Pymepharco, Chuyên viên Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP.HCM…

Tuy nhiên, bên cạnh những gương mặt cũ mà HĐQT đề cử vào nhiệm kỳ 2017 - 2021 còn có vài gương mặt mới. Trong đó, ông Phạm Văn Phong - Giám đốc Chi nhánh Vietcombank Đắk Lắk được NHNN tăng cường nhân lực cấp cao cho ngân hàng này. Cũng dễ hiểu vì sao nhân sự của Vietcombank lại được đề cử vào làm thành viên HĐQT Sacombank - bởi Vietcombank là một trong những ngân hàng Nhà nước đã có nhiều kinh nghiệp trong việc tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém.

Còn về nguyên Phó Chủ tịch LienVietPostBank, thông tin ông Nguyễn Đức Hưởng về tham gia tái cơ cấu Sacombank ngay lập tức làm thị trường dậy sóng và cũng đã hóa giải những câu hỏi mà dư luận quan tâm mấy ngày vừa qua, là ông Hưởng có về SacomBank không. Chiều 26/4, cổ phiếu STB tăng trần với dư mua rất lớn.

Việc đề cử ông Nguyễn Đức Hưởng được giới đầu tư đánh giá là một quyết định sáng suốt của Sacombank. Ông Hưởng được biết đến là một người có trình độ và kinh nghiệm 25 năm làm việc trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Tại LienVietPostBank, ông Hưởng là một trong những người sáng lập LienVietPostBank. Tuy không phải là ông chủ, nhưng hình ảnh của LienVietPostBank gắn liền với cái tên Nguyễn Đức Hưởng, với biệt danh "Minh Him Lam - Hưởng Liên Việt".

Dữ liệu từ nhà điều hành cho hay, ông Nguyễn Đức Hưởng là lãnh đạo ngân hàng không vay mượn một đồng nào của bất cứ ngân hàng nào trong thời gian qua và cho đến hiện nay.

Sacombank đã có thể "hồi sinh"?

Theo nguồn tin của phóng viên Dân trí, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2015 - 2016 của Sacombank có thể sẽ được đẩy lên sớm hơn, chứ không phải ngày 26/5. Đây là sẽ một "đại hội nóng" không chỉ với ngân hàng này, mà còn với cả ngành ngân hàng.

Trong gần 5 năm qua, sau sự cố “Đặng Văn Thành”, Sacombank đã luôn ở trong tình trạng bất ổn về nhân sự cao cấp và thiếu một lãnh đạo tầm cỡ để có thể duy trì vị thế hàng đầu trong ngành ngân hàng Việt Nam. Và với cơ cấu thành viên HĐQT mà Sacombank đề cử, thị trường có thể vững tin vào một Sacombank "hồi sinh" trong tương lai không xa.

Kết thúc quý I/2017, Sacombank lãi trước thuế hơn 309 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ, còn nợ xấu giảm xuống 4,88% so với mức 5,35% tại thời điểm đầu năm. Ba tháng đầu năm, tổng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 309 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế còn 210 tỷ đồng.

Điểm đáng chú ý là lợi nhuận của Sacombank chủ yếu đến từ các mảng kinh doanh ngoài ngành như dịch vụ tăng gần 70 tỷ đồng, kinh doanh ngoại hối thu về 147 tỷ đồng lãi thuần, tăng khoảng 84 tỷ đồng so với cùng kỳ...

Xin trở lại với câu hỏi "Tân chủ tịch Sacombank, anh là ai?" và mọi phán đoán chỉ là phán đoán. Dù ai lên ngồi "ghế nóng" Sacombank... thì theo quan điểm của Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ phải xây dựng một hệ thống ngân hàng hoạt động lành mạnh, ổn định, xứng đáng là "hệ thống huyết mạch cung cấp tín dụng cho nền kinh tế" và là nơi tạo nên giá trị thặng dư cho cổ đông...

Đề cập tới triển vọng tái cơ cấu Sacombank, ông Nguyễn Đức Hưởng đánh giá: "Những người làm ngân hàng, cũng như thị trường nói chung, hẳn đều thấy rõ Sacombank là một ngân hàng thương mại lớn, một thương hiệu mạnh, có những giá trị nền tảng rất tốt. Đây cũng là những giá trị mà nhiều nhà đầu tư dòm ngó và khao khát, chứ không hẳn chỉ ở những địa chỉ vàng bất động sản nằm trong nợ xấu.

Cá nhân tôi thấy, nếu có các cơ chế chính sách hỗ trợ, sự bám sát quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước, với những thế mạnh trên của Sacombank, quá trình tái cơ cấu có thể đẩy nhanh để ngân hàng này sớm quay trở lại quỹ đạo an toàn hiệu quả, trở lại vị thế hàng đầu đáng có.

Chúng ta phải chờ đợi các phương án, quyết định của cơ quan chức năng, từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Chúng ta kỳ vọng về phương án và những giải pháp tốt nhất.

Tôi cũng thấy rằng, tính tự chủ, tự lực của Sacombank ở đây cần phải được tôn trọng. Tiềm lực của họ sẽ là sức mạnh thực sự nếu có các cơ chế hỗ trợ và thúc đẩy hợp lý, chứ không hẳn là cứ nhất nhất chờ đợi ngoại lực nào đó. Thêm nữa, khi Ngân hàng Nhà nước đang là đầu mối nắm tỷ lệ chi phối lớn qua nhận ủy quyền nói trên, tôi tin tưởng cơ quan này sẽ có những giải pháp, quyết định hợp lý và đương nhiên là tốt cho Sacombank".

Nguyễn Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm