Vì sao 16.000 tỷ đồng vốn dư dự án giao thông “nằm yên” 8 tháng trời?

(Dân trí) - Lý giải về hơn 16.000 tỷ đồng vốn dư của Dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên “nằm yên” suốt 8 tháng dù Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo giải ngân, Bộ Giao thông Vận tải cho biết do kế hoạch giao vốn muộn, vốn của năm 2016 sẽ giải ngân trong năm 2017.

Trước đó, như Dân trí đã thông tin, tại cuộc họp Tổ giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ hồi cuối năm 2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ sốt ruột “truy” việc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chậm giải ngân hơn 16.000 tỷ đồng vốn dư của 2 dự án.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “16.000 tỷ đồng dư của dự án mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên năm yên 8 tháng trời, Thủ tướng giao từ tháng 10 nhưng tới nay chưa nhúc nhích được gì. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ GTVT trả lời và phải kiểm điểm cái này vì địa phương họ rất kêu ca!”.

Quốc lộ 1 mở rộng, đoạn qua tỉnh Quảng Nam
Quốc lộ 1 mở rộng, đoạn qua tỉnh Quảng Nam

Nói về nguyên nhân số vốn hơn 16.000 tỷ đồng “nằm yên”, Bộ GTVT khẳng định do kế hoạch giao vốn muộn nên việc giải ngân bị chậm.

Theo Bộ GTVT, ngày 11/11/2015, Quốc hội ban hành Nghị quyết 99 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016, trong đó có việc phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên cho 22 dự án. Trên cơ sở thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 01 ngày 7/1/2016 và quy định của Luật Đầu tư công, tháng 4/2016, Bộ GTVT đã hoàn thành công tác phê duyệt dự án đầu tư của 22 dự án này.

Ngày 14/10/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1977 giao 11.902 tỷ đồng cho 22 dự án (vốn dư lần 1) và Quyết định 1978 giao 17 dự án (vốn dư lần 2) bổ sung với mức vốn 4.520 tỷ đồng. Tiếp đó, ngày 26/10/2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành quyết định thông báo kế hoạch vốn năm 2016 cho 22 dự án với tổng số vốn 4.253 tỷ đồng.

“Đến nay, trong tổng mức vốn 16.422 tỷ đồng của 39 dự án sử dụng vốn dư, kế hoạch vốn năm 2016 mới được giao 4.253 tỷ đồng cho 22 dự án” - đại diện Bộ GTVT cho biết.

Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên
Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên

Về tình hình giải ngân vốn, có 22 dự án sử dụng vốn dư lần 1 và các dự án đã hoàn thành công tác phê duyệt dự án đầu tư, bản vẽ thi công và đang triển khai thi công tại hiện trường. Đến nay, các dự án đã giải ngân được 1.269/4.253 tỷ đồng.

“Do kế hoạch vốn năm 2016 được giao muộn nên trong năm chỉ giải ngân được phần vốn điều hòa từ kế hoạch năm 2014, 2015 là 2.369,8 tỷ đồng, còn lại phần điều hòa từ kế hoạch năm 2016 sẽ được giải ngân hết trong năm 2017” - Vị đại diện này cho hay.

Đối với 17 dự án sử dụng vốn dư lần 2 (tổng mức vốn 4.520 tỷ đồng), có 4 dự án được Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND các tỉnh: Hòa Bình, Nghệ An, Quảng Bình và Bình Định là cấp quyết định đầu tư và triển khai thực hiện; 13 dự án còn lại Bộ GTVT đã giao cho các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án thực hiện trong tháng 10/2016.

Theo quy định của Luật Đầu tư công, các dự án phải thực hiện hoàn thành các bước phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán công trình và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu mới đủ điều kiện triển khai thi công. Tháng 12/2016, Bộ GTVT đã hoàn thành các đề xuất chủ trương đầu tư và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định nguồn vốn, làm cơ sở phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án trong tháng 1/2017.

“Dự kiến quý III/2017, Bộ GTVT sẽ hoàn thành các thủ tục đầu tư xây dựng và triển khai thi công trong quý IV/2017, lúc này các dự án mới đủ điều kiện giải ngân” - đại diện Bộ GTVT cho biết thêm.

Châu Như Quỳnh