Trái cây nội địa “điêu đứng” vì… bị nghi là hàng Trung Quốc

(Dân trí) - Nhiều loại trái cây nội địa như ổi, thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng… to tròn, bóng bẩy, ngọt lịm được tung ra thị trường dù giá “rẻ bèo” nhưng sức mua khá thấp do người tiêu dùng luôn nghi ngờ là hàng của Trung Quốc.

Nông sản thất thu, tiêu thụ gặp khó

Với kinh nghiệm hơn 3 năm trồng ổi, ông Đoàn Văn Minh (xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TPHCM) cho biết, chưa thấy năm nào mà ổi đưa ra thị trường gặp nhiều khó khăn như thời gian gần đây. Trầy trật từ khâu trồng đến khi thu hoạch thì người tiêu dùng nghe nói ổi Đài Loan thì nghĩ ngay là hàng Trung Quốc khiến việc buôn bán cũng chật vật.

Ông Minh cho rằng do năm nay nắng nóng kéo dài đã khiến vườn ổi hơn 6.000m2 của ông cho sản lượng “khiêm tốn”, trái bị nám và nhỏ hơn mọi năm.

Trái cây bán theo kiểu xe đẩy bên lề đường tràn ngập nhưng ít người mua
Trái cây bán theo kiểu xe đẩy bên lề đường tràn ngập nhưng ít người mua

Theo ông Minh, trên thị trường, loại ổi trái to, bóng láng, vị nhạt là loại có sử dụng thuốc kích thích. Trong khi ổi ông trồng kích cỡ chỉ bằng nắm tay, trái chắc thịt, ngọt nhưng mang tiếng giống ổi… Đài Loan khiến việc tiêu thụ gặp khó khăn. Mỗi ngày ông bán khoảng 100 kg ổi tại vườn. Ổi loại 1 bán với giá 10.000 đồng/kg, còn ổi dạt dưới 8.000 đồng/kg, giảm hơn 5.000 – 7.000 đồng/kg so với trước đây, khiến ông lỗ nặng. “Nhiều khi ổi không bán được tui đành để rụng cả vườn chứ biết làm sao”, ông Minh thở dài nói.

Cùng chung thảm cảnh, ông Đoàn Thanh Tùng, ngụ thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ) than ngắn thở dài về thị trường tiêu thụ trái cây đang gặp khó khăn.

Theo ông Tùng, do tình trạng nắng nóng, xâm nhập mặn kéo dài đã khiến cho sản lượng trái cây giảm nhiều so với mọi năm. Ông trồng chủ yếu xoài Thái và xoài cát. Tuy nhiên, sản lượng thu hoạch vừa qua chỉ vỏn vẹn 3 tấn với giá bán 16.000 đồng/kg được bán tại vườn.

Ông Tùng khẳng định, vườn xoài của ông không có dùng thuốc tăng trưởng, kích thích. Khi cây ra trái thì ông bọc cẩn thận nhằm tránh sâu, rầy đục phá. Nếu có phun thuốc trừ sâu, rầy nhưng trái đã được bọc bao nên không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, cũng có một số nhà vườn khác vì ham lợi nhuận, phun thuốc kích thích làm cho người tiêu dùng mất niềm tin, rồi chính họ tự hại mình khi hàng bán không chạy.

Ông Tùng cho biết thêm, vào mùa thu hoạch thì thương lái tới mua cả vườn, họ trút hết cả cây rồi phân loại xoài non, xoài già và xoài chín trước khi cho vào từng thùng xốp, vận chuyển lên thành phố tiêu thụ.

“Không biết họ bảo quản và bán như thế nào mà giá xoài ngày càng tụt dốc. Trong khi người tiêu dùng luôn cho rằng nhà vườn dùng thuốc bảo quản gây hại cho sức khỏe nên không còn tin tưởng khiến việc sản xuất chật vật lắm”, ông Đoàn nói.

Những loại trái cây Việt có mẫu mã tốt nhưng lại bị nghi ngờ là hàng Trung Quốc
Những loại trái cây Việt có mẫu mã tốt nhưng lại bị nghi ngờ là hàng Trung Quốc

Lèo tèo người mua dù giá… rẻ bèo

Trong khi tại vườn, hàng loạt mặt hàng nông sản đang thất thu thì ngoài thị trường việc buôn bán gian dối lại khiến nông sản gặp càng nhiều khó khăn hơn.

Nhiều người dân sinh sống tại TPHCM liên tục phàn nàn trái cây bày bán dọc đường không rõ nguồn gốc và kém chất lượng. Do đó, người dân bắt đầu “kén chọn" và “đề phòng” hơn trong việc mua trái cây dọc đường dù phải “hoa mắt” với giá… rẻ hều.

Chạy xe một vòng trên các tuyến đường như Quang Trung (Q.Gò Vấp), Cộng Hòa, Trường Chinh (Q.Tân Bình), Phạm Văn Đồng, Kha Vạn Cân (Q.Thủ Đức)… đa số các sạp và xe bán trái cây bày bán đủ loại nhưng sức mua lại khá thấp.

Theo chủ vựa trái cây Nguyễn Thị Hạnh (khu Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh) nguồn hàng được bày bán trên đường chỉ là hàng loại 3, 4, thậm chí có những loại trái cây Trung Quốc “đột lốt” hàng Việt.

Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng cho biết, mua hàng ngoài đường, xe đẩy hay hàng rong lắm khi chỉ mua thêm sự bực bội. “Hai ngày trước, đi làm về ngang qua đường Phan Văn Hớn (Q.12), thấy vải bày bán cũng tươi, ngon với giá 25.000 đồng/kg nên dừng xe lại mua. Lúc tính tiền lại thành 30.000 đồng/kg, hỏi ra thì người bán lại nói 25.000 đồng/kg là vải rời, còn cái này là vải nguyên chùm nên có giá như thế”, chị Phạm Thị Thanh (ngụ P.Tân Thới Nhất, Q.12) bức xúc nói.

Việc “độ cân”, mập mờ giá cả của các chủ xe đẩy cũng diễn ra phổ biến. “Lắm lúc đi ngang đường, thấy trái cây ngon lắm, tính dừng lại mua nhưng thiệt tình không biết có phải hàng Trung Quốc kém chất lượng hay hàng bị sâu bệnh gì không? Lắm khi mua về lại còn bị thiếu hụt nên dần dần cũng sợ, không dám mua tùy tiện nữa”, bà Nguyễn Thị Vân (43 tuổi, Q.Bình Tân) nói.

Tương tự, nhiều người mua hàng cũng “tố” người bán thường xuyên cân thiếu, mua 1 ký về nhà có khi chỉ còn 700-800 gram, ít khi cân đủ, tính đi tính lại tưởng mua giá rẻ hóa ra lại còn mắc hơn bình thường.

Với nhiều người, không riêng trái cây vỉa hè mà ngay cả khi mua hàng tại các hệ thống siêu thị cũng vẫn có ít nhiều hoang mang về nguồn gốc sản phẩm.

Không ít trái cây nội nhưng lại gắn mác ngoại để... hút khách
Không ít trái cây nội nhưng lại gắn mác ngoại để... hút khách

Chị Lương Giang Trâm, đường Phan Đăng Lưu (Q.Bình Thạnh) cho biết, khoảng 2-3 tháng trước, chị mua sắm tại một hệ thống siêu thị lớn tại Bình Thạnh thấy khá bất ngờ khi giá trái cây nhập khẩu nhiều loại như táo, lê được khuyến mãi chỉ còn hơn 30.000 – 40.000 đồng/kg. “Có thể do hàng chín quá hay sao đó, nhưng giá táo Mỹ, Úc gì đó mà giá vậy mình cũng hơi ngại”, chị Trâm nói.

Trong khi đó, đại diện nhiều hệ thống bán lẻ cho biết, đối với nguồn hàng nhập khẩu đều có giấy chứng nhận của cơ quan chức năng, giấy kiểm định đầy đủ, đúng theo quy trình và chứng minh được nguồn gốc rõ ràng. “Giá nhập khẩu dao động đôi khi do nguồn cung, do yếu tố thời vụ hay tận dụng được giá vận chuyển rẻ khiến giá một số mặt hàng ở vài thời điểm khá thấp”, đại diện một hệ thống bán lẻ cho biết.

Bên cạnh đó, để tránh tình trạng mua phải sản phẩm kém chất lượng, các hệ thống bán lẻ đều khuyến cáo, người dân khi mua sắm dù ở siêu thị hay ngoài chợ cũng cần lựa chọn trái cây cho kỹ, tránh tình trạng mua phải hàng kém chất lượng, hay gian dối khi bán.

Trái cây ngoại tranh thủ thời cơ “lấn sân”

Nhiều loại trái cây trong nước đã khiến nhiều loại trái cây ngoại “tranh thủ” chiếm lĩnh như: xoài, bòn bon, sầu riêng từ Thái Lan đã xuất hiện tại nhiều sạp chợ ở TPHCM cả tháng nay. Với mức giá tương đương hàng Việt từ 35.000 - 120.000 đồng/kg nhưng chất lượng lại nhỉnh hơn đã khiến hàng Thái có sức tiêu thụ tốt hơn tại các sạp chợ. Đối với nhóm hàng Trung Quốc, sản lượng về chợ đầu mối tuy có giảm, nhưng nho, cam, lê, lựu vẫn nhan nhản tại các chợ.

Đối với các loại táo, lê, nho, cam trước đây nhập khẩu chủ yếu từ các thị trường như Mỹ, Úc, New Zeland, Nam Phi thì gần đây tại một số siêu thị đã xuất hiện thêm nhóm hàng đến từ Hàn Quốc khiến hàng Việt cạnh tranh ngày càng khó khăn hơn.

Công Quang