1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thủ tướng lưu ý có phương án cho người dân sống nhờ vỉa hè

(Dân trí) - Làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, Thủ tướng yêu cầu quan tâm đến lợi ích của người dân, nhất là sinh kế, không để người dân đứng bên lề của sự phát triển. Riêng việc thu hút đầu tư vào Phú Quốc, phải chọn những ý tưởng tinh túy, không được cấp đất cho các nhà đầu tư có ý tưởng ngắn hạn.

"Cần có một cộng đồng ủng hộ phát triển du lịch chứ không phải một cộng đồng lộn xộn, bưng thúng bán mẹt ngoài đường", đây là một trong những nội dung chỉ đạo được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Kiên Giang về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như của huyện đảo Phú Quốc.

Thông tin từ Cổng thông tin điện tử của Chính phủ cho biết, làm việc với tỉnh Kiên Giang, Thủ tướng hoan nghênh việc giữ gìn trật tự đô thị, nhưng cũng lưu ý cần có phương án lo cho cuộc sống của những người dân sống nhờ vỉa hè.

Thủ tướng yêu cầu quan tâm đến lợi ích của người dân, nhất là sinh kế, không để người dân đứng bên lề của sự phát triển. Cần gắn lợi ích của nhà đầu tư với phúc lợi của người dân địa phương. Phải kết hợp xây dựng hạ tầng du lịch, công viên, khu giải trí, bệnh viện với việc phục vụ người dân địa phương, kể cả việc để người dân tiếp cận bãi tắm công cộng thuận lợi, không phải phân lô bán nền mặt biển. Đẩy mạnh du lịch dựa vào cộng đồng.

"Chúng ta có chính sách ưu đãi, miễn thuế cho nhà đầu tư thì nhà đầu tư phải tham gia đào tạo nghề, tạo việc làm cho người dân địa phương" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Kiên Giang (ảnh: VGP)
Thủ tướng làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Kiên Giang (ảnh: VGP)

Thủ tướng gợi mở, trong tương lai gần, Kiên Giang phải phấn đấu thành tỉnh đổi mới, giàu có toàn diện dựa trên lợi thế so sánh tự nhiên, được dẫn dắt bởi những mô thức đột phá về thể chế chính sách năng động và ứng dụng công nghệ trong phát triển dịch vụ du lịch, nông nghiệp, kinh tế biển và công nghiệp hỗ trợ, công nghệ chế biến.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị địa phương phải phấn đấu xây dựng Phú Quốc với tên gọi là đảo ngọc, thành viên ngọc quý, viên ngọc lớn, trù phú và thịnh vượng, là trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí độc đáo, đẳng cấp quốc tế.

Chính quyền Kiên Giang tập trung cho Phú Quốc phát triển, song theo Thủ tướng, không phải là cạnh tranh với các địa phương khác mà thu hút nguồn lực và cơ hội phát triển cho Phú Quốc có khả năng cạnh tranh hiệu quả, sòng phẳng với các quốc gia khác - để Phú Quốc có sức hấp dẫn mang tầm quốc tế trong khu vực, thu hút các nhà đầu tư, người giỏi, người thông minh, người giàu đến Phú Quốc, đến Kiên Giang và đến Việt Nam. Phú Quốc cạnh tranh quốc tế chứ không phải cạnh tranh với các khu hành chính kinh tế đặc biệt khác như Vân Đồn, Vân Phong.

Cho rằng diện tích Phú Quốc chỉ kém Singapore vài trăm km2, Thủ tướng đặt vấn đề: “Chúng ta có ước mơ phát triển ở Phú Quốc này một cái gì ấn tượng với Việt Nam, với toàn cầu hay không”? Do đó, phải chọn những ý tưởng tinh túy vào đảo ngọc này nên không được cấp đất cho các nhà đầu tư có ý tưởng ngắn hạn trong phát triển Phú Quốc - Thủ tướng nhấn mạnh.

Để trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, giải trí đẳng cấp khu vực và quốc tế, tầm nhìn và chất lượng quy hoạch là tối quan trọng. Diện tích gần xấp xỉ nhưng dân số chỉ bằng khoảng 2% dân số Singapore, vì vậy Phú Quốc có cơ hội to lớn để quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, có tính đón đầu tiềm năng phát triển to lớn trong tương lai. Quy hoạch này phải có tầm nhìn 30 năm, 50 năm chứ không chỉ cho nhu cầu phát triển trước mắt.

Nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm chất lượng môi trường, Thủ tướng cũng nêu rõ, phải làm cho Phú Quốc trở thành thiên đường du lịch, nghỉ dưỡng. Nếu đưa ra con số 20.000 phòng ở Phú Quốc thì chắc chắn vấn đề môi trường đặt ra thử thách rất lớn. Mất môi trường là mất tất cả, Thủ tướng lưu ý.

Thời gian qua, Kiên Giang phát triển toàn diện, có tốc độ tăng trưởng cao, riêng quý I/2017, đạt gần 7,4%. Kinh tế biển, nông nghiệp đều phát triển tốt. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng khách du lịch cả trong nước và quốc tế đều rất cao. Một trong những điểm nổi bật là tốc độ vượt trội của Phú Quốc với tiềm năng đầy hứa hẹn, với sự có mặt của nhiều nhà đầu tư lớn.

Tốc độ tăng trưởng thu ngân sách bình quân 5 năm khoảng 19%, trong khi mức bình quân cả nước khoảng 7-8%. Tốc độ tăng thu nội địa 19%, cho thấy nội lực kinh tế Kiên Giang rất khá. Cơ sở hạ tầng được quan tâm. Đời sống nhân dân được cải thiện.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng, thu ngân sách của Kiên Giang mặc dù tăng trưởng cao, đứng thứ 3 trong 13 địa phương ở Đồng bằng Sông Cửu Long nhưng chỉ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu chi, còn lại thì nhận trợ cấp từ Trung ương. Do đó, Thủ tướng mong muốn cuối nhiệm kỳ này, Kiên Giang phấn đấu tự trang trải được ngân sách.

Bích Diệp (lược ghi)