Thống đốc Lê Minh Hưng nói về quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng

(Dân trí) - Theo đánh giá của Thống đốc Lê Minh Hưng, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng vẫn chưa đạt được theo yêu cầu. Mặc dù không phổ biến nhưng vẫn có những tổ chức tín dụng còn để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật, còn có cán bộ tín dụng cố ý làm trái pháp luật.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2017 của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, trong năm 2016 ngành ngân hàng đã tập trung rất nhiều công sức để thực hiện triển khai đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu.

Trong đó, NHNN đã phối hợp với các bộ ngành để xây dựng đề án tái cơ cấu ngân hàng và có những giải pháp tổng thể, chi tiết theo từng giai đoạn, từng tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, theo nhận xét của vị tổng tư lệnh ngành, hệ thống ngân hàng vẫn còn những vấn đề tồn tại, hạn chế. Nếu chúng ta không nhìn nhận thẳng thắn vấn đề này sẽ rất khó phát triển được. Những vấn đề tồn tại như chất lượng tín dụng còn tập trung vào những phân khúc, như bất động sản, BOT, giao thông…; nợ xấu còn cao.

Cùng với đó, theo đánh giá của ông Hưng, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng vẫn chưa đạt được theo yêu cầu. Mặc dù không phổ biến nhưng vẫn có những tổ chức tín dụng còn để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật, còn có cán bộ tín dụng cố ý làm trái pháp luật.


Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2017 của Vietcombank sáng nay, 7/1.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2017 của Vietcombank sáng nay, 7/1.

Người đứng đầu ngành ngân hàng cũng cho biết, sau khi trình thường trực Chính phủ, Chính phủ đã có chỉ đạo NHNN đẩy mạnh triển khai sau khi đề án được duyệt. Sau khi đề án được duyệt, NHNN sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng, trong đó có Vietcombank hoàn thiện đề án riêng của mình. Riêng với Vietcombank, Thống đốc yêu cầu Vietcombank cần xác định được vị trí của mình nằm ở đâu trong khu vực, thị trường Châu Á trong 5 - 10 năm tới.

Ngoài việc tự tái cơ cấu, Thống đốc cũng nhắc đến trách nhiệm của Vietcombank rất lớn đối với Chính phủ là phải tham gia cùng với ngành ngân hàng tái cơ cấu. Tất nhiên, sẽ có các cơ chế, chính sách minh bạch rõ ràng, tạo điều kiện khi Vietcombank tham gia tái cơ cấu hệ thống chứ không phải yêu cầu tham gia tái cơ cấu để gây bất lợi cho ngân hàng.

“Đây vừa là nhiệm vụ chính trị, nhưng cũng là cơ hội của Vietcombank. NHNN đã báo cáo Chính phủ để tạo điều kiện cho các ngân hàng tham gia. Nếu thực hiện tái cơ cấu thành công ở những giai đoạn khác nhau cũng có điều kiện để Vietcombank tăng quy mô”, Thống đốc Lê Minh Hưng yêu cầu.

Đáp lại yêu cầu của Thống đốc, Chủ tịch Nghiêm Xuân Thành cho biết, Vietcombank đã tham gia tái cơ cấu các ngân hàng khác mà không ảnh hưởng ngân hàng. Cụ thể, Vietcombank đã tham gia tái cơ cấu Ngân hàng Xây dựng bằng cách tham gia quản trị, hỗ trợ một phần thu nhập cho cán bộ nhân viên ngân hàng xây dựng.

Cũng tại Hội nghị, Thống đốc Lê Minh Hưng nhận định, kinh tế tuy phục hồi nhưng tốc độ tăng trưởng còn chậm. Năm nay cần đạt mức GDP tăng 6,7%, lạm phát bình quân 4% là những thách thức lớn trong điều hành vĩ mô. Như vậy sẽ tác động đến điều hành của ngành ngân hàng.

“Mục tiêu là ổn định kinh tế vĩ mô, kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát. Đây là mục tiêu kiên định của NHNN. Điều hành đồng bộ linh hoạt thị trường tiền tệ, ổn định công cụ lãi suất để giữ ổn định mặt bằng lãi suất và phấn đấu giảm lãi suất cho vay”, Thống đốc nhấn mạnh.

Thống đốc Lê Minh Hưng cũng dự báo, năm 2017 là năm khó khăn trong điều hành tỷ giá. Ngoại hối, cán cân thanh toán năm 2017 được dự báo không cao so với 2016 nhưng lại chịu nhiều tác động bất lợi từ chính sách tiền tệ của các nước, áp lực từ việc tăng lãi suất của FED.

Do đó, "NHNN sẽ điều hành rất linh hoạt thị trường ngoại hối, tỷ giá. NHNN sẽ tham gia là người dẫn dắt thị trường", Thống đốc nhấn mạnh.

Ngày 5/1, phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2017, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết:

Vấn đề tái cơ cấu những ngân hàng yếu kém, chúng ta phải nói trách nhiệm của các tổ chức tín dụng Nhà nước là đặc biệt quan trọng. Các bộ, ngành, lãnh đạo Chính phủ đánh giá rất cao NHNN và hệ thống ngân hàng trong việc xây dựng Đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020. Thường trực Chính phủ cũng đã cơ bản thông qua bổ sung một số nội dung để báo cáo lại Bộ Chính trị.

Khi Bộ Chính trị thông qua và Chính phủ phê duyệt đề án đó, hệ thống ngân hàng có lộ trình tổ chức thực hiện. Với các tổ chức tín dụng (TCTD), kể cả những TCTD tốt hay những TCTD còn những tồn tại, hạn chế đều phải có đề án của riêng mình gắn với lộ trình tổng thể của hệ thống ngân hàng trong 5 năm tới. Đây là nhiệm vụ trọng tâm phải triển khai thực hiện sớm ngay từ đầu năm 2017.

Nguyễn Hiền