1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Thái Lan "xả" mạnh hàng tồn, gạo Việt lo cạnh tranh gay gắt

(Dân trí) - Theo Bộ Công Thương, trong thời gian tới, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức khi Thái Lan muốn bán ra hơn 11,4 triệu tấn gạo. Gạo Việt Nam còn đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nước như Myanmar, Campuchia, Ấn Độ…

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Báo cáo Bộ Công Thương gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình xuất khẩu gạo quý I/2016 dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu gạo trong quý đạt 1,55 triệu tấn, trị giá 680 triệu USD, tăng 38,1% về lượng và tăng 38,5% về giá so với cùng kỳ năm 2015.

Đáng lưu ý, trong quý I, việc triển khai thực hiện các hợp đồng tập trung Phillipines và Indonesia ký cuối năm trước, nguồn cung gạo nhiều nước bị giảm sút đã thúc đẩy giao dịch trên thị trường ổn định và tăng trưởng của xuất khẩu gạo của Việt Nam so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, tác động ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long khiến nguồn cung giảm, tạo tâm lý thị trường đẩy giá thóc, gạo nội địa tăng, kéo theo giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, trong thời gian tới, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức khi Thái Lan muốn bán ra hơn 11,4 triệu tấn gạo. Gạo Việt Nam còn đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nước như Myanmar, Campuchia, Ấn Độ…

“Với diễn biến giá cả nội địa như hiện nay, các thương nhân xuất khẩu gạo của Việt Nam khó có thể chào bán giá thấp, lợi thế cạnh tranh về giá gạo của Việt Nam không còn. Pakistan và Ấn Độ, với lợi thế về địa lý, chi phí vận chuyển thấp, luôn có giá bán cạnh tranh tại thị trường Trung Đông, châu Phi. Gạo Việt Nam cũng chịu sự cạnh tranh gay gắt về chất lượng với các nguồn cung cấp từ Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Ấn Độ tại nhiều khu vực thị trường quan trọng. Trong khi đó, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc vẫn khó dự đoán, diễn biến khó lường”, Bộ Công Thương nhìn nhận.

Hiện “đối thủ” lớn nhất là Thái Lan đang tồn kho Chính phủ khoảng 12 triệu tấn gạo. Ngày 25/4 vừa qua, trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Bangkok Post, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan cho biết, Chính phủ Thái Lan có kế hoạch bán 11,4 triệu tấn gạo tồn kho từ tháng 5 - 6/2016. Các đợt đấu giá gạo sẽ được bắt đầu từ tuần tới và kéo dài suốt tháng 5 và tháng 6, mỗi lần sẽ đấu giá khoảng 1 triệu tấn gạo.

Theo các nguồn tin, Thái Lan đã ký biên bản ghi nhớ bán 150.000 tấn cho Hongkong. Đặc biệt, Chính phủ Thái Lan đang lên kế hoạch xuất khẩu thêm 1 triệu tấn gạo sang Trung Quốc. Đối với hợp đồng cũ 1 triệu tấn, Thái Lan đã giao cho Trung Quốc 870.000 tấn, còn lại 130.000 tấn có thể giao vào tháng 5. Trung Quốc hiện vẫn là thị trường xuất khẩu chủ yếu của gạo Việt Nam.

Bộ Công Thương cho rằng, kế hoạch xuất khẩu gạo của Thái Lan nhằm đẩy nhanh việc tồn kho để tránh tiếp tục xuống cấp về chất lượng, tránh thua lỗ thêm, để có chỗ cho gạo vụ mới. Phần lớn là gạo chất lượng thấp, gạo cũ, có cả gạo hỏng, chỉ sử dụng được cho chế biến công nghiệp và chăn nuôi, không phải phân khúc mà Việt Nam đang trực tiếp cạnh tranh.

"Tuy nhiên, nếu Thái Lan giảm giá, đẩy mạnh bán ra toàn bộ lượng gạo này thì lượng cung trên thị trường sẽ tăng, tạo áp lực giảm giá lên các giao dịch kéo theo tâm lý thị trường bất lợi cho giao dịch xuất khẩu gạo của Việt Nam”, Bộ Công Thương nhận định.

Bộ này cũng cho biết, về định hướng điều hành xuất khẩu gạo, trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường xuất khẩu gạo; đồng thời, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, đa dạng hoá thị trường để giảm dần phụ thuộc vào một số thị trường.

Trong văn bản lần này, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn rà soát các biện pháp của các nước và cam kết Việt Nam về kiểm dịch thực vật. Trước mắt, đàm phán sửa đổi Nghị định thư về kiểm nghiệm kiểm dịch thực vật với gạo xuất khẩu sang Trung Quốc để tránh bất lợi cho xuất khẩu gạo vào thị trường này.

Bên cạnh đó, Bộ này cũng kiến nghị rà soát lại danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép nhập khẩu, sản xuất và lưu hành tại Việt Nam. Theo đó, cần loại bỏ ngay những chủng loại thuốc có chứa các chất độc hại, gây dư lượng hoá chất độc hại trong sản phẩm gạo (nếu có).

Phương Dung

Thái Lan "xả" mạnh hàng tồn, gạo Việt lo cạnh tranh gay gắt - 2