Tăng phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng: Đừng để người nộp cảm giác bị chặt chém, tận thu!

(Dân trí) - Xung quanh việc nhà đầu tư đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng quyết định tăng phí đồng loạt đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng lên 25% và phí quốc lộ 5A là 50%, các chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp tiếp tục đưa ra những bất hợp lý.

Không phản đối tăng phí, nhưng cần khoan sức dân

Ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hải Phòng cho rằng, thu phí đường cao tốc để nâng cấp hệ thống giao thông, đi đường đẹp anh phải trả phí cao là chuyện đương nhiên, chấp nhận trong thời buổi kinh tế thị trường. Tuy nhiên, thu cho thế nào hợp lý, không cứng nhắc. Đừng để việc thu phí khiến người nộp phí cảm giác như bị chặt chém, tận thu.


Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ tăng phí trong thời gian tới cùng với quốc lộ cũ 5A

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ tăng phí trong thời gian tới cùng với quốc lộ cũ 5A

Theo ông Tiến, không thể bắt người dân sử dụng dịch vụ khác để trả tiền cho một dịch vụ mà họ không được hưởng. Nếu có tăng, cần có phương án, thời gian phù hợp và khoan sức dân.

“Chúng tôi không phản đối tăng phí cao tốc, nhưng tăng thế nào, tăng làm sao và tăng bao nhiêu thì cần nghĩ đến quyền lợi của doanh nghiệp (DN). Bài toán của DN cuối cùng là chi phí, nếu tăng cao, DN không thể chịu được phí, họ sẽ chuyển sang đường cũ đi. Như vậy, tuyến đường đẹp, hàng nghìn tỷ đồng sẽ chỉ dành cho một số ít người, thậm chí sẽ trở thành món hàng siêu sang mà không ai dám đi. Như vậy, nghèo vẫn hoàn nghèo và khó khăn càng khó thêm”, ông Tiến nhấn mạnh.

Chia sẻ quan điểm của mình, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam nhấn mạnh: "Hai tuyến đường huyết mạch đều chịu sự quản lý của một đơn vị, tăng phí lại tăng một lúc cả hai con đường là cái dở của nhà quản lý".

Theo ông Thanh, nếu sau này nhà đầu tư đấu giá sử dụng đất ven đường quốc lộ lãi nghìn tỷ, lúc đó họ có hoàn trả lại cho Nhà nước hay người dân không? Họ có hiểu cho người dân phải bỏ tiền ra làm đường (Quốc lộ 5A sử dụng tiền Ngân sách xây dựng) nhưng lại phải đóng phí sử dụng.

Thực tế, việc thu phí quốc lộ 5A đã được Bộ Tài Chính đưa ra tại Thông tư 153/2015/TT-BTC về quy định thu phí trên quốc lộ 5A, Bộ Tài Chính ghi rõ, tổng tiền thu được từ quốc lộ này sau khi trừ thuế là khoản tiền hoàn vốn theo phương án tài chính của Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Như vậy, điều này có nghĩa là người không đi cao tốc, chọn đi đường 5 cũ vẫn phải đóng tiền phí cho đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Trước đó, trả lời về việc tại sao người dân đi quốc lộ 5A nhưng vẫn đóng tiền cho cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, ông Đào Văn Chiến - Chủ tịch Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi - Nhà đầu tư đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng) cho rằng: Chúng tôi hiểu thắc mắc của người dân là đi QL 5 nhưng phải đóng tiền cho cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách như hiện nay, nếu bỏ trạm thu phí thì mỗi năm Nhà nước có thể hỗ trợ chúng tôi mấy trăm tỷ đồng tiền thu phí quốc lộ 5 hay không? Nhà nghèo nên loanh quanh luẩn quẩn, chúng tôi cũng chỉ mong mọi người chia sẻ.

Theo ông Chiến, tổng đầu tư tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là 45.000 tỷ đồng, Nhà nước hứa hỗ trợ trực tiếp cho Vidifi 23%, Vidifi được sử dụng tiền sử dụng đất xây dựng các khu đô thị dọc bên con đường cao tốc là 16%. Còn lại chủ yếu là tiền Vidifi đi vay với lãi suất 10,5% - 11,5% trong thời gian 30 năm. Đến nay, Nhà nước mới hỗ trợ được 1 nửa trong số 23%.

Việc thu phí đường 5A, từ năm 2007, Chính phủ đã chuyển giao cho Vidifi quyền quản lý và khai thác để thu hồi vốn. Đây là một phần hỗ trợ của Nhà nước đối với dự án đường cao tốc.

Tăng phí, cao tốc sẽ không ai đi?

Trước lo ngại việc tăng phí thêm 25% của đường cao tốc sẽ khiến phí lưu thông trên con đường này trở nên đắt đỏ và sẽ ít xe đi, ông Lê Văn Tiến cho hay: Điều đó có thể xảy ra nhưng chưa phải lúc này, bởi đường cao tốc hiện nay, nhiều DN dịch vụ vận tải hành khách và người dân có xe cá nhân lưu thông vẫn chấp nhận được.

Tuy nhiên, không nên tăng phí theo định kỳ, tăng phí định kỳ 1 năm hoặc 2 - 3 năm /lần, nó chỉ khiến các DN quay lưng lại với đường cao tốc. Con đường lúc đó sẽ trở thành hàng xa xỉ không ai đi, khiến lượng tiền đầu tư vào đường lớn, hiệu quả thấp mà ùn tắc, phát triển hay tạo động lực là không có.

Cùng quan điểm với ông Tiến, ông Vũ Đức Hoàng, Phó Giám đốc Doanh nghiệp Vận tải Hoàng Long (Hải Phòng): “Mức phí tăng thêm chúng tôi vẫn cố gắng duy trì hoạt động được. Chấp nhận phương án thay đổi xe, dịch vụ, giá vé. Nhưng chúng tôi yêu cầu tăng phí dịch vụ và chất lượng phải đảm bảo. Phí tăng nhưng phải đưa ra lý do hợp lý và lắng nghe doanh nghiệp. Chủ đầu tư không được vin vào cớ chi phí đầu tư cao, vay lãi nặng để tăng phí liên tục”.

Theo ông Hoàng, đường 5 cũ, xe chạy từ Hà Nội - Hải Phòng mất khoảng 3 - 4 tiếng, còn đường cao tốc, xe đi mất 1,5 tiếng. Các đầu xe của hãng, mỗi ngày cũng chỉ chạy 2 chuyến, 1 lượt đi và 1 lượt về. Vì giá cao, có lẽ cũng nhiều loại xe bình dân không dám đi, chỉ một số dòng xe cao cấp, hãng lớn mới dám đi con đường này. Tăng phí, tăng cước và tăng giá thành, cuối cùng doanh nghiệp và người tiêu dùng là người chịu thiệt hại nhất.

Ông Hoàng tính toán, nếu tính mức tăng 25% của cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và mức tăng 50% của quốc lộ 5 A, doanh nghiệp đi Quốc lộ 5A vẫn lợi hơn. “Chiều dài hai tuyến đường tương đương nhau, đi đường cao tốc chỉ lợi là nhanh hơn, đường đẹp hơn. Điều này có ý nghĩa lớn đối với hãng xe khách. Đối với xe container, việc đi đường cao tốc, phải đi nhanh, tiêu hao dầu lớn, phí cao hơn quốc lộ 5A, do đó, chắc chắn họ sẽ chọn đường 5A để đi”, ông Hoàng nói.

Nguyễn Tuyền

Tăng phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng: Đừng để người nộp cảm giác bị chặt chém, tận thu! - 2