Sức ép lạm phát lớn, Chính phủ yêu cầu không tăng giá nhiều loại hàng hóa
(Dân trí) - Đánh giá sức ép lạm phát còn lớn, có khả năng ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, Thủ tướng yêu cầu trong năm 2016 không tăng giá điện, không tăng phí BOT; các khoản chi phí bảo hiểm y tế, giáo dục phải có lộ trình, không tăng đồng loạt. Việc điều hành giá phải đảm bảo mức trần CPI trong phạm vi 5%.
Chủ trì phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2016 diễn ra chiều nay (2/6/2016), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trong phiên họp kéo dài hai ngày 1-2/6/2016, Chính phủ nhìn nhận, tình hình vẫn còn nhiều khó khăn. Sức ép lạm phát còn lớn, có khả năng ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh sẽ không thay đổi mục tiêu và Chính phủ sẽ nỗ lực triển khai các biện pháp tháo gỡ, khắc phục nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng.
Thủ tướng yêu cầu trong năm 2016 không tăng giá điện, không tăng phí BOT; các khoản chi phí bảo hiểm y tế, giáo dục phải có lộ trình, không tăng đồng loạt; giữ nguyên biện pháp quản lý giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi...
Do giá dầu hiện nay đã tăng lên 48-49 USD/thùng nên mức trần lạm phát cho phép là 5% và toàn bộ kế hoạch điều chỉnh tăng giá liên quan đến các mặt hàng thiết yếu do Nhà nước điều hành sẽ phải được cân nhắc và đảm bảo mục tiêu CPI đề ra.
Về vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), quan điểm của Thủ tướng, Chính phủ là chỉ giữ những doanh nghiệp mà Nhà nước cần thiết phải nắm giữ liên quan đến quốc phòng, an ninh, các doanh nghiệp lớn có thể ảnh hưởng lớn đến cân đối vĩ mô của đất nước. Với những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ thì phải bán bớt vốn và thoái vốn toàn bộ. Thủ tướng lưu ý, phải coi đây là nguồn lực cho đầu tư, phát triển.
Về chính sách lãi suất, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xây dựng lộ trình và có kịch bản lãi suất từ nay đến cuối năm để báo Thủ tướng Chính phủ.
Vừa rồi, sau Hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng và cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35 tập trung tháo gỡ tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Theo đó, Chính phủ đã yêu cầu ban hành 49 Nghị định để thực hiện 2 Luật Đầu tư và Doanh nghiệp để tháo bỏ rào cản cho doanh nghiệp và người dân.
Thủ tướng cũng chỉ đạo phải hết sức quan tâm đến siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong công tác quản lý hành chính, đặc biệt là nêu cao tính trách nhiệm của người đứng đầu, các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc thực hiện các chỉ tiêu, yêu cầu đặt ra, ngay cả trong công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại của người dân…
Trước đó, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày trước Chính phủ, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,54% so với tháng trước và tăng 1,88% so với tháng 12/2015. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 5 tăng 2,28%, bình quân 5 tháng tăng 1,59%. Lạm phát cơ bản bình quân 5 tháng đầu năm tăng 1,78% so với cùng kỳ năm trước.
Lãi suất huy động VND tương đối ổn định; lãi suất cho vay được điều chỉnh giảm. Tính đến ngày 20/5/2016, tổng phương tiện thanh toán ước tăng 5,88% so với tháng 12/2015 (cùng kỳ năm 2015 tăng 3,64%); tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 4,52% (cùng kỳ tăng 4,26%).
Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi nhưng chậm. Tình hình kinh tế - xã hội trong 5 tháng đầu năm vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Lạm phát 5 tháng đã tăng 1,88%, trong khi sức ép về tăng giá còn rất lớn.
Sản xuất nông nghiệp và thủy sản vẫn gặp nhiều khó khăn. Tiến độ thu ngân sách Nhà nước đạt thấp hơn cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể vẫn còn ở mức cao.
Bích Diệp