Số lao động Việt bị máy móc đào thải có thể cao nhất ASEAN
(Dân trí) - Theo nhận định tại báo cáo "Việt Nam với cách mạng công nghiệp lần thứ tư" do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với nhiều học giả trong và ngoài nước đưa ra mới đây, Việt Nam là nước chịu tác động rất mạnh mẽ bởi Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Cách mạng công nghệ), trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Việt nam được cho là có tỷ lệ lao động bị máy móc đào thải cao nhất ASEAN.
Giải thích về hiện tượng này, các nhà khoa học khẳng định do bản chất ngành chế biến, chế tạo của Việt Nam hiện không có hiệu suất cao, lao động sử dụng không thông qua đào tạo chuyên sâu, chủ yếu lao động lắp ráp, chế biến giản đơn ở những công đoạn có thể dùng máy móc thay thế.
Dẫn thông điệp của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), báo cáo trên chỉ rõ: “Lao động trong các ngành chế biến chế tạo của Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ rất lớn bị mất việc làm do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0. Trong đó, lao động sản xuất theo dây chuyền lắp ráp, gia công sẽ bị ảnh hưởng trước tiên vì khả năng dễ dàng trong việc sử dụng robot trong hầu hết tất cả các công đoạn của quá trình sản xuất”.
Báo cáo này dự đoán sẽ có 74% trong tổng số lao động ngành chế biến, chế tạo của Việt Nam có mức độ rủi ro cao, bị thay thế do tự động hóa. Con số này cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, trong đó như Phillipines (54%), Thái Lan (58%) và Indonesia (67%).
Theo báo cáo của các chuyên gia, hiện tổng số lao động của ngành chế biến chế tạo Việt Nam năm 2010 là 6,6 triệu người, chiếm 13,5% trong tổng lao động cả nước; năm 2015, con số nay đã tăng lên 8 triệu người, tương ứng với 15,3% trong tổng số lao động toàn quốc.
Tuy nhiên, tỷ lệ lao động có trình độ kỹ thuật cao trong ngành chế biến, chế tạo chỉ chiếm trung bình 9% (có trình độ từ cao đẳng trở lên), trong khi với các nước phát triển, tỷ lệ này là 40-60%.
Lao động ngành chế biến chế tạo cũng chủ yếu là lao động chưa qua đào tạo. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo (từ các trường dạy nghề, đến đại học, trên đại học) đang hoạt động trong ngành năm 2010 đạt 13,4%, đến năm 2015 chỉ tăng nhẹ lên 17,7%. Tỉ lệ này thấp hơn mức bình quân của tất cả các ngành và còn thấp hơn nhiều khi so sánh với các ngành dịch vụ và công nghiệp khác.
Tham luận của Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định: CMCN 4.0 có thể phá vỡ cấu trúc lực lượng lao động, dẫn tới lao động dư thừa do sự thay thế lao động bằng các robot.
"Tiến bộ công nghệ dẫn đến sự dịch chuyển của bản chất công việc từ sử dụng lao động thủ công sang lập trình và kiểm soát một cách tự động bằng máy móc có hiệu năng cao. Khi đó, người lao động chủ yếu đảm nhiệm việc quản lý hệ thống máy móc thay vì tham gia trực tiếp vào", báo cáo chỉ rõ.
Bên cạnh đó, báo cáo khẳng định những nguy cơ của cách mạng 4.0 đã được thế giới cảnh báo từ trước đây. Cụ thể tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (Davos – Thuỵ Sỹ năm 2016) với chủ đề về thế giới ứng phó cách mạng 4.0, các chuyên gia quốc tế khẳng định: Thế giới sẽ có sự suy giảm đáng kể số lượng việc làm trong các lĩnh vực hành chính, chế biến chế tạo và xây dựng trong giai đoạn từ 2015 đến 2020.
Quan điểm này trùng hợp với báo cáo của ILO (2016) khi cho rằng, lao động trong các lĩnh vực khách sạn và nhà hàng, bán lẻ, xây dựng, chế biến chế tạo ở các nước ASEAN-5 sẽ đối mặt với rủi ro cao bị thay thế bởi tự động hóa và robot.
Đồng thời, các nghiên cứu của WB va ILO cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ lao động có nguy cơ bị thay thế sẽ cao hơn ở các nước đang phát triển, nơi mà nền công nghiệp sử dụng chủ yếu các lao động không có kĩ năng, dễ dàng bị thay thế bởi tự động hóa và robot. Còn đối với các nước phát triển, do họ xây dựng được ngành công nghiệp tự động hoá từ Cách mạng Khoa học kỹ thuật lần thứ 3 do đó không chịu tác động quá nhiều, chỉ cần chuyển đổi và thích ứng sẽ cho hiệu quả cao.
Theo báo cáo của ILO, lao động trong các ngành chế biến, chế tạo của Việt đang đối mặt với nguy cơ rất lớn bị mất việc làm. Đầu tiên sẽ là lao động trong các ngành sản xuất theo dây chuyền lắp ráp, gia công sản phẩm sẽ bị ảnh hưởng sau đó sẽ đến các khâu phức tạp hơn.
Nguyễn Tuyền