1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Siêu lợi nhuận, xe Camry cũng được dùng để chở gà thải về Hà Nội

(Dân trí) - "Các loại thuỷ hải sản nhập vào như ở biên giới, giá cá tầm chỉ 70.000 đồng, về Hà Nội lên thành 300.000 đồng, dư lượng kháng sinh rất cao nhưng nhiều người tham rẻ vẫn mua. Tương tự như vậy, gà thải loại cũng có mức giá chênh lệch cao nên có người dùng cả xe Toyota Camry dùng để chở gà thải về Hà Nội", Đại tá Phan Mạnh Thông - Trưởng phòng 5, C49, Bộ Công an cho biết.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Hơn 20% thực phẩm chưa đủ điều kiện an toàn

Tại hội thảo “Hành động để người dân sử dụng nông sản, thực phẩm an toàn” mới đây, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm thủy sản cho biết, thống kê đến tháng 6/2016, tỉ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản được kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) đã tăng lên 79,76% (cuối năm 2015 là 78,3%).

Việc giám sát an toàn thực phẩm sản phẩm nông lâm thủy sản hiện tập trung giám sát sản phẩm rủi ro cao, nhiều bức xúc như thịt, rau, thuỷ sản nuôi. Kết quả giám sát cho thấy tỷ lệ mẫu vi phạm có giảm, có chuyển biến nhưng vẫn còn ở mức cao.

Theo kết quả giám sát trên diện rộng trong 6 tháng đầu năm 2016, tỷ lệ mẫu thịt lợn phát hiện chất cấm salbutamol là 0,42%; mẫu rau chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng chiếm 3,98%; mẫu thịt chứa hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng chiếm 1,3%, mẫu thủy sản các loại chứa hóa chất, kháng sinh, chất cấm vượt ngưỡng chiếm 5,3 %.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Trưởng phòng kiểm soát chất lượng hàng hóa Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, tình hình vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, gây lo lắng, bức xúc trong xã hộ. Nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh chạy theo lợi nhuận không quan tâm đến quyền lợi người tiêu dùng. Nhiều loại thực phẩm, thực phẩm chức năng với nhiều chủng loại, mẫu mã nhãn mác, bao bì khác nhau có nguồn gốc trôi nổi, không đảm bảo chất lượng bày bán trên thị trường….

Đại diện Bộ Công Thương cũng chỉ ra một số vụ việc nổi bật. Cụ thể, thời gian qua, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện 6 tấn ngó sen, me chua quá hạn sử dụng; 4 tấn ruốc gà không rõ nguồn gốc; 5 tấn thực phẩm đông lạnh đang trong giai đoạn bốc mùi hôi thối; trên 10 tấn dược liệu các loại do nước ngoài sản xuất không có nhãn hàng hóa; 5 tấn mỡ bẩn; nhiều loại phụ gia, gia vị không rõ nguồn gốc…

Chi cục Quản lý thị trường TPHCM phát hiện 2 tấn thịt lợn bốc mùi hôi thối, 3 tấn thịt trâu tẩm ướp hóa chất để giả thịt bò…; Chi cục Quản lý thị trường Hưng Yên phát hiện 4,2 tấn thịt lợn ốm, lợn chết không có giấy tờ kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ quan chức năng…

Trong Quý I/2016, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra xử lý hơn 4.000 vụ vi phạm, thu nộp 9,3 tỷ đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh thực phẩm nhập lậu, thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng, sử dụng hóa chất, phụ gia bị cấm trong sản xuất, chế biến.

Huy động cả xe Camry để chở gà thải về Hà Nội kiếm lời

Theo Đại tá Phan Mạnh Thông - Trưởng phòng 5, C49, Bộ Công an dẫn một ví dụ về nguyên nhân khiến thực phẩm không đảm bảo an toàn vẫn tràn lan trên thị trường: "Các loại thuỷ hải sản nhập vào như ở biên giới, giá cá tầm chỉ 70.000 đồng, về Hà Nội lên thành 300.000 đồng, dư lượng kháng sinh rất cao nhưng nhiều người tham rẻ vẫn mua. Tương tự như vậy, gà thải loại cũng có mức giá chênh lệch cao nên có người dùng cả xe Toyota Camry dùng để chở gà thải về Hà Nội".

Ông Thông nhận định cuộc đấu tranh này hết sức nan giải nếu không chủ động từ giống tới vật tư nông nghiệp. Bên cạnh đó, còn có vấn đề về cơ chế trong khâu quản lý khi phân vô cơ do Bộ Công Thương quản lý, hữu cơ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, có nhiều cơ quan quản lý trong khi cả phân hữu cơ và vô cơ chất lượng đều không đảm bảo, đăng ký một đằng nhưng làm một nẻo. Một lượng lớn phân bón, thuốc kháng sinh nhập qua đường tiểu ngạch không quản lý được. Riêng kháng sinh trộn vào thức ăn để phòng bệnh, người nông dân không biết là trước khi bán nửa tháng không cho ăn nữa để không tồn dư kháng sinh nên vẫn cho ăn đến khi bán dẫn tới lượng tồn dư kháng sinh lớn.

Người nông dân chỉ biết mua giống này, thức ăn này thì phát triển tốt phòng ngừa được bệnh và chỉ cần đạt mục tiêu an toàn trong chăn nuôi, trồng trọt nên họ không nghĩ sâu xa hậu quả là như vậy.

Ông Thông đánh giá công đoạn lưu thông sản phẩm cũng là khâu cực kỳ nan giải, thực vật thì hoá chất ngâm tẩm, động vật thì bơm nước và không kiểm soát được hết.

Ở công đoạn người tiêu dùng, thông tin lẫn lộn giữa người đáp ứng được và không được, thông tin quá nhiều dẫn tới hoang mang, nếu tuyên truyền quá mức dẫn tới người tiêu dùng cảnh giác không phân biệt được nữa. Do đó, cần xem lại trách nhiệm tuyên truyền và quản lý. Các bộ ngành cùng đồng tâm hiệp lực để hành động cố gắng trong vòng 10-20 năm để có sản phẩm tốt cho người tiêu dùng.

Về giải pháp, ông Thông đề nghị Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và Bộ Công Thương rà soát lại văn bản quy định đối với các vấn đề quản lý hoá chất, an toàn thực phẩm... và Bộ Công an tiếp tục phối hợp chặt chẽ để thời gian tới làm tốt công tác phòng ngừa đấu tranh các hành động liên quan tới an toàn thực phẩm và sản xuất nông nghiệp.

Phương Dung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm