1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Oxfam: 3.200 tỷ USD đang "ẩn náu" tại các thiên đường thuế

(Dân trí) - Lượng tiền thất thoát hàng năm do tránh thuế doanh nghiệp của các quốc gia nghèo nhất ước tính lên tới 100 tỷ USD. Các quốc gia đang phát triển (trong đó có Việt Nam) thiệt hại khoảng 170 tỷ USD mỗi năm do các tổ chức, cá nhân lợi dụng thiên đường thuế để trốn thuế.

Chuyên gia Oxfam chia sẻ tại hội thảo về thuế và bất bình đẳng chiều 7/10
Chuyên gia Oxfam chia sẻ tại hội thảo về thuế và bất bình đẳng chiều 7/10

Các quốc gia đang phát triển thất thoát 170 tỷ USD mỗi năm

Chia sẻ tại hội thảo về thuế và bất bình đẳng diễn ra chiều 7/10 tại Hà Nội, chuyên gia Susana Ruiz của Oxfam cho biết, các quốc gia có mức thuế ưu đãi, hay còn gọi là các thiên đường thuế, đang trở thành lỗ hổng được các tập đoàn kinh tế lớn lợi dụng để trốn thuế, gây thiệt hại hàng trăm tỷ USD cho các nước đang phát triển

Lượng tiền thất thoát hàng năm do tránh thuế doanh nghiệp của các quốc gia nghèo nhất ước tính lên tới 100 tỷ USD. Các quốc gia đang phát triển (trong đó có Việt Nam) thiệt hại khoảng 170 tỷ USD mỗi năm do hành vi lợi dụng các thiên đường thuế để trốn thuế.

"Tiền tại các thiên đường thuế ước tính khoảng 2.000-3.200 tỷ USD, bằng GDP của Mỹ và Trung Quốc cộng lại", chuyên gia Oxfam nói. Trong đó, có 65% là doanh nghiệp lạm dụng để tránh thuế, 30% là hành vi phạm tội và 5% là tiền tham nhũng.

Nói về dòng tiền phi pháp, châu Á được cho biết là khu vực có dòng tài chính phi pháp lớn nhất, lên tới trên 3.000 tỷ USD chiếm tỷ lệ khoảng 38,8% dòng tài chính phi pháp toàn cầu. Trong khi đó Đông Âu xấp xỉ 2.000 tỷ USD, Tây Bán cầu gần 1.600 tỷ USD. Riêng nhóm các quốc gia đang phát triển, giá trị định danh các dòng tiền phi pháp là 7.847,9 tỷ USD - theo Oxfam.

Cũng theo thống kê của Oxfam, có tới một nửa giá trị thương mại của thế giới được thông qua một thiên đường thuế và 60% giá trị thương mại toàn cầu là giữa các công ty của 1 tập đoàn.

Lấy ví dụ, tới 50% vốn FDI đầu tư vào Ấn Độ thông qua thiên đường thuế và đa số là từ Mauritius (chiếm 40% vốn FDI nước này). Nói cách khác, 55 tỷ USD vốn FDI lại xuất phát chỉ từ một tòa nhà tại trung tâm thủ đô Port Louis.

Tuy nhiên, theo bà Susana, “chúng ta không có cách nào để kiểm soát hoạt động tài chính của một công ty vì các số liệu hoạt động nội bộ của họ đều được giữ tuyệt mật”. Hồ sơ Panama trên thực tế mới chỉ đưa ra ánh sáng một góc nhỏ các hoạt động trốn thuế.

Theo phản ánh tại hồ sơ này thì cứ 10 phút, công ty Mossack Fonseca lại tạo ra một công ty ở nước ngoài (công ty offshore). Điều này khiến quần đảo British Virgin, với một lãnh thổ có diện tích 153 km2, nhỏ hơn Việt Nam 2.000 lần và chỉ có tổng số dân cư 28.000 người nhưng lại có tới 830.000 công ty được thành lập.

"Lật bài ngửa" chiêu chuyển giá, trốn thuế của các tập đoàn đa quốc gia

Lý giải cho điều này, chuyên gia Oxfam phân tích, nhờ các thiên đường thuế nên các công ty đa quốc gia có thể chỉ phải trích 5% lợi nhuận của mình cho các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp có nghĩa vụ chi trả.

Theo đó, thay vì việc phải chi trả phần thuế có nghĩa vụ phải trả tại những nơi diễn ra các hoạt động thực tế (như ở Việt Nam là 20-25%) thì những công ty này lại ngụy tạo việc chuyển lợi nhuận đến các thiên đường thuế. Tại đây, họ chỉ phải chi trả thuế suất dưới 1%, thậm chí 0% để tránh thuế.

Thiên đường thuế, nơi trú ngụ tài sản của các công ty đa quốc gia và giới nhà giàu trên thế giới
Thiên đường thuế, nơi trú ngụ tài sản của các công ty đa quốc gia và giới nhà giàu trên thế giới

Mức thuế suất thực tế rất thấp của các công ty đa quốc gia chủ yếu thực hiện thông qua chuyển giá, cho vay trong nội bộ tập đoàn, và ghi nhận chi phí tăng tại các tài sản vô hình như quyền sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu, bằng sáng chế...

Bà Susana lấy ví dụ về một chiếc điện thoại được làm ở Việt Nam và xuất bán sang Tây Ban Nha. Ở Việt Nam, giá chiếc điện thoại này được kê khai giá trị là 1 USD, sau đó, được chuyển đến một nước thiên đường thuế dưới dạng giấy tờ và đẩy nguyên giá lên 100 USD.

Song cũng chính chiếc điện thoại này lại được xuất bán ở Tây Ban Nha với mức giá 101 USD - người tiêu dùng ở đây phải trả cho mức giá này nhưng lợi nhuận sinh ra tại Tây Ban Nha chỉ là 1 USD. Sau quá trình trên, chính quyền Việt Nam và Tây Ban Nha chỉ được trả thuế cho 1 USD còn doanh nghiệp bỏ túi 99 USD. Đây chính là một trong những hình thức lách luật để trốn thuế mà hầu hết các tập đoàn lớn đều đang áp dụng.

Điều này thể hiện một phần qua tỉ lệ lợi nhuận/doanh thu của các doanh nghiệp. Tại Tây Ban Nha, lợi nhuận thấp hơn 600% so với doanh thu được ghi nhận. Đây cũng là lý giải cho việc hàng loạt các tập đoàn nước ngoài lớn đang hoạt động tại Việt Nam đều báo lỗ hoặc báo lãi khiêm tốn, tránh thực hiện nghĩa vụ thuế tại Việt Nam.

Sự chênh lệch về mức thuế suất đã dẫn thời thực trạng, một quần đảo nhỏ bé như Cayman lại thu hút FDI nhiều hơn gấp 7 lần so với Brazil và nhiều hơn gấp 3 lần Trung Quốc. Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong 15 năm qua, FDI vào các thiên đường trốn thuế đã tăng 4 lần.

Ngoài ra, tại cuộc hội thảo này, bà Susana cũng đưa ra những con số phản ánh bức tranh bất bình đẳng trên thế giới khiến người nghe không khỏi giật mình: 62 người giàu nhất thế giới đang sở hữu số tài sản tương đương với 3,6 tỷ người nghèo nhất. Đến năm 2016, dự kiến 1% người giàu nhất sẽ sở hữu hơn 50% tổng giá trị tài sản toàn cầu.

Từ năm 2000, một nửa dân số nghèo nhất thế giới chỉ nhận được 1% phần tăng thêm của giá trị tài sản toàn cầu. Ngược lại, 1% người giàu nhất nhận được thêm 50% từ giá trị tài sản toàn cầu.

Tuy nhiên, điều nghịch lý là mặc dù hệ thống thuế công bằng được sinh ra nhằm để giải quyết bất bình đẳng, thế nhưng, hệ thống thuế toàn cầu hiện nay lại đang được thiết kế theo cách thúc đẩy các hoạt động trốn thuế xuyên biên giới thông qua các thiên đường thuế.

Do đó, quan điểm cứng rắn của Oxfam là cần phải chấm dứt kỷ nguyên của thiên đường thuế, nơi tạo điều kiện cho hành vi tránh thuế của doanh nghiệp và cá nhân, khiến cho các quốc gia thất thoát nguồn lực quý giá cần thiết để giải quyết nghèo đói và bất bình đẳng.

Bích Diệp