Vấn đề kinh tế trong tuần:
“Nóng” chuyện kê khai tài sản nhà ông Quý và 3 tỷ USD mua nhà ở Mỹ
(Dân trí) - Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng được thành lập; chuyện kê khai tài sản của quan chức, cụ thể là của gia đình ông Phạm Sỹ Quý - Giám đốc Sở TNMT Yên Bái và của gia đình Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa; những dấu hỏi quanh 3 tỷ USD người Việt đã bỏ ra để mua nhà ở Mỹ… là những vấn đề thu hút dư luận trong tuần qua.
Thủ tướng thành lập Tổ Tư vấn kinh tế
Tổ Tư vấn kinh tế về các vấn đề phát triển kinh tế cho Thủ tướng Chính phủ vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định thành lập tối ngày 28/7.
Tổ Tư vấn kinh tế sẽ có 14 thành viên, trong đó có nhiều chuyên gia kinh tế có tiếng ở các trường đại học từ nước ngoài về. Tổ trưởng là ông Vũ Viết Ngoạn, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.
Ngay trong phiên làm việc đầu tiên diễn ra sáng 29/7, các thành viên Tổ tư vấn đã nhấn mạnh, tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế phải chạy đua với thời gian. Nếu không có giải pháp hữu hiệu để hiện thực hóa chỉ đạo điều hành của Chính phủ, tạo sự chuyển động của cả bộ máy hành chính, sẽ không đạt được những mục tiêu kinh tế chủ yếu của Đại hội XII.
Các thành viên Tổ tư vấn cho rằng, ngoài các chính sách mang tính dài hạn, hệ thống chính sách trong ngắn hạn và trung hạn cần tính tới 2 nội dung cơ bản.
Cụ thể, trọng tâm của hệ thống chính sách là tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng hiệu quả khu vực kinh tế nhà nước; cải cách mạnh mẽ khâu tổ chức thực hiện để hiện thức hóa kết quả chỉ đạo, điều hành của Chính phủ là yếu tố quyết định.
Đồng thời, phải đổi mới phương thức vận hành, theo đó, bộ máy hành chính hiện đang được lay chuyển bằng “lực kéo” của Thủ tướng như hiện nay cần chuyển động mạnh hơn bằng "lực đẩy" xã hội.
Ông Quý kê khai tài sản không trung thực
Thanh tra Chính phủ vừa mới hoàn tất kết luận thanh tra nguồn gốc tài sản của ông Phạm Sỹ Quý - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái, cũng như việc quản lý đất đai, cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép của UBND tỉnh Yên Bái đối với thửa đất tại tổ 42, tổ 52 phường Minh Tân, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái có liên quan đến hộ gia đình bà Hoàng Thị Huệ - vợ ông Quý.
Qua đó, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện ông Phạm Sỹ Quý kê khai tài sản không trung thực, không đúng so với thực tế.
Dự kiến đầu tháng 8 tới, cơ quan này sẽ công bố công khai kết luận thanh tra và kiến nghị cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái xem xét, xử lý trách nhiệm theo đúng thẩm quyền về quản lý cán bộ.
Sở hữu của nhà Thứ trưởng Thoa tại Bóng đèn Điện Quang bị che giấu
Tại báo cáo quản trị công ty 6 tháng đầu năm, Bóng đèn Điện Quang bất ngờ che thông tin về tình hình sở hữu của cổ đông nội bộ và người có liên quan.
Cụ thể như trường hợp của ông Hồ Quỳnh Hưng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty có 7 người liên quan, bà Nguyễn Thái Nga – Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc có 5 người liên quan. Nếu không nhờ những báo cáo trước đó thì nhà đầu tư sẽ không thể nào biết được mối quan hệ của các cá nhân được đề cập trong báo cáo lần này.
Ông Hưng và bà Nga đều có chung người liên quan là bà Hồ Thị Kim Thoa, từng là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Bóng đèn Điện Quang. Hiện bà Thoa đã về công tác tại Bộ Công Thương và đảm nhiệm chức vụ Thứ trưởng. Bà Hồ Thị Kim Thoa là chị ruột của ông Hồ Quỳnh Hưng và là mẹ ruột của bà Nguyễn Thái Nga.
Sau khi thông tin trên được Dân Trí phản ánh, Bóng đèn Điện Quang đã lập tức có văn bản giải trình với Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HSX) và bổ sung thông tin thiếu.
Theo đó, tại văn bản do ông Hồ Quỳnh Hưng ký trình cơ quan chức năng, Bóng đèn Điện Quang cho biết, trong báo cáo tình hình quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2017 của doanh nghiệp này, “vì lý do kỹ thuật nên thông tin bị xóa nhầm hơn so với thường lệ”.
Trong một diễn biến liên quan, Bóng đèn Điện Quang cũng đã công bố báo cáo tài chính quý II và nửa đầu 2017. Với doanh thu giảm, chi phí tăng cao, đồng thời doanh thu tài chính từ khách hàng Cuba không còn đã khiến lợi nhuận nửa đầu năm 2017 của Bóng đèn Điện Quang sụt giảm mạnh, chỉ còn đạt hơn 61 tỷ đồng, chưa bằng phân nửa cùng kỳ 2016.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm, Bóng đèn Điện Quang đạt 418,3 tỷ đồng doanh thu thuần; 61,7 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất trước thuế và 50,4 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất sau thuế, lần lượt giảm 6,6%; 53,5% và 52,8% so với cùng kỳ.
3 tỷ USD mua nhà ở Mỹ: Người giàu ra đi?
Xung quanh chuyện người Việt móc hầu bao hơn 3 tỷ USD để mua địa ốc tại Mỹ, Việt Nam đã đứng thứ 6 trong năm 2016 và liên tục nằm trong top 10 các quốc gia có công dân mua nhà tại Mỹ, theo công bố của Hiệp hội Quốc gia chuyên viên địa ốc Mỹ.
Nhưng con số 3,06 tỷ USD để mua nhà trong một năm, đó là chỉ riêng ở Mỹ, chưa tính các quốc gia phát triển khác ở châu Âu, Bắc Mỹ hay châu Úc... Đó thực sự là con số lớn nếu so với con số 5,7 tỷ USD của bà con kiều bào đang đầu tư về Việt Nam qua gần 3.200 dự án từ trước đến nay (theo số liệu của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài).
Dư luận đặt câu hỏi phải chăng đây chỉ là kênh đầu tư đơn thuần hay một sự dịch chuyển khối tài sản của giới nhà giàu Việt đã và đang chuyển những giá trị của mình ra khỏi đất nước. Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, đã đến lúc cần chú ý về những cơn sóng ngầm di cư tài sản của những người giàu Việt.
Ông Tuấn cho rằng, những người giàu ra đi thực sự là điều cần quan tâm. Việt Nam cần phải là đất nước để ai cũng muốn gắn bó trọn đời, yên tâm trao gửi sự nghiệp cho nhiều đời sau.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, hiện chưa biết được những ai đem tiền đi, nhưng quan sát đó là 1 số doanh nghiệp (DN), doanh nhân rũ áo ra đi, nhiều doanh nhân thành đạt đã bán cho nước ngoài sản nghiệp của họ. Đấy là điều đáng tiếc bởi họ không chỉ mang tiền mà còn là cả kinh nghiệm, kỹ năng, ý tưởng.... đó là "vốn vô cùng lớn" của đất nước. Sự chảy máu trên không chỉ vì tiền mà còn chất xám, vượt trên cả giá trị tiền tệ, nó cho thấy các DN tư nhân, những ý tưởng tại Việt Nam, thực tế đang rất khốn khó.
Một số chuyên gia kinh tế, pháp lý khác thì cho rằng, việc người Việt bỏ 3 tỷ USD mua nhà ở Mỹ cũng bình thường như người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Lo ngại ở đây là đồng tiền đó bất hợp pháp hay không bất hợp pháp, dòng tiền chuyển đi như thế nào.
Hà Nội ban lệnh cấm dịch vụ đi chung của Uber, Grab
Trong nội dung công văn số 3619/UBND-ĐT, ban hành ngày 25/7, UBND thành phố Hà Nội đã cho ý kiến về dịch vụ đi chung xe đối với xe hợp đồng (GrabShare và UberPOOL).
Theo đó, do hiện nay chưa có quy định quản lý đối với dịch vụ đi chung xe đối với xe hợp đồng (Uber, Grab), để đảm bảo an toàn, bảo vệ quyền lợi của hành khách và công tác quản lý của cơ quan nhà nước, UBND Hà Nội đã có văn bản yêu cầu tạm thời chưa áp dụng dịch vụ đi chung xe trên địa bàn thành phố cho đến khi Bộ Giao thông Vận tải có quy định cụ thể.
Trước đó, tại văn bản gửi lên một loạt bộ ngành, Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, có nhiều công ty nước ngoài xuất hiện tại Việt Nam thời gian gần đây đang “lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật, sử dụng nguồn vốn lớn để thao túng thị trường”. Điều này buộc Nhà nước phải có các công cụ để kiểm soát và điều tiết thị trường nhằm đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, minh bạch và công bằng.
Lo ngại Uber, Grab khuyến mại quanh năm, hiệp hội này cũng đặt ra những câu hỏi: Grab, Uber khi thành lập doanh nghiệp có vốn điều lệ rất thấp (Grab Việt Nam 20 tỷ đồng, Uber 4,12 tỷ đồng) trong khi mỗi năm họ dành hàng trăm tỷ đồng cho quảng cáo thì pháp luật có quy định điều này không? Liệu như vậy có để nhằm mục đích lách các khoản thuế sẽ phải nộp không?
Bích Diệp (tổng hợp)