1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Nhẽ ra đã có thể bán cổ phần Vinamilk cao hơn 20% giá thị trường?

(Dân trí) - Theo VAFI, việc thoái vốn lô lớn cổ phần nhà nước tại nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa không thể trông chờ vào các nhà đầu tư tài chính mà phải dựa vào các nhà đầu tư chiến lược, giá khởi điểm có thể cao hơn 20% giá thị trường


Đợt chào bán cổ phần VNM đợt 1 do SCIC nắm giữ cao hơn giá thị trường 7%

Đợt chào bán cổ phần VNM đợt 1 do SCIC nắm giữ cao hơn giá thị trường 7%

Như đã đưa tin, ngày 12/12, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã hoàn tất phiên đấu giá bán 9% vốn điều lệ tại Vinamilk với kết quả chỉ có 2 tổ chức mua 5,4% (thực chất chỉ là một tổ chức mua với mong muốn là nhà đầu tư chiến lược), còn lại 3,6% vốn điều lệ của Vinamilk là chưa bán hết, hay “không có người mua”.

Theo đánh giá của Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI), phiên đấu giá này đã không đạt mục tiêu ban đầu mà Bộ Tài chính và SCIC đặt ra, đó là bán lẻ rồi tiếp tục chia nhỏ lô cổ phiếu để mong muốn tạo sự công bằng cho nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế có cơ hội tham gia mua cổ phần tại Vinamilk.

Với mức giá khởi điểm 144.000 đồng/cổ phần, cao hơn giá thị trường khoảng 7%, VAFI cho rằng, "chẳng có nhà đầu tư chứng khoán nào dại dột lại đi mua cổ phiếu VNM cao hơn so với giá trên sàn".

Tuy nhiên, theo VAFI, nếu vẫn đặt mục tiêu những lần tiếp theo là bán cổ phần tại VNM cho nhiều nhà đầu tư tài chính và theo giá thị trường, không theo giá cố định như trước thì thị trường cũng sẽ không thể hấp thụ được lượng cung khổng lồ là 4 tỷ USD. Bên cạnh đó, giá cổ phiếu VNM sẽ lao dốc vài chục %, từ đó làm cho thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục "đỏ lửa".

Với những phân tích trên, VAFI đánh giá, "sau này việc thoái vốn lô lớn cổ phần Nhà nước tại nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa không thể trông chờ vào các nhà đầu tư tài chính mà phải dựa vào các nhà đầu tư chiến lược trong nước và nước ngoài".

Cũng theo VAFI, trong đợt chào bán đợt 1 cổ phiếu VNM do SCIC nắm giữ, cách thức tổ chức đấu giá quá nhanh, thủ tục tham gia phức tạp và thiếu công khai minh bạch trong tiến trình chuẩn bị tổ chức đấu giá đã làm cho nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu VNM có tâm lý hoang mang lo lắng, dẫn tới làn sóng bán tháo cổ phiếu VNM đồng thời cũng ảnh hưởng tới tâm lý cả thị trường chứng khoán.

Tuy vậy, trong đợt đấu giá này cũng có cái may là “còn lại 3,6% vốn cổ phần Nhà nước bị ế”, tỷ lệ cổ phần ế này cộng với tỷ lệ chưa bán 36% sẽ làm cho lô cổ phần gần 40% còn lại trở lên hấp dẫn hơn nếu nhà nước bán trọn lô này cho các nhà đầu tư chiến lược.

Qua đây VAFI cũng kiến nghị SCIC và Bộ Tài chính không trình Chính phủ phương án bán nốt 3,6% vốn Vinamilk, vì nếu làm như vậy thì việc bán lô 36% vốn sẽ bị giảm giá mạnh.

"VAFI mong rằng SCIC và Bộ Tài chính cần cầu thị để vì mục tiêu thu tối đa tiền bán cổ phần cho ngân sách nhà nước", văn bản của VAFI nêu.

Từ đợt chào bán vừa qua, VAFI cho rằng, kinh nghiệm cho những lần đấu giá cổ phần Nhà nước tiếp theo không nên tổ chức bán lẻ vì nếu làm như vậy thì ngân sách Nhà nước sẽ thất thu và việc bán cổ phần sẽ trở nên rất khó khăn hoặc không bán được.

Trong trường hợp bán lô lớn cho các nhà đầu tư chiến lược trong nước và nước ngoài tại các doanh nghiệp lớn, phải tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận thông tin đầy đủ, đi thăm doanh nghiệp và có thời gian tiếp xúc với ban quản lý doanh nghiệp. Phải dành thời gian khoảng 6 tháng cho nhà đầu tư chuẩn bị phương án đấu giá kể từ thời điểm công bố thông tin.

Bên cạnh đó, hiệp hội này cũng khuyến nghị rằng, vì là bán tài sản nhà nước, dễ bị các nhóm lợi ích chi phối nên cần phải qui định công khai minh bạch chi tiết phương thức đấu giá, lộ trình đấu giá cho nhà đầu tư biết, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư tìm hiều kỹ lưỡng, không vội vàng tổ chức đấu giá. Nhà nước có thể ấn định giá khởi điểm cao hơn giá thị trường từ 20% trở lên khi tổ chức bán cho các nhà đầu tư chiến lược - đây có lẽ là qui luật của thị trường chứng khoán, theo VAFI.

Bích Diệp