1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Nhập khẩu rau quả từ Úc tăng đột biến

(Dân trí) - Trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập khẩu gần 20 triệu USD rau quả từ Úc, gấp hơn 4 lần so với hơn 4 triệu USD cùng kỳ năm ngoái.

Người tiêu dùng trong nước đã khá quen thuộc với các mặt hàng hoa quả nhập khẩu từ Úc.
Người tiêu dùng trong nước đã khá quen thuộc với các mặt hàng hoa quả nhập khẩu từ Úc.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2016, kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Úc đạt hơn 2,4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Úc đạt 1,3 tỷ USD, giảm 17%, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Úc đạt 1,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2015.

Thời gian vừa qua, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Úc liên tục tăng mạnh chủ yếu do Việt Nam chuyển hướng nhập khẩu một số mặt hàng phục vụ cho sản xuất từ các nước khác sang Úc như bông các loại tăng 319,7%, than đá tăng 160,8% (mặt hàng than sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới khi các biên bản ghi nhớ (MOU) và các hợp đồng ký giữa các tập đoàn của hai nước đi vào thực thi bắt đầu từ năm nay), quặng và khoáng sản tăng 88,8%, kim loại thường khác tăng 41,7%...

Tuy nhiên, con số nhập khẩu tăng "ấn tượng" nhất là mặt hàng rau quả đạt hơn 19,8 triệu USD, tăng hơn 322% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, xuất khẩu sang Úc 6 tháng đầu năm có phần ảm đảm hơn. Một số mặt hàng như dầu thô sau khi sụt giảm gần 1,3 tỷ năm 2015 so với 2014, tiếp tục giảm gần 330 triệu USD (-76,5%) so với cùng kỳ năm 2015 kéo theo tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Úc tiếp tục giảm mạnh.

Nếu không tính dầu thô, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng phi dầu thô tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, một số mặt hàng có mức tăng trưởng khá tốt như máy ảnh, máy quay phim tăng 481,6%, các sản phẩm từ sắt thép tăng 145%, nguyên vật liệu dệt may, da giày tăng 91,4%…

Riêng mặt hàng thuỷ sản, mới đây, Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm Úc – New Zealand đã phân loại thực phẩm nhập khẩu vào Úc theo nhóm sản phẩm, bao gồm nhóm sản phẩm rủi ro và nhóm sản phẩm giám sát, đồng thời ban hành chế độ kiểm tra nhập khẩu tương ứng theo từng nhóm.

Đối với các cơ sở chế biến thuỷ sản Việt Nam có lô hàng bị cảnh báo và đã có các biện pháp khắc phục và được Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản (Nafiqad) thẩm tra phù hợp, thì theo phía Úc, việc dỡ bỏ chế độ kiểm tra tăng cường đối với các lô hàng thuỷ sản của các doanh nghiệp này hoàn toàn phụ thuộc vào kết quả kiểm tra nhập khẩu đối với các lô hàng tiếp theo của doanh nghiệp.

Phương Dung