1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Người bán thịt heo trúng số 92 tỷ đồng và nỗi lo phá sản của nước mắm truyền thống

(Dân trí) - Trong tuần qua, chỉ một bản kết quả khảo sát nước mắm của Vinastas được tung ra nhưng đã "gây bão" dư luận, ai cũng không khỏi hoang mang khi 67% sản phẩm nước mắm có chứa hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng. Nước mắm truyền thống lo phá sản. Trong khi đó, một gia đình ở Trà Vinh lại sống trong tâm trạng vừa vui mừng vừa thấp thỏm lo âu vì...trúng số 92 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong một tuần tràn ngập thông tin vừa qua, những vấn đề mang tính vĩ mô qua trọng cũng thu hút sự quan tâm của độc giả, như vấn đề xử lý trách nhiệm vụ thủy điện xả lũ, vấn đề thoái vốn Nhà nước khỏi Vinamilk hay việc Chính phủ dự kiến huy động nguồn lực hơn 10,5 triệu tỷ đồng để tái cơ cấu nền kinh tế...

Người bán thịt heo trúng số 92 tỷ đồng và nỗi lo phá sản của nước mắm truyền thống - 1

Bão dư luận quanh vụ "nước mắm arsen"

Nổi bật trong tuần qua là việc ngày 17/10, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) tung ra thông tin về việc trên 100 mẫu nước mắm được khảo sát (chiếm 67,33%) không đạt quy định về hàm lượng Arsen tổng (thạch tín) cho phép có trong sản phẩm nước chấm tối đa là 1.0mg/L. Trong đó, hàm lượng Arsen tổng của các mẫu không đạt theo quy định dao động từ trên 1,0mg/L đến 5 mg/L.

Ngay sau khi thông tin trên được tung ra, dư luận sôi sục nỗi lo "nước mắm chứa arsen (thạch tín) vượt ngưỡng", nhưng lại không nêu rõ là arsen hữu cơ hay vô cơ. Trong khi, arsen vô cơ là chất cực độc còn arsen hữu cơ vô hại, tồn tại sẵn có trong cá biển.

Thông tin không rõ ràng, thiếu chính xác và thiếu căn cứ của Vinastas bị cho là đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nước mắm truyền thống. Điều đó tác động rất mạnh đến người tiêu dùng khiến các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống xấc bấc xang bang. Thậm chí, có siêu thị đã phải dỡ các sản phẩm nước mắm có nồng độ đạm cao xuống khỏi kệ trưng bày

Sau đó, 5 hiệp hội lớn đã cùng kiến nghị lên Thủ tướng đề nghị chỉ đạo làm rõ "nước mắm arsen". Về phía cơ quan chức năng, Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, đã giao một Thứ trưởng Bộ Công an chỉ đạo kiểm tra, xử lý những lùm xùm liên quan đến sự việc “nước mắm asen” gây bức xúc dư luận suốt thời gian qua.

Lãnh đạo Bộ công an khẳng định, “tất cả những vi phạm đều bị xử lý, vi phạm hình sự thì xử lý hình sự, vi phạm hành chính thì xử lý hành chính”.

Chiều qua (22/10),Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế để có ngay thông tin chính thức, công khai, rõ ràng, đầy đủ tới nhân dân về loại và hàm lượng arsen an toàn trong sản phẩm nước mắm cũng như các thông tin cần thiết khác liên quan, tránh gây hoang mang trong dư luận.

Đồng thời giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét cụ thể việc chấp hành các quy định pháp luật trong quá trình đưa thông tin trên báo chí của Vinastas, xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có).

Tối cùng ngày, đại diện Bộ Y tế cho biết kết quả kiểm nghiệm 247 mẫu nước mắm cho thấy không phát hiện mẫu nước mắm nào có Asen vô cơ vượt ngưỡng giới hạn tối đa cho phép.

Người bán thịt heo trúng số 92 tỷ đồng và nỗi lo phá sản của nước mắm truyền thống - 2

Người phụ nữ bán thịt heo trúng số 92 tỷ đồng

Kỳ quay số mở thưởng ngày 16/10/2016, Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) đã xác định được 1 vé trúng thưởng đối với giải đặc biệt Mega 6/45 (giải Jackpot) trị giá lên tới hơn 92 tỷ đồng. Dãy số trúng giải là 05-21-31-33-38-42.

người "siêu may mắn" trúng thưởng là ông Nguyễn Quốc Thái ( SN 1958), một người dân ở Trà Vĩnh. Theo tính toán, với Mega 6/45 người chơi chỉ có 1 trong 8.145.060 cơ hội để trúng 12 tỷ đồng. Nhiều người cho rằng khả năng bị sét đánh trúng (theo thống kê của Mỹ trong những năm gần đây là 1/960.000 người) còn cao hơn là trúng giải Mega Millions!

Một diễn biến phát sinh đó là, sau đó có facebooker đã chụp được màn hình đăng bản tin "Đã có khách trúng thưởng giải Jackpot" trên wesite Vietlott nhưng đăng lúc 12h00’ ngày 16/10. Trong khi đó, kỳ quay thưởng lần thứ 39 có giải Jackpot được được công bố bắt đầu lúc 18h và kết thúc 18h30 ngày 16/10.

Giải thích cho nghi vấn không minh bạch nói trên, ông Nguyễn Thanh Đạm, Phó Tổng giám đốc công ty xổ số cho biết: "Đúng là có sự sai lệch thời gian như vậy nhưng sau khi kiểm tra lại, đây chỉ lỗi của hệ thống quản trị kỹ thuật của cổng thông tin điện tử".

Tái khởi động "siêu đô thị" ven sông Hồng sau... 22 năm "trên giấy"

Sau 22 năm đề xuất, qua tay từ nhà đầu tư Singapore đến Hàn Quốc song dự án Trấn Sông Hồng (Song Hong City) vẫn mới chỉ nằm trên giấy. Đến nay, Hà Nội quyết định tái khởi động dự án này, dự kiến trở thành trục không gian chính của Hà Nội với những cao ốc tài chính quốc tế, chung cư cao cấp, công viên đô thị ở ven bờ sông.

Trước đó, dự án Trấn Sông Hồng được nhà đầu tư Singapore đề xuất xây dựng tại một mảnh đất ngoài đê khu vực An Dương từ năm 1994. Tuy nhiên do chưa đạt được đồng thuận trong vấn đề trị thủy nên dự án đã phải dừng lại. Sau đó, Hà Nội đã phối hợp với Thủ đô Seoul của Hàn Quốc thực hiện quy hoạch "thành phố ven sông Hồng".

Đồ án đã được các chuyên gia Hàn Quốc và Việt Nam lập trong phạm vi 4.200 ha đất và mặt nước, trải dài 40 km sông Hồng đoạn qua Hà Nội. Dự kiến, vốn đầu tư dự án trên 7 tỷ USD và phải di dời 39.000 hộ dân.

Thủ tướng yêu cầu xác định cụ thể trách nhiệm đền bù thiệt hại vụ thủy điện xả lũ

Tình trạng mưa lớn trên diện rộng trong hơn 1 tuần qua đã làm ngập lụt nghiêm trọng, thiệt hại nặng về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước tại các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế. Chính quyền một số địa phương và dư luận cho rằng có nhà máy thủy điện xả lũ không báo trước gây bị động cho công tác ứng phó, thiệt hại cho nhân dân.

Trong văn bản chỉ đạo gửi các cơ quan chức năng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu phối hợp với địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra việc vận hành xả lũ của các hồ chứa thủy điện trong đợt mưa lũ vừa qua (trong đó có việc xả lũ của hồ thủy điện Hố Hô trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh).

Thủ tướng cũng yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, xác định cụ thể trách nhiệm đền bù thiệt hại, đề xuất phương án khắc phục, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/10/2016.

Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV bắt đầu khai mạc từ ngày 20/10
Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV bắt đầu khai mạc từ ngày 20/10

Huy động trong dân 6 triệu tỷ đồng để tái cơ cấu kinh tế?

Theo tờ trình của Chính phủ, nguồn lực cần thiết để thực hiện Đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 là hơn 10,5 triệu tỷ đồng. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự kiến ngân sách Nhà nước chỉ “gánh” 1/3, còn lại khoảng 6 triệu tỷ đồng sẽ huy động trong dân - từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

1/3 trong số hơn 10,5 triệu tỷ nói trên sẽ được lồng ghép trong chương trình kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020. 2 triệu tỷ đầu tư công trong kế hoạch này nằm trong nguồn lực để tái cơ cấu nền kinh tế.

Ông Dũng cho rằng, cần phải tạo môi trường thuận lợi, minh bạch, thông thoáng để người dân sẵn sàng bỏ tiền ra đầu tư một cách an toàn, hiệu quả.

Bán hết vốn Nhà nước tại Vinamilk sẽ có ngay tiền làm cao tốc Bắc - Nam?

Cho rằng với việc chia phần vốn Nhà nước tại Vinamilk để bán thành nhiều đợt sẽ khiến Nhà nước thiệt 1 tỷ USD, VAFI cũng đưa ra nhận định, việc bán trọn lô 45% vốn Vinamilk sẽ giúp ngân sách có “tiền tươi” ngay đầu 2017 để làm đường cao tốc Bắc - Nam.

Tuy nhiên, theo khẳng định của đại diện Bộ Tài chính, việc thực hiện bán ra cổ phần của Nhà nước tại Vinamilk phải thực hiện theo lộ trình đã được Thủ tướng chỉ đạo (bán 9-10% vốn).

Với quy mô vốn lớn như Vinamilk, việc bán trọn lô có thể sẽ khiến thị trường "chao đảo" do quy mô thị trường nhỏ, nhà đầu tư lại rất nhạy cảm với thông tin.

Những gì "nhiêu khê" cản trở xã hội sẽ không có đất sống

“Đã đến lúc, chúng ta phải ‘cởi trói’ cho doanh nghiệp. Nếu chúng ta không gỡ bỏ những thủ tục phiền hà, cải cách thể chế thì chúng ta đang cản trở sự phát triển của xã hội” - đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh với các thành viên trong tổ soạn thảo sửa đổi Thông tư 07, nhằm đưa ra các giải pháp gỡ khó trong thủ tục dán nhãn năng lượng.

Ông cũng giao cho các đơn vị chức năng cần phải rà soát ngay các mặt hàng nằm trong diện điều chỉnh, thủ tục, quy định hay khâu triển khai nào còn bị phàn nàn nhiều, gây khó khăn tốn kém cho doanh nghiệp… phải đề xuất sửa ngay.

“Cần thiết thì bãi bỏ. Chính phủ kiến tạo rồi những gì gọi là nhiêu khê cản trở xã hội sẽ không có đất để sống” - người đứng đầu Bộ Công Thương nhìn nhận.

Bích Diệp