1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nghịch lý: 54 triệu lao động Việt chủ yếu làm “công việc đơn giản”

(Dân trí) - Việt Nam có tỷ lệ rất thấp lao động có bằng cấp, chứng chỉ, 54 triệu lao động chủ yếu làm công việc đơn giản, không cần trình độ, chuyên môn và có khoảng 30% lao động không đáp ứng yêu cầu chuyên môn.

Việt Nam có tỷ lệ rất thấp lao động có bằng cấp, chứng chỉ, 54 triệu lao động chủ yếu làm công việc đơn giản, không cần trình độ, chuyên môn.
Việt Nam có tỷ lệ rất thấp lao động có bằng cấp, chứng chỉ, 54 triệu lao động chủ yếu làm công việc đơn giản, không cần trình độ, chuyên môn.

Không còn lợi thế mạnh so với Thái Lan, Philippines, Indonesia

Phát biểu tại Hội thảo về nguồn nhân lực cho phát triển ngành công nghiệp sáng 27/3, ông Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhìn nhận: “Đây là thời kỳ có rất nhiều thay đổi. Năm 2015, Việt Nam tham gia AEC, lao động di chuyển sẽ dễ dàng hơn khiến thị trường cạnh tranh hơn. Trong khi đó, Việt Nam không còn lợi thế mạnh về lao động so với Thái Lan, Philippines hay Indonesia”.

Ông Nguyễn Bá Ngọc - một diễn giả từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thẳng thắn: “Nhận xét của các chuyên gia Nhật Bản rằng, Việt Nam tuy có nhiều loại hình đào tạo nhưng vẫn thiếu sáng tạo, thiếu năng lực giải quyết vấn đề…là rất đúng. Đó là một nguyên nhân khiến năng suất lao động của Việt Nam thua xa Nhật, chỉ bằng 1/15 Singapore”.

Theo ông Ngọc, điểm đáng lưu ý, Việt Nam có tỷ lệ rất thấp lao động có bằng cấp, chứng chỉ, 54 triệu lao động chủ yếu làm công việc đơn giản, không cần trình độ, chuyên môn và có khoảng 30% lao động không đáp ứng yêu cầu chuyên môn.

Còn theo ông Đỗ Văn Giang, Phó vụ trưởng Vụ dạy nghề chính quy, Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), Việt Nam hiện đứng thứ 3 trong ASEAN về tỷ lệ lực lượng lao động nhưng tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp nên thiếu lao động có tay nghề cao, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường.

"Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề năm 2015 đạt 38,5%, không đạt mục tiêu là 40%. Tuy nhiều ngành nghề vừa qua đạt kết quả tuyển sinh cao nhưng có nhiều nghề tuyển sinh được rất ít và chậm, thậm chí không tuyển sinh được như những nghề thuộc lĩnh vực mỏ, ngành nghề độc hại, công nghệ mạ, chế tạo khuôn đúc, một số nghề nguy hiểm như khoan nổ, mìn, rèn, đập, hoá nhuộm...", ông Giang cho biết.

"Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn: những năm tới đối mặt vấn đề già hoá dân số, cạnh tranh về nhân lực chất lượng cao tăng lên; năng suất lao động và chất lượng việc làm còn thấp; cơ cấu nhân lực lao động nhiều bất cập lớn và có nguy cơ ngày càng gia tăng bất cập; quản lý lao động lỏng lẻo...trong khi với AEC, hội nhập, di chuyển lao động trong nội khối sẽ tạo lên môi trường cạnh tranh", ông Giang cảnh báo.

Hàng loạt yếu kém trong đào tạo nghề

Ông Đỗ Văn Giang, Phó vụ trưởng Vụ dạy nghề chính quy, Tổng cục Dạy nghề cho rằng, hiện nay, việc phân bổ mạng lưới dạy nghề chưa hợp lý. Cơ chế, chính sách cho thành lâp và hoạt động của các trường ngoài công lập chưa đủ mạnh.

"Chất lượng đào tạo nghề, tuy vậy, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Vẫn mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề đào tạo, giữa các vùng miền mà chưa khắc phục được. Đáng buồn nhất là ý thức xã hội, cha mẹ và bản thân học sinh không muốn học nghề", ông Giang nói.

Ông Giang cũng nêu lên một loạt vấn đề yếu kém trong đào tạo nghề hiện nay: cơ chế chính sách uản lý, phát triển dạy nghề chưa đồng bộ; giáo viên thiếu, yếu về chất lượng, cơ sở vật chất dạy nghề lạc hậu; chưa thiết lập được mối liên hệ chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và cơ sở dạy nghề. Hệ thống thông tin thị trường lao động không khớp với nhu cầu của doanh nghiệp, người học và cơ sở đào tạo…

"Cung cầu lao động đang mất cân bằng: tỷ lệ thất nghiệp lớn, tỷ lệ lao động khu vực phi chính thức lớn, chất lượng lao động hạn chế, chất lượng việc làm thấp...", ông Giang nêu.

Tại hội thảo, các diễn giả cũng chỉ ra rằng, trong thời gian qua, ngay cả việc cử lao động sang nước ngoài nhằm nâng cao năng lực của lực lượng lao động cũng "có vấn đề". Như với chương trình cử tu nghiệp sinh sang Nhật Bản, tính đến năm 2015, Việt Nam có 200 nghìn thực tập sinh sang nước này để học hỏi thêm kỹ năng, kiến thức. Tuy nhiên, nhiều thực tập sinh kỹ thuật khi trở về Việt Nam lại không có cơ hội tận dụng khả năng đào tạo ở Nhật Bản, không phát huy được hiệu quả và đóng góp cho đất nước.

Ông Vũ Trường Giang, Cục Quản lý Lao động nước ngoài nói: “Đây là chương trình chuyển giao công nghệ qua quá trình làm việc tại doanh nghiệp Nhật Bản. Tuy nhiên, vấn đề là về Việt Nam có sử dụng được không? Chúng tôi cũng nhắc doanh nghiệp cho tu nghiệp sinh đi phải tạo việc làm cho họ khi về nước nhưng thực tế không hẳn như thế”.

Theo ông Giang: "Nhiều tu nghiệp sinh khi quay về được giới thiệu cho các xí nghiệp, nhà máy của Nhật Bản ở Việt Nam (hiện có 1000 doanh nghiệp) nhưng tỷ lệ tham gia cũng không nhiều. Vấn đề còn là doanh nghiệp Nhật Bản sẽ sử dụng thế nào? Sau 3 năm, lao động có trình độ tay nghề cấp 3 ở Nhật Bản nhưng có được làm đúng nghề khi về nước không? Doanh nghiệp Nhật họ cũng phải thay đổi chế độ đãi ngộ, khác đi với lao động đào tạo sơ sơ trong nước".

Phương Dung

Nghịch lý: 54 triệu lao động Việt chủ yếu làm “công việc đơn giản” - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm