“Năng suất lao động là thách thức của Việt Nam”
Mức tăng năng suất lao động của Việt Nam chưa đến 4% và đang có xu hướng giảm...
Phát biểu tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam sáng 5/12, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Victoria Kwakwa đã hơn một lần chúc mừng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - người cũng đang có mặt tại Diễn đàn - vì những tiến bộ mà Chính phủ Việt Nam đã liên tục đạt được trong 5 năm qua.
Lời chúc mừng từ đại diện WB còn dành cho cả những cam kết ngày càng mạnh mẽ của Thủ tướng để tiến hành cải cách.
Theo đánh giá của WB, 5 năm qua Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt gần 6%, trong khi các nước trong khu vực đạt 5,6%, làm cho quy mô nền kinh tế tăng gần gấp đôi, hiện nay đạt khoảng 200 tỷ USD.
Thu nhập bình quân đầu người tăng 4,8% hàng năm, hiện nay ước đạt khoảng 2.200 USD.
Năng suất lao động
Gợi ý một số lĩnh vực ưu tiên trong 5 năm tới, bà Kwakwa cho rằng năng suất lao động là một thách thức, khi mức tăng năng suất lao động của Việt Nam chưa đến 4% và đang có xu hướng giảm.
Trong khi đó, mức tăng năng suất lao động tại Trung Quốc là trên 7%, tại Hàn Quốc là trên 5%, vào thời điểm có cùng trình độ phát triển như Việt Nam hiện nay.
Tốc độ tăng năng suất lao động hiện nay sẽ không đảm bảo tăng trưởng nhanh và bền vững đủ mức để từ đó Việt Nam có thể đi theo quỹ đạo như các nước Hàn Quốc hay Đài Loan, Giám đốc WB Việt Nam nhấn mạnh.
Để đối phó với tình trạng nói trên, điều Việt Nam cần làm, theo bà Kwakwa, là tạo ra một khuôn khổ cho một sân chơi bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, khuyến khích cạnh tranh thực chất và bảo vệ quyền sở hữu tài sản.
Nhưng để đạt được mục tiêu này thì chương trình nghị sự cải cách thể chế thị trường cẩn phải được đẩy mạnh đáng kể. Ngoài ra cần thực hiện tiếp cận đất và vốn dựa trên thị trường hơn nữa và cần tạo điều kiện hình thành và vận hành trôi chảy cho một thị trường đất đai.
Vấn đề nữa không kém quan trọng được WB đề cập là thay đổi vai trò của Nhà nước, từ một nhà sản xuất sang vai trò kiến tạo và quản lý. Chính phủ cần phải rút khỏi các lĩnh vực không cần thiết tham gia, nhằm tạo khoảng trống cho doanh nghiệp tư nhân nhập cuộc.
Xốc lại quyết tâm
Nhận định nền kinh tế và xã hội Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức phức tạp trong những năm tới, đại diện WB cho rằng điều này đòi hỏi Nhà nước phải có năng lực và trách nhiệm giải trình cao hơn.
Vấn đề mấu chốt, theo WB là phải có một bộ máy hành chính công chuyên nghiệp.
Quá trình cải cách hành chính công kéo dài của Việt Nam - theo đại diện WB - chưa đạt được kết quả rõ nét. “Có lẽ cần xem xét lại và xốc lại quyết tâm thì mới có thể thành công được”, bà Kwakwa nói.
WB cũng cho rẳng cần cho phép người dân phản hồi thường xuyên và thực chất trong quá trình hoạch định và theo dõi thực hiện chính sách thì mới giúp tăng cường trách nhiệm giải trình của Chính phủ.
Câu hỏi cuối cùng được bà Kwakwa đặt ra là Việt Nam sẽ lấy nguồn ở đâu để tài trợ cho chương trình phát triển đầy tham vọng trong 5 năm tới? Điều đại diện WB lưu ý là khi các nguồn vốn ưu đãi đã thu hẹp dần, thì Việt Nam sẽ phải dựa vào nguồn thu trong nước là chính.
Trong khi đó thì, tỷ lệ thu ngân sách trên GDP đã thể hiện xu thế giảm trong 5 năm qua, từ 27% xuống còn 21%.
Gợi ý từ WB là tăng cường nguồn thu nội địa, tiết kiệm chi tiêu sẽ là yếu tố quan trọng giúp hoàn thành các mục tiêu phát triển mà không chịu rủi ro mất bền vững nợ.
Theo VNeconomy.vn