“Nếu anh cắt thủ tục này rồi mọc ra cái khác vì quyền lợi thì rất nguy nan”

(Dân trí) - “Mỗi bộ cắt 1/3-1/2 thủ tục, đã dũng cảm cắt bỏ quyền lực của mình để tạo môi trường tốt hơn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều thủ tục rườm rà”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh: “Nếu anh cắt thủ tục này mà lại mọc ra thủ tục khác vì quyền lợi của vụ mình, sở mình... thì là vấn đề nguy nan”.


Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Đề nghị bãi bỏ điều kiện kinh doanh với 20 ngành nghề không cần thiết

Đó là thông tin được Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương chiều 28/12.

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Tư pháp cho biết pháp luật về đầu tư, kinh doanh vẫn còn có một số quy định chồng chéo, chưa đồng bộ, còn thiếu nhất quán, trong đó có các luật liên quan trực tiếp như Luật Cạnh tranh, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường, Bộ luật Lao động.

Đối với các vướng mắc, bất cập của các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, có 7 ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Hiện nay, tổng số các điều kiện đầu tư kinh doanh tương ứng với 243 ngành nghề là khoảng 4.284 yêu cầu, điều kiện.

“Một số điều kiện đầu tư kinh doanh chưa hợp lý đã làm hạn chế cơ hội gia nhập thị trường, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh, năng suất lao động của doanh nghiệp, tạo kẽ hở cho các hành vi nhũng nhiễu”, Bộ trưởng Lê Thành Long nói.

Theo vị này, yêu cầu đặt ra là cần xem xét cắt giảm, vừa bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, vừa đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, nhất là đối với những ngành nghề đặc thù.

Ông Long cũng thừa nhận, thủ tục hành chính hiện vẫn là rào cản lớn đối với các hoạt động đầu tư kinh doanh, chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp.

Thậm chí theo Bộ trưởng Tư pháp, có một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức làm công tác giải quyết thủ tục hành chính năng lực còn hạn chế; còn gây phiền hà, nhũng nhiễu.

“Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định rõ về việc cấm quy định thủ tục hành chính trong thông tư hoặc văn bản quy phạm pháp của địa phương, trừ trường hợp được Luật giao. Tuy nhiên trên thực tế, một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn tình trạng duy trì những quy định không hợp lý, hoặc tự đặt thêm thủ tục”, ông Long nói.

“Cắt thủ tục này mà lại mọc ra thủ tục khác… là nguy nan”

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết đã xác định có 33 luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường, đầu tư, kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành và quy hoạch thuộc phạm vi quản lý của 11 bộ, cơ quan ngang bộ cần sửa đổi, bổ sung.

Đến nay, có 31/33 luật đã được lập đề nghị sửa đổi và được Chính phủ thông qua tại Phiên họp tháng 11 và Phiên họp tháng 12/2017.

Theo Quyết định số 1078/QĐ-TTg, trong năm 2017, các bộ, cơ quan ngang bộ phải trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, hoặc ban hành theo thẩm quyền 19 nghị định, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 14 thông tư nhằm tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư, kinh doanh.

Đến nay, 17/19 nghị định, 1/1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã được trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, 7/14 thông tư đã được ban hành.

Riêng về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho hay: Nhiều bộ, ngành đã chủ động rà soát, lên kế hoạch cải cách điều kiện đầu tư, kinh doanh, theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Cụ thể như Bộ Công Thương đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa khoảng 55,5% tổng số các điều kiện đầu tư kinh doanh. Bộ Xây dựng đã rà soát, đề xuất bãi bỏ 5 ngành, nghề không thuộc Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư; rà soát, dự kiến đề xuất bãi bỏ khoảng 41,3%; đơn giản hóa 43,7%; giữ nguyên 15% tổng số điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất bãi bỏ, sửa đổi theo hướng rút gọn 118 điều kiện (32,4%) trong tổng số khoảng 345 điều kiện, thuộc 33 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã trình Chính phủ xem xét đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, trong đó, tiếp tục đề xuất bãi bỏ 20 ngành, nghề không cần thiết.

Sau khi nghe những con số Bộ trưởng Tư pháp nêu về việc đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư kinh doanh, Thủ tướng đã khen các bộ làm tốt việc này.

“Mỗi bộ cắt 1/3-1/2 thủ tục, đã dũng cảm cắt bỏ quyền lực của mình để tạo môi trường tốt hơn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều thủ tục rườm rà”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh: “Nếu anh cắt thủ tục này mà lại mọc ra thủ tục khác vì quyền lợi của vụ mình, sở mình... thì là vấn đề nguy nan”.

Do vậy theo người đứng đầu Chính phủ cần đặt vấn đề phải kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ được giao để giữ kỷ cương.

“Nhiều việc chúng ta nói mà không triển khai, không chịu làm cho nên trì trệ”, Thủ tướng nói và đề nghị Bộ Nội vụ cũng cần lập tổ công tác để cùng với Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thực hiện công tác này vì “Tổ của anh Dũng làm không xuể, nhiều quá”.

Đồng thời, ở các địa phương, Thủ tướng đề nghị cũng cần có các tổ công tác khi mà “những thông báo kết luận của Chủ tịch, Bí thư đưa ra có làm đâu, có gì có lợi cho sở, cho huyện thì họ làm còn việc liên quan đến dân, đến phong trào quần chúng thì có ai làm đâu. Phải kiểm tra đôn đốc, nêu tên, nêu gương, biểu dương phê bình mạnh mẽ để lời nói đi đôi với việc làm”.

Nguyễn Khánh

“Nếu anh cắt thủ tục này rồi mọc ra cái khác vì quyền lợi thì rất nguy nan” - 2