Lỗ hổng quản lý từ sở hữu tài sản “khủng” của Thứ trưởng Kim Thoa
Đó là nhận định của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh trước sự việc đang được dư luận quan tâm về khối tài sản khủng của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa.
Thưa ông, dư luận đang hết sức quan tâm về việc Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cùng nhiều thành viên trong gia đình lại có tài sản rất lớn ở Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang. Quan điểm của ông về vấn đề này như nào?
- Hiện nay, trong Luật doanh nghiệp, Luật Cán bộ công chức, Luật Phòng chống tham nhũng cũng đã có nhắc tới các quy định như cấp các cán bộ, công chức, nhà quản lý có quan hệ anh em, họ hàng…tham gia vào quản lý doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp tư nhân. Vì nếu một người làm quản lý nhà nước mà doanh nghiệp lại “nằm trong tay” là người ta sợ sẽ tạo ra những biện pháp đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, tập đoàn thân quen. Từ đó tạo ra sự thân hữu, gây sự sai lệch về chính sách, làm cho các hoạt động sản xuất kinh doanh cạnh trạnh không công bằng, bình đẳng.
Ở đây, bản thân bà Hồ Thị Kim Thoa lại là người quản lý doanh nghiệp mà bà Thoa có cổ phần thì xét về nguyên tắc là không ổn. Tuy nhiên, Việt Nam lại chưa có Luật hay sắc lệnh rõ ràng mang tính bắt buộc đối với những người làm kinh tế, tham gia vào quản lý nhà nước, về mặt nguyên tắc phải thoái vốn của doanh nghiệp hoặc không còn là cổ đông chính ở doanh nghiệp nữa. Bởi khi làm quản lý vẫn phải quan tâm tới lĩnh vực doanh nghiệp thì sẽ không thể toàn tâm, toàn ý cho công tác quản lý nhà nước.
Tôi ví dụ như Tổng thống Mỹ Trump hay các thành viên của Tổng thống Trump, khi được bầu cử, trước hết họ đã từ bỏ việc lãnh đạo ở doanh nghiệp họ đang có để toàn tâm, toàn ý cho công việc quản lý mới. Hầu hết các quốc gia người ta đều có những quy định này. Tuy nhiên, ở Việt Nam lại chưa có những quy định rõ ràng về vấn đề này. Tức là có lỗ hỏng Luật pháp, là “kẽ hở” vì họ nói tài sản là có sẵn và hình thành từ trước rồi.
Như ông có nhắc tới việc lên quản lý rồi, bà Hồ Thị Kim Thoa vẫn còn có cổ phần lớn ở Công ty Cổ phần bóng đèn Điện Quang và tiếp tục được phân công quản lý lĩnh vực có doanh nghiệp này liệu có tạo ra cạnh tranh không bình đẳng?
- Cái này thì không thể khẳng định được bà Hồ Thị Kim Thoa có cạnh tranh không bình đẳng hay không. Vấn đề là phải chứng minh được về mặt chỉ đạo, điều hành các chính sách tại Bộ Công Thương, bà Hồ Thị Kim Thoa có ưu ái cho doanh nghiệp Điện Quang hay không? Có nhiều người chỉ nêu các Chương trình sử dụng tiết kiệm điện thì thực ra các chương trình này là rất tốt cho nền kinh tế, nếu có những văn bản, chính sách thể hiện bà Hồ Thị Kim Thao có sự ưu ái cho Điện Quang thì mới khẳng định được là tạo ra cạnh tranh không lành mạnh.
Tuy nhiên, bà Hồ Thị Kim Thoa rõ ràng là nhà quản lý nhưng lại là cổ đông lớn, có tài sản lớn ở Điện Quang thì theo tôi là không chấp nhận được. Bởi khi đó dư luận hoàn toàn có thể đặt ra những nghi ngờ liệu vừa làm quản lý vừa có doanh nghiệp “thân quen” có tạo ra nhóm lợi ích hay không? Việc có doanh nghiệp “sân sau” có xảy ra việc khi triển khai các chính sách quản lý có tạo ra sự cạnh tranh không công bằng, bình đẳng cho các doanh nghiệp cùng lĩnh vực hay không?
Như cách gọi của ông là chúng ta đang có “kẽ hở” pháp luật về vấn đề này thì có cần phải bổ sung quy định để lấp “kẽ hở” trong thời gian tới không?
- Tôi cho rằng, trước mắt cần phải thực hiện đầy đủ chính sách luật pháp về mặt công chức, viên chức. Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, khâu tuyển dụng cán bộ, công chức ở Bộ Công Thương cũng có rất nhiều vấn đề. Cho tới khâu bổ nhiệm, đề bạt cán bộ ở bộ này cũng cần phải xem xét lại cẩn trọng. Rõ ràng, về quy định không cho công chức nắm cổ phần chính, nắm vị trí quan trọng hay phần vốn lớn trong một doanh nghiệp nào đó.
Mặt khác, trong đề bạt, bổ nhiệm nếu bà Hồ Thị Kim Thoa không kê khai rõ ràng, chuẩn xác tài sản thì cần xem xét lại. Tuy nhiên, Bộ Công Thương đã khẳng định tài sản của bà Thoa đã kê khai rõ ràng và hình thành trước khi được bổ nhiệm Thứ trưởng thì việc sai xót thuộc về người bổ nhiệm. Bởi bà Thoa khi đó có cổ phần lớn ở một doanh nghiệp thuộc lĩnh vực đó lại được bổ nhiệm. Do đó, cần phải thẩm định rõ hơn và tiến tới phải có quy định rõ ràng hơn để bổ nhiệm lãnh đạo theo năng lực, nhu cầu, tài năng của lĩnh vực quản lý.
Thực tế, những người đang làm quản lý trong lĩnh vực doanh nghiệp thực sự họ là những người tài giỏi nên cần phải bổ nhiệm và sử dụng cho mục đích quản lý kinh tế, quản lý xã hội, đem lại sự giàu có cho nền kinh tế. Tuy nhiên, khi sử dụng những nhà quản lý doanh nghiệp này phải có quy định yêu cầu thoái trách nhiệm và phần vốn tài sản đang có để họ không còn bận tâm tới lĩnh vực doanh nghiệp, từ đó sẽ toàn tâm, toàn ý cho lĩnh vực quản lý, đóng góp cho đất nước. Đặc biệt, phải có quy định không để họ có can thiệp tới lĩnh vực của doanh nghiệp, gây ra những nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh.
Xin cảm ơn ông!
Trên website của Bộ Công Thương có nêu rõ, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa hiện tại được phân công lĩnh vực quản lý giúp Bộ trưởng: Chỉ đạo công tác tài chính, giá cả, phát triển thị trường trong nước, thương mại biên giới, miền núi và hải đảo, thương mại điện tử.
Thay mặt Bộ, chỉ đạo thực hiện quản lý nhà nước đối với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam. Phụ trách công tác thanh niên, đoàn thể. Thay mặt Bộ chỉ đạo ngành Công Thương các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hoà Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu.
Trực tiếp chỉ đạo các đơn vị: Vụ Tài chính, Vụ Thị trường trong nước, Vụ Thương mại biên giới và Miền núi, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin. Tổ trưởng Tổ điều hành thị trường trong nước. Chủ tịch các hội đồng, trưởng các ban chỉ đạo khác theo các lĩnh vực có liên quan. Đảm nhận một số nhiệm vụ khác theo sự phân công của Bộ trưởng.
Theo Thanh Xuân
Dân Việt