1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Nữ Thứ trưởng sở hữu tài sản “khủng” ở Điện Quang có phạm luật?

Trong suốt những ngày qua việc Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cùng gia đình sở hữu tài sản “khủng” ở Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang (DQC) thu hút sự quan tâm của dư luận.Trao đổi với Dân Việt, các chuyên gia kinh tế và luật sư đã có nhiều góc nhìn khác nhau về sự việc này.


Bà Hồ Thị Kim Thoa

Bà Hồ Thị Kim Thoa

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng: “Trước hết, UBKT Trung ương cần phải tiếp tục vào cuộc để kiểm tra và làm rõ nguồn gốc tài sản của bà Hồ Thị Kim Thoa xem nguồn gốc từ khi tiến hành cổ phần hóa cũng như trong quá trình quản lý các lĩnh vực có liên quan tới tới DQC của bà Thoa. Đồng thời, cần làm rõ khi cổ phần hóa tại sao bà Thoa và gia đình lại có nhiều cổ phần DQC đến thế, có hiện tượng mua gom cổ phiếu, vơ vét cổ phiếu DQC hay không? Khi có đẩy đủ thông tin thì mới làm rõ được việc bà Thoa có vi phạm luật hay không?”.

Trao đổi với Dân Việt, ông Thang Văn Phúc – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ thì cho biết: Theo quy định của Luật Cán bộ Công chức cũng có quy định những việc cán bộ, công chức không được làm, trong đó có việc thành lập công ty để kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều quy định cũng chưa cụ thể, rõ ràng vì như bà Thoa lại không phải là thành lập công ty để kinh doanh mà chỉ có cổ phần trong doanh nghiệp đã hình thành từ trước.

Liên quan tới lĩnh vực kinh tế, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) phân tích, DQC là doanh nghiệp niêm yết nhưng cần phải xem lại thời điểm tiến hành cổ phần hóa có đúng các quy định công khai, minh bạch không? Đặc biệt, việc bổ nhiệm một nhà quản lý từ lãnh đạo doanh nghiệp nhưng ở thời điểm đó vẫn giao cho bà Thoa quản lý đúng lĩnh vực công nghiệp nhẹ gồm cả DQC là không hợp lý. Đây chính là “lỗ hỏng” của pháp luật. Tại sao, khi bà Hồ Thị Kim Thoa được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công Thương, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết là có kê khai tài sản đầy đủ nhưng lại không yêu cầu thoái hết vốn với lượng tài sản “khủng” đang nắm giữ tại DQC?

Mặt khác, khi bà Hồ Thị Kim Thoa được giao quản lý công nghiệp nhẹ, việc đưa ra các chủ trương đổi bóng đèn tiết kiệm điện là đúng nhưng nếu có chỉ đạo các doanh nghiệp trong ngành ưu tiêu dùng bóng đèn của một doanh nghiệp thì lại tạo ra cạnh tranh không lành mạnh cho các doanh nghiệp cùng lĩnh vực. Cần phải làm rõ trong điều hành, quản lý của bà Hồ Thị Kim Thoa có tình trạng này không?

Phân tích về mặt pháp lý, luật sư Nguyễn Thế Truyền – Giám đốc Công ty luật hợp danh Thiên Thanh cho rằng, dư luận có quyền đặt câu hỏi, hiện bà Hồ Thị Kim Thoa đang là Thứ trưởng mà lại có cổ phần lớn ở trong doanh nghiệp thì có được quyền như thế không? Đặc biệt là doanh nghiệp này khi lên làm quản lý bà Thoa cũng được giao nhiệm vụ quản lý lĩnh vực công nghiệp nhẹ. Có nên hay không khi làm quản lý thì phải thoái vốn hoặc không được quả lý doanh nghiệp có người nhà đang ở trong doanh nghiệp đó…?

Theo luật sư Truyền, trong Luật phòng chống tham nhũng cũng có một số dấu hiệu về cơ quan chủ quản, nhưng cũng rất khó quy kết vì chưa có những dấu hiệu rõ ràng.

Cụ thể, Điều 37, Luật Phòng, chống tham nhũng quy định: Cán bộ, công chức, viên chức không được làm những việc như: Cửa quyền, hách dịch đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị cá nhân khi giải quyết công việc; Thành lập hoặc tham gia thành lập, quản lý, điều hành: Doanh nghiệp tư nhân, Công ty trách nhiệm hữu hạn. Công ty cổ phần, Công ty hợp danh, Hợp tác xã…

Bản thân hoặc vợ/chồng góp vốn vào DN hoạt động trong lĩnh vực mình quản lý: Cụ thể đó là hành vi người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu của cơ quan, vợ/chồng của những người này góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp quản lý; Để vợ/chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi mình quản lý như người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan để vợ/chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp.

Ngoài ra, trong Điều 20 của Luật Cán bộ Công chức: Những việc khác cán bộ, công chức không được làm có quy định rõ, ngoài những việc không được làm quy định tại Điều 18 và Điều 19 của Luật này, cán bộ, công chức còn không được làm những việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh, công tác nhân sự quy định tại Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và những việc khác theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền…Tuy nhiên, theo luật sư Truyền thì trường hợp của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa lại chưa có những dấu hiệu rõ ràng do chính những quy định vẫn còn những “kẽ hở”.

Theo: Thanh Xuân

Dân Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm