Kinh tế Việt Nam đang tụt hậu so với chính mình!
(Dân trí) - Sau 30 năm đổi mới, dù nền kinh tế Việt Nam đạt nhiều thành tựu song hội nhập đang khiến nền kinh tế lộ nhiều điểm yếu. Tụt hậu so với chính mình, với láng giềng và các nước đi sau không còn là nguy cơ mà còn là thực tế được các chuyên gia kinh tế cảnh báo.
Các chuyên gia kinh tế chia sẻ quan điểm về kinh tế Việt Nam sau 30 năm đổi mới tại Hội thảo "Tổng kết 30 năm Kinh tế Việt Nam" do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức sáng ngày 19/11.
Tăng trưởng cao nhưng chưa bền vững
Theo các chuyên gia kinh tế, sau 30 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam có nhiều khởi sắc như: Tăng trưởng GDP tăng cao, tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp dịch vụ tăng, thu nhập bình quân đầu người đạt ngưỡng 2000 USD/năm, lọt vào nước có thu nhập trung bình của thế giới. Việt Nam luôn đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê, thứ 3 xuất khẩu gạo, thứ 4 về xuất khẩu thủy sản... Cơ cấu kinh tế dịch chuyển, mở cửa hội nhập đang là xu hướng của tất cả các ngành, lĩnh vực và đặc biệt, xuất khẩu đang là điểm sáng của nền kinh tế khi ngày càng có nhiều ngành xuất khẩu tỷ đô.
Nếu như năm 2001 cả nước mới có 4 sản phẩm xuất khẩu tỷ đô thì năm 2010, số sản phẩm xuất khẩu tỷ đô đã tăng 5 lần. Đặc biệt, năm 2014, có 7 nhóm sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD.
Thành tựu thấy rõ là GDP của Việt Nam trong hơn 20 năm tăng khá ổn định với với tốc độ bình quân khoảng 7%/năm. Đây là tỷ lệ tăng cao bậc nhất thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc. Việt Nam từ nước có mức thu nhập thấp khoảng 98 USD/người năm 1990 (bằng 1/4 chuẩn nước thu nhập thấp) đã tăng lên 400 USD/người năm 2000 và năm 2010 đã đạt 1.200 USD/người (vượt chuẩn nước thu nhập thấp khoảng 1000 USD/người) và năm 2015 đã đạt GDP bình quân khoảng 2.200 USD/người.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể và những vấn đề sâu xa trong nền kinh tế, các chuyên gia đã bắt mạch, kê đơn những yếu kém và tồn tại của nền kinh tế Việt Nam. Những thành tích này có thể dễ gây tâm lý thỏa mãn.
TS. Trần Đình Thiện, Viện trưởng, Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định, năng suất lao động ở Việt Nam đã sụt giảm trong mấy năm vừa qua, đây là điều lo ngại nhất đối với nền kinh tế. Khu vực kinh tế mạnh, giá trị xuất khẩu tập trung chủ yếu ở doanh nghiệp ngoại, nông nghiệp vốn được coi là thế mạnh của Việt Nam đang phải chịu thua thiệt lớn trên sân chơi thế giới, còn trong nước người dân vô cùng lo lắng về tình trạng thực phẩm độc hại...
Mỏi mòn tìm thương hiệu cho sản phẩm Việt
Theo GS. Nguyễn Quang Thái, Tổng Thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam: "Ngành công nghiệp sau nhiều năm phấn đấu đang có tốc độ tăng trưởng gần 10% nhưng Việt Nam không có ngành năng lượng bản địa vững vàng, trừ khai thác tài nguyên. Các ngành công nghiệp công nghệ cao chủ yếu là FDI chiếm phần lớn nhưng lại không thực hiện được chuyển giao công nghệ. Nền kinh tế Việt Nam không chỉ tụt hậu so với nhu cầu phát triển, so với các nước mà còn tụt hậu so với chính mục tiêu của mình”.
Các dịch vụ có vẻ được phát triển, nhưng ngành du lịch “không khói” không tận dụng được thế mạnh “trời cho” là các danh lam thắng cảnh, bãi biển dài và đẹp mà chỉ khai thác chặt chém.
Ông Thái cho rằng, dù kinh tế lạc hậu, nhưng chính sách phát triển thì “sao chép” mà không làm thật, nên kinh tế tri thức cũng không chuyển biến. Muốn tiến lên Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá nhưng chính sách lại rất đơn giản. Hệ quả, GDP và GNI tuy cao trên 2.000 USD/người nhưng chủ yếu dựa vào “quảng canh”, còn tay nghề và công nghệ thấp. Do đó một số lĩnh vực đang bị các nước kế cận đuổi kịp và vượt qua.
Theo các chuyên gia, những yếu tố cốt lõi thay đổi năng suất và chất lượng tăng trưởng bền vững là chưa có. Công nghiệp là gia công, lắp ráp và khai thác tài nguyên vẫn chủ yếu, cơ cấu kinh tế vẫn chưa có gì thay đổi. Công nghệ lạc hậu, vẫn rất xa so với thế giới.
“Người Việt Nam có tiếng là thông minh, cần cù, sáng tạo… nhưng đất nước lại phát triển thấp, không tận dụng được lợi thế của người đi sau. Đây là một nghịch lý. “Có vẻ như Việt Nam chưa thoát khỏi đẳng cấp phát triển thấp của chính mình”, TS. Trần Đình Thiên nói.
GS. Thái cho rằng: phải thẳng thắn nhìn và thừa nhận tư duy kinh tế Việt Nam đang lạc hậu vì mô hình chắp vá, thể chế nặng nề, điều hành giật cục… điều này khiến kinh tế Việt Nam không những tụt hậu xa hơn mà còn lạc điệu so với thế giới.
Ông Thái dẫn chứng trong ngành nông nghiệp: Dân số vẫn 45% là nông nghiệp nhưng qua nhiều năm, nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa xây dựng được thương hiệu nông nghiệp quốc gia, quốc tế. Xuất khẩu gạo đạt tới 7 triệu tấn/năm, nhưng vẫn chưa có thương hiệu gạo quốc gia, phải lép vế trước gạo Thái Lan, Lào và Campuchia, giống gạo vẫn chủ yếu phụ thuộc nhập ngoại hoặc dùng giống bản địa năng suất thấp.
Theo TS. Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), ngành nông nghiệp không chỉ lạc hậu về mọi mặt mà điều nguy hiểm hơn là nó đang đầu độc một cách hợp pháp bằng các loại nông sản không an toàn. Công nghiệp hình thành một số cụm nhưng tỷ trọng giá trị gia tăng thấp, năng lực công nghệ nội địa thấp, khó chen chân vào chuỗi giá trị toàn cầu của thế giới
Nguyễn Tuyền