Kiểm toán Nhà nước: Nhiều dự án BOT quản lý lỏng lẻo, khoảng cách chưa hợp lý
(Dân trí) - Trả lời câu hỏi của báo chí sáng nay (26/8) đại điện Kiểm toán Nhà nước (KTNN) khẳng định: Nhiều dự án BOT, BT được quản lý lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ, trong đó tỷ lệ góp vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư/tổng vốn đầu tư thấp, khoảng cách các trạm thu phí chưa hợp lý.
Tại buổi họp báo công bố kết quả kiểm toán quyết toán Ngân sách Nhà nước năm 2014 của KTNN sáng nay 28/6 tại Hà Nội, đại diện KTNN đã trả lời nhiều câu hỏi xung quanh việc kiểm soát dự án BOT, đại diện kiểm toán khẳng định: Nhiều dự án BOT, BT được quản lý lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ, trong đó tỷ lệ góp vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư/tổng vốn đầu tư thấp, khoảng cách các trạm thu phí chưa hợp lý.
Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Huỳnh Tịnh, KTNN Khu vực 9 cho hay. Để xảy ra hiện trạng các nhà đầu tư BOT khai vống dự toán dự án là do việc xác định một số hạng mục, định mức kỹ thuật chưa được thống nhất giữa các cơ quan quản lý.
Các hạng mục của nhà đầu tư khai báo, kết quả kiểm toán và các cơ quan chức năng thời gian qua cho thấy nhiều dự án BOT, BT được quản lý lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ, trong đó tỷ lệ góp vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư/tổng vốn đầu tư thấp, khoảng cách các trạm thu phí chưa hợp lý. Tại nhiều dự án, hồ sơ quản lý chất lượng còn nhiều thiếu sót, sơ sài, chất lượng thi công một số không đảm bảo chất, lượng, có hiện tượng xuống cấp hư hỏng...
Ông Tịnh nhấn mạnh, KTNN đã có đề xuất, thời gian tới đề nghị Chính phủ xem xét lại cụ thể, nhà đầu tư hạ tầng giao thông có chi phí lớn nhưng vay lớn, trong khi vốn tự có nhỏ, lãi vay nặng khiến thời gian hoàn vốn dài, chi phí lớn.
Đại diện lãnh đạo KTNN, ông Cao Tấn Khổng, Phó tổng KTNN khẳng định: Về định mức đầu tư, tổng mức đầu tư các dự án BOT quá cao như phản ánh của báo chí và dư luận, hiện cơ quan kiểm toán đang thực hiện kiểm toán theo chỉ đạo. Kết quả sẽ được báo cáo và trình các cấp liên quan vào năm 2017.
Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công khai kết luận thanh tra 17 dự án BOT trên cả nước với các sai phạm nghiêm trọng về khai khống suất đầu tư so với thực tế, trong đó diễn ra rất lớn ở các dự án cải tạo, sửa chữa các tuyến đường quốc lộ thành các đường BOT đặt trạm và thu phí diễn ra hầu khắp trên cả nước.
Hiện, dư luận và các chuyên gia đang có nhiều quan ngại về suất đầu tư dự án BOT của Việt Nam hiện cao gấp nhiều lần so với nước khác, dẫn đến việc tăng thời gian thu phí. Cần làm rõ suất vốn đầu tư tại các dự án BOT theo tính chất dự án: xây dựng mới hay chỉ cải tạo bởi hiện nhiều dự án BOT cải tạo trên cốt đường cũ, không phải giải phóng mặt bằng, nhưng có tổng vốn đầu tư lớn, suất đầu tư cao tương tự như các dự án đầu tư mới hoàn toàn.
Về vốn cho các dự án BOT, hiện các dự án BOT đang quá lạm dụng vốn vay thương mại của các ngân hàng. Vốn chủ sở hữu của các chủ đầu tư dự án/tổng vốn cho dự án quá thấp trong khi vốn vay ngân hàng/tổng vốn dự án quá cáo, lãi suất và chi phí lãi và trả gốc cao khiến thời gian hoàn phí lâu, khiến các dự án BOT đang phát sinh nhiều vấn đề, gây hệ lụy đối với phát triển mạng lưới giao thông và người dân, doanh nghiệp.
Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Nguyễn Anh Tuấn, Kiểm toán trưởng chuyên ngành 6, KTNN cho hay: Qua kiểm toán ở 1 dự án, chúng tôi kiến nghị: Trước khi phê duyệt dự án, các cơ quan chức năng, chuyên môn cần phải căn cứ vào hợp đồng tài chính ký kết ban đầu để xem xét yếu tố tác động đến phương án tài chính, trong đó cần dựa vào hợp đồng ban đầu của chủ đầu tư để xác định vốn chủ sở hữu phải trên 65% theo quy định của các luật chuyên ngành.
Theo ông Tuấn, nếu các dự án chủ đầu tư có vốn chủ sở hữu lớn thì thời gian thu phí sẽ giảm, vốn vay thấp khiến suất đầu tư không cao. Thực tế, KTNN đang thực hiện các đợt kiểm toán chuyên ngành theo chỉ đạo.
Nguyễn Tuyền