Quảng Nam:
Kiếm chục triệu chỉ trong 3 ngày nhờ bán “lá mồng 5”
(Dân trí) - Lá hái vào ngày 5/5 âm lịch (Tết Đoan Ngọ) được gọi là “lá mồng 5”, là bài thuốc nam hữu hiệu được người dân Quảng Nam ưa chuộng và dùng nhiều vào ngày mồng 5. Nhờ đó mà nhiều người cũng có thể kiếm thêm thu nhập từ “lá mồng 5” này.
Theo dân gian, bất cứ loại lá nào hái đúng vào giờ Ngọ ngày 5/5 (âm lịch) đều là lá thuốc. Nhưng trên thực tế, người ta chỉ quen hái một số lá nhất định ở các vùng rừng núi hoặc trồng.
Các loại cây được người ta sưu tập dùng làm lá mồng 5 gồm: rẻ quạt, ngải cứu, lá đậu sen, tía tô, bầu đường, mã đề, đinh lăng, đại tướng quân... Mỗi loại lá có công dụng khác nhau hoặc có thể kết hợp dùng như một bài thuốc nam.
Lá ngũ gia bì chữa đau khớp, đau lưng; lá từ bi chữa đau lưng, phù thận, khớp; lá bạc thau chữa sản hậu, phụ nữ sinh con uống tốt, ăn ngủ được; hà thủ ô trị rụng tóc, bạc tóc... Người dân thường sử dụng làm nước uống hằng ngày, công dụng đầu tiên là giải nhiệt, tiêu thực.
Bà Nguyễn Thị Năm (trú xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên, Quảng Nam) cho biết: “Trước đó mấy ngày hoặc nửa tháng người ta sẽ lên các vùng rừng núi Quảng Nam, Quảng Ngãi, có khi ra tận đèo Hải Vân để hái cho bằng được các loại thuốc quý này. Có người trồng ở nhà rồi đem bán, nhưng nhiều nhất vẫn là hái trong tự nhiên”.
Theo bà Năm, phải là người am hiểu các loại lá cây, bài thuốc nam mới có thể đi hái, phân biệt vị, mùi thuốc chứ tay ngang không biết gì mà đi hái thì chỉ thiệt thân, có khi lại hái trúng lá độc về bán chỉ hại người mà thôi.
Tùy theo từng loại lá mà có giá dao động từ 3-15 ngàn đồng/bó, người ta có thể bó thành từng bó bán tươi hoặc phơi khô bán cho khách. Cũng theo cô Năm, loại lá đắt nhất có lẽ là hoàng thám, giá 15 ngàn/bó.
“Lá mồng 5” có rất nhiều loại mà những người am hiểu mới biết được
Chị Lê Hồng Sen (trú xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên) chia sẻ: “Giá các loại cây thuốc năm nay bán thấp hơn năm trước do nhận thấy nguồn lợi từ việc bán "lá mồng 5" mà người ta đi hái nhiều. Khách hàng chủ yếu người dân quanh vùng hoặc tư thương ở nơi khác đến mua về bán lại. Người ta thường dùng để nấu nước uống hoặc tắm cho trẻ nhỏ, có nhiều loại lá có công dụng trị ghẻ ngứa rất hay”.
Nếu bán đắt, trong 3 ngày từ mồng 3 đến mồng 5 (âm lịch) người ta có thể thu nhập từ 3-5 triệu đồng, có người hái nhiều bán đắt hàng thì thu nhập có khi lên đến 10 triệu đồng. Những người bán số lượng ít thì được vài trăm ngàn đến 1 triệu đồng, cũng bù lại công sức bỏ ra.
Theo dân gian, “lá mồng 5” có nhiều công dụng chữa bệnh hiệu quả
Cô Lê Thị Liên (trú xã Cẩm Hà, TP Hội An) cho hay, khi đi hái lá này người ta thường đi thành nhóm hoặc vợ chồng cho đỡ sợ và vui hơn. Vì đi vào rừng núi hoặc đèo cao mới có lá này mà hái, dựa theo kinh nghiệm dân gian để phân biệt từng loại lá. Có nhiều loại đơn giản, dễ trồng thì lấy giống đem về nhà để dành bán hoặc dùng trong gia đình. Nhờ vào việc đi hái "lá mồng 5" mà mỗi độ chúng tôi thu về cũng kha khá từ vài triệu đồng sau khi trừ các khoản phí bỏ ra”.
"Lá mồng 5" sau khi phơi khô, ngâm với nước chừng 3-4 phút sau đó rửa 2-3 nước nấu uống cả ngày như nước chè. Theo dân gian, nếu phơi lá đúng vào trưa nắng của dịp Tết Đoan Ngọ thì lá sẽ có mùi thơm và phát huy công dụng chữa bệnh nhất.
Cô Trần An Hội (người dân Hội An) chia sẻ: “Mỗi dịp mồng 5, tôi thường mua từ 200-300 ngàn lá mồng 5 về phơi khô uống dần trong gia đình. Vì chỉ có mồng 5 mới có các loại lá đặc trưng này và theo quan niệm dân gian chỉ có lá bán vào dịp Tết Đoan Ngọ là hữu hiệu nhất. Tôi thường dặn mối quen để yên tâm và họ cũng lấy giá rẻ hơn so với chỗ khác. Gia đình tôi rất thích dùng lá này vừa có công dụng giải nhiệt vừa chữa được nhiều bệnh”.
Theo dân gian, vào ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch, sau khi cúng xong, nhằm lúc chính ngọ (12 giờ trưa), trộn các loại lá lại với nhau lá tỏa ra mùi thơm rất dễ chịu, vừa trộn vừa hít hà mùi thơm của lá sẽ sảng khoái vô cùng. Sau khi cúng, ăn trái cây, nhấp miếng nước lá mồng 5 thơm nồng, mặn mòi thì không gì bằng.
N.Linh - C.Bính