1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Không có chuyện nông dân chặt bỏ hồ tiêu vì giá xuống thấp kỷ lục

(Dân trí) - Đó là lời khẳng định của ông Nguyễn Văn Phò, Phó chủ tịch UBND huyện Đắk Song trước thông tin một số người dân huyện này đã phá bỏ hồ tiêu vì “vàng đen” mất giá.

Clip người dân chặt bỏ hồ tiêu

Vừa qua, trên một diễn đàn lớn có chia sẻ một Clip dài hơn 1 phút, ghi lại cảnh hai người đàn ông dùng dao phát không thương tiếc một số trụ tiêu đang xanh tốt. Kèm theo hình ảnh, người quay clip còn giải thích, việc phá bỏ hồ tiêu là do giá của nông sản này đã chạm đáy và chuyển sang trồng cà phê.

Đắk Song đang là thủ phủ tiêu của Đắk Nông nhưng không có chuyện nông dân chặt bỏ tiêu vì giá thấp
Đắk Song đang là thủ phủ tiêu của Đắk Nông nhưng không có chuyện nông dân chặt bỏ tiêu vì giá thấp

Ngay sau khi xuất hiện vài giờ, đoạn clip đã thu hút gần 100.000 lượt xem, gần 1000 lượt chia sẻ và hàng ngàn lượt người vào bình luận. Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến bình luận đều tỏ ra nghi ngờ tính xác thực của clip, cho rằng đây chỉ là clip giả tạo, gây hoang mang dư luận.

“Chặt tiêu đi trồng cà phê, khi cà phê bắt đầu cho thu hoạch thì rớt giá, giá tiêu lại tăng vọt lại chặt cà phê đi để trồng tiêu. Bây giờ giá hồ tiêu giảm, giá cà phê cao, lại phá tiêu trồng cà phê. Kết quả nghèo vẫn hoàn nghèo, bao giờ người nông dân mới khá lên được. Cứ như vậy thì nghèo bền vững”, một người dùng mạng xã hội bình luận

Tuy nhiên cũng có người phỏng đoán, có thể chủ nhân vườn tiêu trên chặt một số cây tiêu để làm sân, làm nhà và quay clip để …“giải trí” vì số lượng hồ tiêu bị phá không nhiều và tiêu chỉ khoảng 2-3 năm tuổi. Người này phân tích: “Giá hồ tiêu xuống thấp nhất trong vòng 7 năm qua nhưng chỉ cần giá thu mua là 70.000 đồng/kg, người nông dân không hề bị lỗ. So với cà phê, cây tiêu vẫn đem lại lợi nhuận nhiều hơn”.

Một số ý kiến khác cho rằng, clip này được quay tại huyện Đắk Song, thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Đắk Nông. Trao đổi với ông Nguyễn Văn Phò, Phó chủ tịch UBND huyện Đắk Song, ông này khẳng định: Sau khi xem clip, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp huyện đi xác minh. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa ghi nhận nông dân nào chặt phá tiêu với diện tích lớn để trồng cà phê. Có thể người dân phá tiêu để làm nhà hoặc trồng một vài cây ăn trái và hiện nay nông dân chỉ trồng thêm chứ không có chuyện chặt bỏ. Nhiều nông dân còn khẳng định dù giá tiêu có giảm xuống 50.000 đồng/kg họ vẫn trồng nên không làm gì có chuyện chặt bỏ tiêu".

Dương Phong