Không cho phép dùng tiền ngân sách "cứu" doanh nghiệp Nhà nước

(Dân trí) - Với tỷ lệ 86,64% phiếu tán thành, sáng nay (9/11) Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020, trong đó nêu rõ "không sử dụng ngân sách Nhà nước để cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng thương mại Nhà nước".

Quang cảnh hội trường Quốc hội (ảnh: Quochoi.vn)
Quang cảnh hội trường Quốc hội (ảnh: Quochoi.vn)

Ngân sách không được dùng để tái cơ cấu DNNN và xử lý nợ xấu

Sáng nay (9/11), với 86,64% phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm (trong đó có nội dung mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020).

Theo đó, định hướng trong 5 năm từ 2016 đến 2020, hoạt động thu ngân sách Nhà nước (NSNN) sẽ hạn chế tối đa việc đề ra các chính sách làm giảm thu ngân sách, khai thác tốt nguồn thu từ cổ tức, lợi nhuận được chia cho phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp...

Trong khi đó, trong hoạt động chi sẽ điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu và trợ cấp ưu đãi đối với người có công tăng bình quân khoảng 7%/năm; căn cứ tình hình thực tế, mức điều chỉnh cụ thể sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định trong dự toán ngân sách Nhà nước hằng năm.

Về nhiệm vụ và giải pháp thực hiện, nội dung Nghị quyết nêu, giai đoạn này sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để chống thất thu, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế, chống thất thoát, lãng phí trong chi ngân sách Nhà nước, đặc biệt là trong chi đầu tư xây dựng cơ bản.

Đồng thời, xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý, thu, chi ngân sách Nhà nước, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương và đơn vị trong việc quản lý ngân sách Nhà nước.

Cùng với việc nghiên cứu việc thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu, quản lý vốn Nhà nước, giai đoạn 2016-2020 cũng thực hiện rà soát cơ chế quản lý tài chính đối với một số doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước đảm bảo theo đúng quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các Luật về thuế.

Đáng chú ý, Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ "không sử dụng ngân sách Nhà nước để cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng thương mại Nhà nước, cấp vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng thương mại hoặc đóng góp cổ phần tại các tổ chức tài chính quốc tế". Các khoản vay mới chỉ thực hiện sau khi đã đánh giá đầy đủ tác động lên quy mô nợ công và khả năng trả nợ trong trung hạn.

Dành tối đa 2 triệu tỷ đồng trong 5 năm cho đầu tư phát triển

Mục tiêu đặt ra cho giai đoạn đến 2020 là phấn đấu tổng thu NSNN cả giai đoạn 2016-2020 khoảng 6,86 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 1,65 lần so với giai đoạn 2011-2015; bảo đảm tỷ lệ huy động vào ngân sách Nhà nước không thấp hơn 23,5%GDP. Trong đó thuế, phí, lệ phí khoảng 21%GDP; tỷ trọng thu nội địa bình quân khoảng 84-85% tổng thu NSNN.

Đồng thời, từng bước cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng tích cực. Tổng chi NSNN cả giai đoạn 2016 - 2020 khoảng trên 8 triệu tỷ đồng, trong đó, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển chiếm bình quân khoảng 25-26% tổng chi ngân sách Nhà nước (tối đa 2 triệu tỷ đồng trong 5 năm); giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống dưới 64% tổng chi ngân sách Nhà nước. Ưu tiên đảm bảo chi trả nợ, chi dự trữ quốc gia.

Nghị quyết cũng đặt mục tiêu đưa tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước cả giai đoạn 2016-2020 không quá 3,9% GDP, trong đó bội chi ngân sách trung ương không quá 3,7% GDP và bội chi ngân sách địa phương không quá 0,2% GDP. Phấn đấu giảm mạnh bội chi ngân sách nhà nước để đến năm 2020 không quá 3,5% GDP, nhằm thực hiện cân đối NSNN tích cực, bảo đảm nợ công trong giới hạn cho phép.

Đáng chú ý, Nghị quyết nêu rõ, nợ công hàng năm không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP. Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia dưới 25% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không bao gồm cho vay lại) không quá 25% so với tổng thu NSNN hàng năm.

Bích Diệp