Vấn đề kinh tế nóng trong tuần:

Khó tin tài sản nhà Giám đốc Sở, “choáng” với cổ tức, gia thế nhà Thứ trưởng

(Dân trí) - Những chi tiết quanh thông tin kê khai tài sản nhà ông Giám đốc Sở TNMT tỉnh Yên Bái, con số cổ tức và địa vị của những thành viên trong gia đình Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa tiếp tục là đề tài thu hút sự quan tâm của dư luận tuần qua.

Ngoài ra, trong tuần cũng cung cấp cho độc giả những thông tin mới liên quan đến việc xử lý 12 đại dự án yếu kém, VTV và SCIC rút khỏi dự án Tháp truyền hình cao nhất thế giới…


Gia đình ông Quý hiện đang sở hữu một căn hộ chung cư 130m2 tại khu chung cư Mandarin Garden.

Gia đình ông Quý hiện đang sở hữu một căn hộ chung cư 130m2 tại khu chung cư Mandarin Garden.

Khó tin căn hộ Mandarin của ông Phạm Sỹ Quý có giá 2,5 tỷ đồng

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái, ông Phạm Sỹ Quý kê khai, tổng thu nhập trong năm 2016 quy đổi thành tiền Việt Nam tăng 1 tỷ đồng và đang sở hữu nhiều đất đai, trang trại, chung cư cao cấp ở Hà Nội và một ô tô Camry.

Ngoài ngôi nhà 600m2 tại Tổ 51 phường Minh Tân (công trình cấp 3) và một số mảnh đất và trang trại khác, gia đình ông Quý hiện đang sở hữu một căn hộ chung cư 130m2 tại khu chung cư Mandarin Garden (đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Đáng lưu ý, theo khai báo của ông Quý, giá trị căn hộ chung cư tại thời điểm xây dựng là 2,5 tỷ đồng và đã có giấy chứng nhận quyền sở hữu.

Tuy nhiên, theo giới kinh doanh bất động sản, mức giá một căn hộ với diện tích như trên tại dự án Madarin Garden trên thực tế có thể cao hơn khá nhiều.

Thứ trưởng Thoa: Lương Thứ trưởng cả năm không bằng một góc cổ tức

Trong khi khu dinh thự và khối tài sản kê khai của vị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái khoảng vài ba chục tỷ đồng đã khiến dư luận trầm trồ, kinh ngạc, bàn ra tán vào trong suốt nhiều ngày qua thì tài sản cổ phiếu quy ra được của gia đình Thứ trưởng Kim Thoa còn gấp nhiều lần con số đó.

Việc sở hữu cổ phiếu không đơn thuần chỉ là để nhìn vào những con số tài sản biến động trên thị trường cho “đẹp mắt” mà còn gắn với quyền lợi “tiền tươi thóc thật” của cổ đông – đó chính là cổ tức.

Tổng mức chi trả cổ tức năm 2016 của Bóng đèn Điện Quang là 30% bằng tiền mặt (sau 3 đợt chi trả), tức là cứ sở hữu 1 cổ phiếu thì nhận 3.000 đồng. Với tổng sở hữu 11,8 triệu cổ phiếu nói trên, riêng cổ tức năm 2016 mà gia đình Thứ trưởng nhận được là 35,4 tỷ đồng (riêng cá nhân Thứ trưởng với sở hữu 1,7 triệu cổ phiếu tại doanh nghiệp, nhận được 5,1 tỷ đồng).

Với mức lương của Thứ trưởng hiện chỉ trên dưới 10 triệu đồng/tháng (chưa phụ cấp, ăn trưa…) thì khoản cổ tức tiền tỷ của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa có thể coi là mơ ước của nhiều đồng cấp khác.

Song, điều mà dư luận quan tâm hiện nay là tiền đâu mà Thứ trưởng và gia đình bà ngày xưa gom được nhiều cổ phần DQC đến vậy? Việc bổ nhiệm người nhà vào những vị trí quan trọng của doanh nghiệp này có khuất tất gì không?v.v.

Ông Hồ Đức Lam, em trai của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đang là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc, cổ đông chi phối của Công ty Nhựa Rạng Đông.
Ông Hồ Đức Lam, em trai của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đang là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc, cổ đông chi phối của Công ty Nhựa Rạng Đông.

Thêm một thông tin khác mà nhiều độc giả Dân Trí cũng đặt ra nhiều mối băn khoăn là ngoài ông Hồ Quỳnh Hưng đang là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Bóng đèn Điện Quang thì Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa còn một người em trai khác là ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa và đang là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Nhựa Rạng Đông. Bà Thoa cũng là một cổ đông của Nhựa Rạng Đông.

Điều này đặt ra vấn đề: Liệu quan chức có cổ phần và có nhiều người thân làm lãnh đạo chủ chốt, thậm chí chi phối hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực mình phụ trách có vi phạm gì không và có nên không? Việc từ một DNNN nhưng sau khi cổ phần hóa, hai doanh nghiệp Bóng đèn Điện Quang và Nhựa Rạng Đông dần chuyển sang "công ty gia đình", liệu có gì bất thường không?

Mặc dù đến nay Ban Bí thư vẫn chưa công bố phương án kỷ luật đối với Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, song với những thông tin báo chí nêu, bạn đọc Dân Trí đã vô cùng bức xúc và nhiều người đã không đồng tình nếu sau đây chỉ có hình thức cảnh cáo, khiển trách mà cần phải có hình thức xử lý mạnh hơn với quan chức này.

Chỉ trong vòng chưa đầy 3 ngày sau thông tin bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị xem xét kỷ luật, giá cổ phiếu DQC của Công ty Bóng đèn Điện Quang đã quay đầu liên tục giảm giá, “cuốn phăng” hàng chục tỷ đồng (tài sản chứng khoán) của gia đình Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa.

Tính đến hết phiên sáng ngày 5/7, tài sản cổ phiếu của gia đình vị thứ trưởng đã “bay” mất gần 45 tỷ đồng, và riêng bà Thoa thiệt hại khoảng 6,5 tỷ đồng. Giá trị tài sản cổ phiếu của gia đình Thứ trưởng Thoa tại thời điểm trên đạt 551 tỷ đồng.

Cổ phiếu DQC từng đạt mức giá 81.800 đồng (ngày 14/7/2016), tuy nhiên, với diễn biến giá tiêu cực của mã này trên sàn, thiệt hại về tài sản cổ phiếu của gia đình Thứ trưởng Thoa có thể “cân đo đong đếm” được với con số 414,2 tỷ đồng, trong đó, riêng nữ Thứ trưởng mất gần 60 tỷ đồng.

Nêu ý kiến về vấn đề này, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho hay, nguyên tắc khi kê khai tài sản, cá nhân phải tự giác, tự chịu trách nhiệm về việc kê khai tài sản của mình đúng, đầy đủ. Trường hợp này, bà Hồ Thị Kim Thoa làm chưa đúng nguyên tắc khi nhiều lần kê khai tài sản, thu nhập không đúng, không đầy đủ theo quy định.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng có trách nhiệm khi để xảy ra sai phạm của bà Thoa thuộc về thủ trưởng cơ quan trong việc kiểm tra, giám sát kê khai này mà không phát hiện trong thời gian dài.

Trong một diễn biến gần đây, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã ký văn bản kêu Bộ Công Thương khó về tự chủ tài chính. Văn bản này cho hay, kinh phí của Bộ Công Thương tăng chủ yếu do tăng kinh phí mua 37 xe ô tô cho lực lượng quản lý thị trường là 42,4 tỷ đồng và kinh phí tạm cấp chuẩn bị APEC 2017 14,2 tỷ đồng, trong khi số giao ngân sách đầu năm đã bao gồm kinh phí bố trí cho tăng lương cơ sở.

Trong năm 2016 còn nhiều nhiệm vụ phải chi nhưng do khó khăn về kinh phí nên không thể tự bố trí, sắp xếp kinh phí đã được giao như: chi phí phục vụ các đoàn kiểm tra liên ngành về chống buôn lậu, gian lận thương mại, các đoàn điều tra chống bán phá giá, thanh tra chuyên ngành… Riêng kinh phí mua sắm và sửa chữa tài sản trong năm, Bộ Công Thương cho biết "được bố trí rất thấp so với nhu cầu".

Chính phủ quyết không cấp thêm vốn cho 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ.
Chính phủ quyết không cấp thêm vốn cho 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ.

12 dự án nghìn tỷ thua lỗ: Làm rõ sai phạm, sớm hoàn tất thủ tục tố tụng

Tại cuộc họp về xử lý 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: 75% vốn của 12 dự án là đi vay. Hiện nay có 6 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng cả 6 dự án đều thua lỗ, gồm: Nhà máy Đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc, Nhà máy phân đạm DAP số 1 Đình Vũ, nhà máy phân đạm DAP số 2 Lào Cai, nhà máy đóng tàu Dung Quất và nhà máy thép Việt - Trung.

Một số dự án khác đang trong tình trạng “đắp chiếu, trùm mền”. Về 10 nhà máy đang hoạt hoạt động hoặc phải dừng sản xuất có lỗ lũy kế đến tháng 12/2016 là 16.126 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp vốn chủ sở hữu bị âm.

Phó Thủ tướng đã chỉ ra những “bệnh” rất giống nhau ở cả 12 dự án: “Khi lập dự án, phê duyệt dự án thì rất nhanh, nhưng khi tổ chức thực hiện dự án và quản lý đầu tư xây dựng thì rất trì trệ. Vướng mắc với nhà thầu EPC, kéo dài thời gian thi công nên phải điều chỉnh tổng mức đầu tư lên gần 50%...

Trong khi lập phương án đầu tư và sản xuất kinh doanh, các con số đầu vào khả quan, tính toán phương án đầu ra ra cao, nhưng khi đi vào vận hành thực tế thì chi phí đầu ra rất thấp”.

Đáng chú ý, tại phiên làm việc này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc sẽ tiến hành thanh tra, kiểm toán, điều tra làm rõ những sai phạm, vi phạm pháp luật gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Theo đó, “làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan và xử lý nghiêm minh, sớm hoàn tất các thủ tục tố tụng của pháp luật, không để tái diễn những yếu kém, khuyết điểm trong quản lý điều hành”.

Thua lỗ, Vinachem cuống cuồng xin khoanh nợ vay 250 triệu USD từ Trung Quốc

Về 1 trong số 12 đại dự án nói trên, Bộ Tài chính cho biết, khoản vay China Eximbank của Dự án Đạm Ninh Bình trị giá 250 triệu USD với thời hạn vay 15 năm. Tính đến ngày 31/3/2017, dư nợ của khoản vay là 162,5 triệu USD (đã trả nợ gốc 7 kỳ với tổng số tiền 87,5 triệu USD).

Lỗ lũy kế tại Đạm Ninh Bình đã vượt qua con số 3.000 tỷ đồng.
Lỗ lũy kế tại Đạm Ninh Bình đã vượt qua con số 3.000 tỷ đồng.

Về phía Vinachem, tập đoàn này đã có công văn đánh giá nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp xử lý khó khăn cho dự án Đạm Ninh Bình nhưng Bộ Tài chính cho rằng “đều không cụ thể, chủ yếu tập trung vào việc đề nghị được khoanh nợ và được Chính phủ hỗ trợ”.

Qua trao đổi sơ bộ với phía China Eximbank, phía Trung Quốc cho biết, không có chính sách hỗ trợ dự án sử dụng vốn vay khó khăn và đối với phía Trung Quốc, người chịu trách nhiệm trả nợ trong mọi trường hợp không phải là doanh nghiệp mà là Chính phủ Việt Nam.

Do đó, theo phương án này, từ năm 2017-2022, Ngân sách Nhà nước sẽ phải ứng vốn để trả nợ cho phía Trung Quốc thay Vinachem với tổng số tiền là 125 triệu USD. Song, Bộ Tài chính không đồng ý và đề nghị Chính phủ không đặt vấn đề giãn hoãn nợ với phía ngân hàng Trung Quốc vì sẽ gây ảnh hưởng tới uy tín của Chính phủ cũng như ảnh hưởng tới đánh giá hệ số tín nhiệm quốc gia và phạm lỗi chéo giữa tất cả các khoản vay của Chính phủ.

Trong khi đó, về tình hình sản xuất kinh doanh của Đạm Ninh Bình, hiện lỗ lũy kế lên tới trên 3.058 tỷ đồng. Trong đó, năm 2012 lỗ 75 tỷ đồng, năm 2013 lỗ trên 759 tỷ đồng, năm 2014 ước lỗ trên 500 tỷ đồng, năm 2015 lỗ trên 592 tỷ đồng và năm 2016 lỗ thêm 1.132 tỷ đồng. Công ty chưa có kế hoạch kinh doanh phù hợp, giảm chi phí sản xuất trong bối cảnh tài chính khó khăn hiện nay.

Liên quan tới vấn đề phương án xử lý những dự án thua lỗ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), tại buổi làm việc với Bộ Công Thương diễn ra chiều ngày 7/7, vướng mắc lớn nhất được chỉ ra là “không được chi ngân sách để xử lý”.

Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT PVN cho biết: "Hiện các dự án trong tình trạng khó khăn, dòng tiền và chi phí đều không còn nên để triển khai đều cần tiền. Vướng mắc lớn nhất là không được rót thêm vốn Nhà nước để phục vụ cho các dự án nên giờ chưa được triển khai. Hiện mọi dự án đều có phương án triển khai nhưng đều cần sự phê duyệt tài chính Chính phủ và Bộ Công Thương về phương án tài chính".

"Đối với phương án phá sản là phương án tiêu cực và không mong muốn, song vẫn đòi hỏi phải có chi phí nhất định cho công ty tư vấn, duy trì tài sản, bảo vệ điện nước cho dự án với thời gian từ 18 tháng đến 2 năm, riêng Đình Vũ trong 2 năm phải tốn hàng trăm tỷ đồng, nên phải xin phê duyệt tiếp", ông nói thêm.

Trước đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nêu rõ quan điểm Tập đoàn xử lý theo nguyên tắc thị trường: “Nếu không chuyển sang phương án bán đấu giá, bán đồng nát thu được đồng nào hay đồng nấy”.

Làm trái lệnh Thủ tướng, Vinafood 2 bán tài sản sai quy định hơn 114 tỷ đồng

Trong lúc đó, tại một "ông lớn" DNNN khác là Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood2), mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã công bố kết luận thanh tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao với nhiều sai phạm được đưa ra.

Cụ thể, từ thời điểm năm 2014 đến nay, Vinafood 2 đã bán tài sản trên đất, đồng thời chuyển quyền sử dụng đất sai với quy định tại Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ.

Tổng công ty này đã bán lô đất 697 m2 tại ấp Tân Phú 2, xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang trị giá 179 triệu đồng. Bán 03 cồn nuôi trồng thủy sản và tài sản đi kèm tại Công ty Nông sản thực phẩm Trà Vinh, trị giá 101,9 tỷ đồng. Bán căn nhà số 02 Điện Biên Phủ, thành phố Trà Vinh, trị giá 12,6 tỷ đồng. Tổng giá trị 03 tài sản đã bán là 114,7 tỷ đồng.

VTV và SCIC xin rút khỏi dự án Tháp truyền hình cao nhất thế giới

Một thông tin cũng thu hút dư luận trong dịp cuối tuần, đó là việc xây dựng Tháp truyền hình cao nhất thế giới. Với lý do cần tập trung ưu tiên dành nguồn lực đầu tư cho sản xuất chương trình và phát triển kinh doanh trong lĩnh vực truyền hình, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) xin thoái toàn bộ hoặc phần lớn vốn tại công ty. Trong khi SCIC cũng chủ trương đưa dự án vào danh mục thoái vốn.

Trước đó, vào hồi tháng 2/2015, Thủ tướng đã đồng ý cho VTV phối hợp với Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn (SCIC) lập công ty cổ phần để tham dự án này.

Bích Diệp (tổng hợp)