1. Dòng sự kiện:
  2. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Kết quả kinh doanh

Tình cảnh "mẹ lỗ con lỗ" của đại dự án Đạm Ninh Bình

(Dân trí) - Trong công văn gửi lên Thủ tướng Chính phủ ngày 28/6 vừa qua của Bộ Tài chính đã hé lộ nhiều thông tin đáng chú ý về tình hình kinh doanh của cả Đạm Ninh Bình và Vinachem.

Đạm Ninh Bình đang trong tình cảnh thua lỗ lớn, không thể cân đối được tài chính để trả nợ.
Đạm Ninh Bình đang trong tình cảnh thua lỗ lớn, không thể cân đối được tài chính để trả nợ.

"Mẹ lỗ, con lỗ"

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, năm 2016, tổng tài sản Công ty Đạm Ninh Bình đạt 10.075 tỷ đồng, giảm 8,65% so với năm 2015, nhà máy đã vận hành ổn định, tình hình sản xuất, tiêu thụ đã khả quan hơn.

Lợi nhuận trong năm 2016 sụt giảm do doanh thu bán hàng giảm mạnh, giá phân bón trên thị trường quốc tế giảm sâu dẫn đến doanh thu không bù đắp được chi phí. Kết quả kinh doanh năm 2016 lỗ thêm 1.132 tỷ đồng. Công ty chưa có kế hoạch kinh doanh phù hợp, giảm chi phí sản xuất trong bối cảnh tài chính khó khăn hiện nay.

Hiện Đạm Ninh Bình vẫn lỗ luỹ kế lên tới trên 3.058 tỷ đồng. Trong đó, năm 2012 lỗ 75 tỷ đồng, năm 2013 lỗ trên 759 tỷ đồng, năm 2014 ước lỗ trên 500 tỷ đồng, năm 2015 lỗ trên 592 tỷ đồng.

Trong khi đó, tình hình tài chính của công ty mẹ là Vinachem cũng không mấy khả quan.

Báo cáo của Bộ Tài chính ghi nhận tổng tài sản năm 2016 của tập đoàn giảm 1,68%, tài sản dài hạn chiếm 63% tổng tài sản, vốn chủ sở hữu tăng 771 tỷ đồng do tăng đầu tư. Năm 2016, Vinachem lỗ 895 tỷ đồng do giá vốn bán hàng và dịch vụ cung cấp tăng cao, chi phí lãi vay tăng 346 tỷ đồng, trong khi các doanh thu và thu nhập khác đều giảm.

Chỉ tiêu sinh lời năm 2016 đã bị âm, điều này chứng tỏ tập đoàn kinh doanh chưa hiệu quả, cần điều chỉnh, lên kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp với thực tế thị trường. Sức ép về tài chính trong thời gian tới là rất cao, do vẫn tham gia góp vốn vào 40 đơn vị, doanh nghiệp.

Nợ nần chồng chất

Dự án Đạm Ninh Bình do Vinachem làm chủ đầu tư, có công suất 560.000 tấn một năm, vốn đầu tư khoảng 667 triệu USD, tương đương 12.000 tỷ đồng, nằm tại tỉnh Ninh Bình. Để thực hiện dự án này, Vinachem đã vay Eximbank Trung Quốc 250 triệu USD, lãi suất ưu đãi 4%/năm, cố định trong vòng 15 năm, với điều kiện phải ký hợp đồng với nhà thầu HQC của Trung Quốc.

Như Dân trí đưa tin, do lỗ nặng, Vinachem đã kiến nghị được khoanh nợ gốc, chỉ trả nợ lãi phát sinh và phí cho vay lại trong 5 năm từ 2017 đến 2022 đối với khoản vay China Eximbank. Vinachem dự kiến số chi trả nợ gốc sẽ kéo dài đến hết năm 2028.

Đáng chú ý, không chỉ riêng khoản vay với China Eximbank, Đạm Ninh Bình cũng có khoản nợ lớn với nhiều tổ chức tín dụng khác. Công ty đã phải đề nghị các ngân hàng và Vinachem cơ cấu lại các khoản vay trong năm 2016 để lập kế hoạch trả nợ năm 2017 tương ứng với kế hoạch dòng tiền.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, tới thời điểm ngày 28/7/2016 tổng số tiền nợ của Đạm Ninh Bình là 10.257 tỷ đồng, nợ quá hạn 227,3 tỷ đồng. Trong đó, vay dài hạn là hơn 8.410 tỷ đồng, vay ngắn hạn gần 1.627 tỷ đồng. Khoản nợ quá hạn hơn 227 tỷ đồng đều là khoản vay ngắn hạn.

Thời điểm ngày 1/9/2016 số tiền nợ tăng nhẹ lên mức hơn 10.384 tỷ đồng, nợ quá hạn tăng gấp gần 3 lần, lên mức hơn 610,2 tỷ đồng.

Mặc dù Tập đoàn Hoá chất Việt Nam đã hỗ trợ công ty trả nợ thay khoản nợ gốc và lãi vay đầu tư đến hết năm 2016 nhưng Đạm Ninh Bình vẫn không thể cân đối được dòng tiền để trả cho các khoản vay ngắn hạn.

Nợ quá hạn các khoản vay ngắn hạn của Đạm Ninh Bình tại VCB Ninh Bình và BIDV Tây Hồ tính đến ngày 28/7/2016 là 227,3 tỷ đồng và 1/9/2016 là 610,2 tỷ đồng. Vì vậy, lần lượt các ngân hàng VCB Ninh Bình và BIDV Tây Hồ đã chuyển nhóm nợ của Đạm Ninh Bình sang nhóm II và nhóm III, đồng thời dừng giải ngân vốn cho công ty.

Để có vốn lưu động, theo Đạm Ninh Bình, công ty đã chủ động làm việc với các ngân hàng đang tài trợ vốn vay ngắn hạn để xem xét tính khả thi của phương án sản xuất kinh doanh năm 2017 cũng như cân đối dòng tiền trong khi sản xuất trở lại.

Trên thực tế, trong 4 năm liền từ 2012-2016, Vinachem đã trả nợ thay Đạm Ninh Bình một phần tiền cho Eximbank Trung Quốc, Ngân hàng phát triển VDB, Ngân hàng Vietinbank… và nhiều lần hỗ trợ nguồn vốn ngắn hạn cho công ty với tổng số tiền lên đến hơn 2.211 tỷ đồng.

Cụ thể, năm 2012, Vinachem đã hỗ trợ trả nợ dài hạn VDB Ninh Bình và Eximbank Trung Quốc số tiền 249,05 tỷ đồng; năm 2013 hỗ trợ cho vay ngắn hạn 200 tỷ đồng; 2014 hỗ trợ cho vay ngắn hạn và trả nợ dài hạn cho Eximbank Trung Quốc 228,6 tỷ đồng; năm 2015 cho vay dài hạn trả gốc và lãi Eximbank Trung Quốc 366,07 tỷ đồng; năm 2016 cho vay dài hạn trả gốc và lãi Eximbank Trung Quốc và cho vay ngắn hạn trả nợ gốc và lãi VDB Ninh Bình, Vietinbank Hà Nội số tiền hơn 1.167 tỷ đồng.

Phương Dung