1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Hộ kinh doanh "né" thuế: Phó Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương liên quan tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh việc quản lý khoán thuế của cơ quan thuế ở cơ sở, nhất là ở các thành phố, đô thị và cơ sở kinh doanh có quy mô lớn.

Hình thức nộp thuế khoán tạo điều kiện cho nhiều hộ kinh doanh lớn né thuế.
Hình thức nộp thuế khoán tạo điều kiện cho nhiều hộ kinh doanh lớn "né thuế".

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa có ý kiến chỉ đạo về xử lý thông tin báo chí phản ánh về thuế.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương liên quan tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh việc quản lý khoán thuế của cơ quan thuế ở cơ sở, nhất là ở các thành phố, đô thị và cơ sở kinh doanh có quy mô lớn; có biện pháp chuyển mạnh các hộ kinh doanh lớn đang quản lý theo mô hình khoán sang nộp thuế theo kê khai và hạch toán kế toán theo quy định.

Đồng thời đẩy mạnh hơn nữa việc thí điểm hóa đơn điện tử kết nối thông tin giữa cơ quan thuế với người nộp thuế, nhất là với doanh nghiệp, siêu thị, khách sạn, nhà hàng lớn.

Cũng theo yêu cầu của Phó Thủ tướng, ngành tài chính cần thông tin, công khai trước công luận, báo chí về kết quả thanh tra, kiểm tra các nội dung báo chí phản ánh về thuế.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương liên quan xây dựng Đề án quản lý thuế khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, mở rộng cơ sở thuế đối với kinh tế tư nhân, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý IV/2017.

Theo Tổng cục Thống kê, hiện có gần 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó chỉ có 20% hoạt động trong ngành công nghiệp - xây dựng, tức là lĩnh vực sản xuất vật chất. Còn lại có tới 80% trong ngành thương mại - dịch vụ, chủ yếu là bán lẻ, lưu trú, ăn uống.

Trong khi đó, một khảo sát do Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện với khoảng 400 hộ kinh doanh ở 6 tỉnh thành cho thấy, có đến 11% hộ kinh doanh thuộc diện phải chuyển thành doanh nghiệp, tức là sử dụng lao động thường xuyên từ 10 lao động trở lên, nhưng chỉ có 5,6% hộ kinh doanh dự kiến sẽ chuyển đổi. Trên thực tế con số chuyển đổi là rất ít.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Để hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức hồi tháng 4, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nguyên nhân khiến các hộ kinh doanh cá thể không muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp là bởi, khi các hộ kinh doanh nhỏ lẻ trở thành doanh nghiệp, lúc này họ phải thực hiện đầy đủ các thủ tục về báo cáo tài chính, bảo hiểm cho người lao động, thuế, kế toán, phòng cháy chữa cháy, môi trường… Điều này đồng nghĩa với việc chi phí tăng lên đáng kể.

Đặc biệt, hộ kinh doanh và doanh nghiệp cũng sẽ có 2 hình thức thuế hoàn toàn khác nhau. Nếu như hộ kinh doanh được quy định bằng một mức thuế khoán cố định thì doanh nghiệp sẽ phải kê khai thuế theo doanh thu, báo cáo tài chính với nhiều thủ tục phức tạp hơn, không được để xảy ra sai sót.

Chính vì quy định về mức thuế khoán cố định đối với hộ kinh doanh cũng là điều kiện để các hộ kinh doanh này lợi dụng để “né” thuế.

Theo ông Tuấn, có tới 70% hộ kinh doanh thường có thỏa thuận về mức thuế khoán với cơ quan thuế. Đây là điều kiện dễ nảy sinh tỷ lệ nhũng nhiễu của cán bộ thuế công khai thấp nhưng lại rất dễ khiến Nhà nước thất thu một khoản thuế, thậm chí có trường hợp, cán bộ thuế hướng dẫn hộ kinh doanh lách thuế.

Bích Diệp