“Hàng không phải giảm phí trước khi tính chuyện tăng giá!”

(Dân trí) - Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, ngành hàng không giành được khách từ đường sắt chứng tỏ hàng không phát triển rất lớn. Doanh nghiệp hàng không hiện nay đang đặt vấn đề tăng giá. Tuy nhiên đây là câu chuyện phải tính vì tăng là đánh vào giá vé.

Ngày 16/8, Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng có buổi làm việc với các đơn vị ngành hàng không.

Đầu tư cao, lợi nhận thấp

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá cao nỗ lực của ngành hàng không trong thời gian gần đây trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu phát triển của kinh tế xã hội đất nước.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, ngành hàng không giành được khách từ đường sắt chứng tỏ hàng không phát triển rất lớn, rất tốt vấn đề chất lượng điều hành, chất lượng phục vụ, nhưng doanh nghiệp hàng không hiện nay đang đặt vấn đề tăng giá do thời gian qua đã đảm bảo nâng cao chất lượng dịch vụ.

“Đây là câu chuyện phải tính, vì tăng là đánh vào giá vé, nên cần tiết kiệm chi phí quản lý và các chi phí khác trước khi tính giải pháp tăng giá” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đặt vấn đề.

Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với ngành hàng không ngày 16/8
Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với ngành hàng không ngày 16/8

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng trước cuộc họp đã lưu ý với Tổ công tác xem xét vì sao doanh thu 6 tháng đầu năm của Vietnam Airlines tăng cao nhưng lợi nhuận lại giảm, chỉ đạt hơn 87 tỷ đồng và nộp ngân sách 600 tỷ đồng là thấp so với vị thế của doanh nghiệp.

Ông Dương Trí Thành - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines - cho biết: Ngành hàng không đầu tư cao nhưng tỷ suất lợi nhuận không cao. Đội tàu bay Vietnam Airlines có 86 chiếc, nếu cộng cả tàu của đơn vị thành viên Jetstar Pacific và Vasco là 115 chiếc. Từ đầu năm 2017 đến nay không có bảo lãnh Chính phủ với Vietnam Airlines để mua máy bay.

Theo Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, về việc phải “gánh” nhiều đường bay chính trị, đồng thời với việc một số đường bay quốc tế đang trong giai đoạn lỗ kế hoạch, tăng đầu tư từ vốn của doanh nghiệp là nguyên nhân khiến lợi nhuận giảm.

Về vấn đề này, theo ý kiến của Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Chính phủ cần có cơ chế để Vietnam Airlines tách nhiệm vụ công ích khỏi hoạt động kinh doanh như đối với ngành điện trước đây.

Hàng không vẫn độc quyền?

Thị trường vận tải hàng không nội địa của Việt Nam tăng 2 lần trong 3 năm và đang trong giai đoạn phát triển nóng. Hàng không năng động mở thêm nhiều đường bay, tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, trong 5 năm qua, giá vé máy bay trung bình giảm gần 1/2, có lúc giá còn rẻ hơn đường sắt, nhiều đường bay vé dưới giá thành.

Vietnam Airlines cho biết, việc phải “gánh” nhiều đường bay chính trị là một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận của hãng giảm
Vietnam Airlines cho biết, việc phải “gánh” nhiều đường bay chính trị là một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận của hãng giảm

Còn TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương - cho rằng: Các doanh nghiệp ngành hàng không đang nắm khối tài sản rất lớn. Có lĩnh vực như quản lý bay, cảng hàng không vẫn độc quyền là nguyên nhân khiến lợi nhuận của ngành chưa cao. Cần đẩy mạnh cổ phần hoá, mở nhiều “kênh” cho các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư mới giải quyết được điểm nghẽn hạ tầng.

Lý giải vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ đề cập đến cơ chế chính sách để quản lý, đầu tư xây dựng phát triển hàng không chung chung nên còn khó khăn.

“Xã hội hóa nhưng xã hội hóa cái gì, ở lĩnh vực cụ thể nào trong hàng không? Nhìn bức tranh tổng thể, hàng không rộng lớn nhưng có đặc thù riêng, ngoài phát triển đầu tư thì an toàn, an ninh là số 1. Đầu tư cảng hàng không không phải là thị trường nhiều nhà đầu tư vào tìm hiểu. Việc xã hội hóa phải trong khuôn khổ, theo quy hoạch với chức năng nhất định” - Thứ trưởng Thọ nói.

Được biết, trong 3 năm qua, thị trường hàng không thay đổi toàn bộ từ 17% thị phần hàng không giá rẻ và nay là hơn 65%, tỷ lệ này được cho là cao hơn khu vực. Theo các chuyên gia, việc Vietjet tham gia kinh doanh đã khiến thị trường hàng không thay đổi rất nhanh, điều này cũng cho thấy ngành hàng không còn nhiều dư địa phát triển.

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm