1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Giữ thuế VAT thấp chỉ có lợi cho người giàu?

(Dân trí) - Chuyên gia WB cho rằng, thuế suất thuế GTGT thấp thực sự mang lại lợi ích cho người giàu hơn người nghèo. Cùng với việc ủng hộ tăng thuế, chuyên gia cho rằng, cũng có nhiều cách tốt hơn để phân bổ lại cho các hộ nghèo về mặt chi ngân sách, bao gồm chi tiêu cho y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Như Dân trí đưa tin, mới đây Bộ Tài chính đã đề xuất sửa một loạt các luật thuế quan trọng như thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và đặc biệt là thuế giá trị gia tăng (GTGT - VAT).

Xung quanh đề xuất này, ông Sebastian Eckhardt, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã chia sẻ với báo chí một số quan điểm cũng như góc nhìn từ WB.

Tăng thuế để đảm bảo bền vững nợ công

Chuyên gia từ WB cho rằng đề xuất cải cách chính sách thuế của Bộ Tài chính là rất quan trọng và kịp thời để đảm bảo tăng trưởng bền vững và ổn định kinh tế vĩ mô.

Tỷ lệ số thu thuế trên GDP của Việt Nam đã giảm trong những năm gần đây - từ 23,5% GDP năm 2010 xuống 18,3% GDP vào năm 2016 do 3 nguyên nhân: thu từ dầu thô giảm; thu từ thương mại giảm do thực hiện các cam kết cắt giảm thuế quan mà Việt Nam đã ký kết tại các Hiệp định thương mại; và do việc giảm thuế suất thuế TNDN từ 32 xuống 20% để tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế.

"Những thay đổi nêu trên tạo hiệu quả tốt cho nền kinh tế nói chung do đã kích thích đầu tư, tăng trưởng và tạo việc làm, nhưng cũng đã góp phần làm thâm hụt ngân sách ngày càng tăng, dẫn đến tăng nợ công. Mức chênh lệch tài khóa trên cần được thu hẹp để đảm bảo bền vững nợ công", ông nói.

Để thu hẹp mức chênh lệch này, chuyên gia WB cho rằng, đòi hỏi các chính sách phải toàn diện và cân bằng ở cả chính sách huy động nguồn lực đủ và chi tiêu hiệu quả hơn. Về chi ngân sách, cần phải cải thiện tính hiệu quả và tiết kiệm. Có những nội dung chi tiêu không hiệu quả cần phải được cắt giảm. Về thu ngân sách, cần phải tiến hành những bước/biện pháp để tăng huy động nguồn thu trong nước đảm bảo nguồn lực cho đầu tư bền vững phục vụ phát triển và tăng trưởng trong tương lai.

Việt Nam có nhiều tiềm năng mở rộng thuế

Đánh giá về đề xuất sửa đổi thuế GTGT, ông Sebastian Eckhardt cho biết, có nhiều ý kiến khẳng định rằng cần xem xét thuế GTGT là một phần của tiến trình cải cách, cơ cấu lại tổng thể hệ thống thuế. Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy, thuế GTGT hiệu quả hơn về khía cạnh phục vụ phát triển kinh tế so với thuế thu nhập đánh vào lao động và vốn. Thuế GTGT có ít tác động bóp méo đến các quyết định kinh tế của hộ và doanh nghiệp hơn sắc thuế đánh vào lao động, vốn và cũng góp phần hỗ trợ tăng tính cạnh tranh quốc tế.

"Hiện nay, đây là sắc thuế đánh vào tiêu dùng mà tất cả các nước OECD đang áp dụng, trừ Hoa Kỳ. Đây cũng là sắc thuế tiêu dùng mà tất cả các nước lớn ngoài khối OECD đang áp dụng, bao gồm cả Ấn Độ đã bắt đầu áp dụng từ ngày 1/7 năm nay. Việt Nam vẫn còn tiềm năng mở rộng việc áp dụng thuế GTGT", ông nói.

Theo Sebastian Eckhardt, khi xem xét về tỷ lệ động viên của các sắc thuế tiêu dùng, bao gồm cả thuế GTGT trong tổng thu NSNN, thì tỷ trọng của thuế hàng hóa và dịch vụ hiện hành của Việt Nam vào năm 2016 chiếm khoảng 48,5% tổng thu NSNN. Trong khu vực ASEAN, tỷ lệ này của Việt Nam là thấp hơn Thái Lan (53,9%), Lào (55,9%), Campuchia (55,5%), và nhỉnh hơn Philippines (45,6%).

Trong khi đó, thuế suất thuế GTGT hiện hành đang ở ngưỡng thấp so với toàn cầu. Mức thuế suất thuế GTGT trung bình của toàn thế giới là 16% nhưng tất nhiên là có nhiều khác biệt giữa các nước. Trong khối các nước ở Châu Á, có Indonesia và Campuchia đang áp dụng thuế suất 10%, Philippines mức 12%, Sri Lanka 12,5%, Mông Cổ 13%, Bangladesh 15% và Trung Quốc 17%. Ấn Độ vừa mới áp dụng hệ thống thuế hàng hóa và dịch vụ (GST), thuế suất 20% hoặc cao hơn tùy vào mặt hàng.

Giữ thuế VAT thấp có lợi cho người giàu

Trước những ý kiến lo ngại về các động của việc tăng thuế GTGT đối với người nghèo, Sebastian Eckhardt cho rằng, đây là vấn đề gây tranh cãi khắp nơi trên thế giới bởi không giống như thuế thu nhập có tính chất lũy tiến, thuế GTGT không phân biệt đối tượng nộp thuế. Tất cả các hộ gia đình đều phải trả thuế GTGT như nhau, bất kể mức thu nhập thế nào. Vì vậy thuế GTGT có tính chất lũy thoái.

Theo kinh tế trưởng WB, điểm quan trọng thứ nhất là các hộ gia đình giàu thường có xu hướng tiêu dùng nhiều hơn, và dùng nhiều hàng hoá đắt đỏ hơn nên họ trả phần lớn thuế GTGT.

"Tại Việt Nam, theo tính toán của chúng tôi thì 20% hộ gia đình nghèo nhất chỉ trả khoảng 9% tổng số thu thuế GTGT. Trong khi đó, 20% hộ gia đình giàu nhất trả gần 40% tổng số thu thuế GTGT. Điều này có nghĩa là nếu một hộ nghèo tiết kiệm được trung bình 10.000 đồng do thuế suất thuế GTGT thấp thì hộ giàu tiết kiệm được 40.000 đồng. Vì vậy, thuế suất thuế GTGT thấp thực sự mang lại lợi ích cho người giàu hơn người nghèo", ông nói.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng chỉ ra rằng, các hộ gia đình nghèo chi trả phần lớn hơn trong thu nhập của mình để tiêu dùng, đặc biệt là vào các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm. Một giải pháp để giảm tác động tiêu cực của việc tăng thuế đối với người nghèo là giữ nguyên mức thuế suất thuế GTGT ưu đãi cho các mặt hàng thiết yếu.

"Điều này sẽ làm giảm tác động tiêu cực của việc tăng thuế đối với người nghèo và phù hợp với xu hướng cải cách thuế theo đề xuất của Bộ Tài chính. Chúng tôi đang tiến hành cùng với Bộ Tài chính nhằm đánh giá tác động tới phân bổ thu nhập của đề xuất tăng thuế để có những điều chỉnh tiếp theo", ông cho biết.

Cuối cùng, theo vị chuyên gia, biện pháp tốt hơn là sử dụng các biện pháp khác để hỗ trợ người nghèo. Về số thu, đề xuất của Bộ Tài chính đã bao gồm các cải cách thuế khác để tạo ra một hệ thống thuế lũy tiến và công bằng hơn. Ví dụ, cải cách thuế TNCN làm cho thuế TNCN có tính chất lũy tiến hơn. Việc đề xuất áp dụng thuế tài sản, thường có tính chất lũy tiến, cũng rất quan trọng.

Đồng thời, chuyên gia WB khuyến nghị Việt Nam nên xóa bỏ các “lỗ hổng thuế” và ưu đãi miễn thuế TNDN để đảm bảo rằng khu vực doanh nghiệp cũng đóng góp ngân sách, đặc biệt là khi mức thuế suất thuế TNDN hiện nay của Việt Nam đã rất cạnh tranh. Ngoài ra, cũng có nhiều cách tốt hơn để phân bổ lại cho các hộ nghèo trong về mặt chi ngân sách, bao gồm chi tiêu cho y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng mang lại lợi ích cho người nghèo.

Phương Dung