Giá điện thấp làm giảm động lực tiết kiệm
(Dân trí) - Theo Bộ Công Thương, giá năng lượng thấp đang là một rào cản cho việc triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng, làm giảm hiệu quả kinh tế và giảm động lực của doanh nghiệp và người dân trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Báo cáo Tổng kết Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của Bộ Công Thương cho biết, trong giai đoạn 2001 - 2010 với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm là 7,26%/năm sau đó giảm xuống còn 5,91%/năm trong giai đoạn 2011-2015.
Cùng với việc tăng trưởng của nền kinh tế, nhu cầu về năng lượng cũng tăng rất nhanh, khoảng 11,5% trong trong giai đoạn 2001-2010, trước khi có sự giảm nhẹ từ năm 2011 đến 2015. Nhu cầu tiêu thụ điện năng tăng trung bình 13,07%/năm trong giai đoạn 2006-2010 và khoảng 11%/năm trong các năm 2011 đến 2015.
Theo báo cáo thống kê năng lượng của Viện Năng lượng, Bộ Công Thương, tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng toàn quốc năm 2015 đạt khoảng 54,080 triệu tấn dầu quy đổi, tương ứng với cường độ năng lượng là 439 kg dầu quy đổi trên 1.000 USD GDP. Mặc dù cường độ năng lượng đã giảm đáng kể trong giai đoạn 2011 – 2015 tuy nhiên vẫn ở mức rất cao so với khu vực và thế giới (cao hơn 1,4 lần so với Malaysia và hơn 5 lần so với Nhật Bản).
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, các ngành công nghiệp Việt Nam có tiềm năng kỹ thuật về tiết kiệm năng lượng lớn, từ 25 - 40%. Xét về lợi ích tổng thể của xã hội, việc thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng cũng có những lợi thế lớn về mặt kinh tế. Theo ước tính, chi phí bỏ ra để tiết kiệm được 1 kWh điện chỉ bằng ¼ so với chi phí phải bỏ ra để sản xuất thêm lượng điện năng đó.
Viện Năng lượng, Bộ Công Thương tính toán, tỷ lệ tiết kiệm năng lượng cộng dồn cho cả giai đoạn 2011- 2015 đạt 5,65%, tương đương với tổng năng lượng tiết kiệm được trong giai đoạn là 11,261 triệu TOE. Tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trong giai đoạn 2012 - 2015 đạt 6,18%, tương đương 10,101 triệu TOE.
Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2011 - 2015 đã đạt được một số kết quả. Theo khảo sát của Bộ Công Thương, hơn 85% người dân đã biết và hiểu về vấn đề tiết kiệm năng lượng thông qua truyền thông cộng đồng, nhận biết được về nhãn năng lượng và hiểu về lợi ích tiết kiệm năng lượng của các sản phẩm, hàng hóa tiết kiệm năng lượng.
Cường độ năng lượng của các ngành sản xuất công nghiệp, tiêu thụ nhiều năng lượng đều giảm dần trong giai đoạn 2011 – 2015: Ngành thép giảm 8,09%; Ngành Xi măng giảm 6,33%; Ngành dệt sợi giảm 7,32%.
Tuy nhiên, một trong số rào cản trong quá trình triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong doanh nghiệp được chỉ ra là hiện giá năng lượng còn thấp đã làm giảm động lực của khách hàng sử dụng năng lượng một cách hiệu quả hơn.
Hiện nay, giá năng lượng nói chung và giá điện nói riêng của Việt Nam tương đối thấp nếu so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới. Giá bán lẻ điện bình quân hiện nay là 1.622 đồng/kWh, tương đương với 7,31 cent/kWh. Giá điện của Việt Nam thấp hơn đáng kể nếu so với Trung Quốc (10,04 cent/kWh), Thái Lan (11,81 cent/kWh), chỉ cao hơn Indonesia (6,72 cent/kWh) là quốc gia còn duy trì cơ chế bao cấp giá năng lượng.
"Giá năng lượng thấp đang là một rào cản cho việc triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng, làm giảm hiệu quả kinh tế của và giảm động lực của doanh nghiệp và người dân trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Do đó, cần điều chỉnh giá điện hợp lý trong thời gian tới, giảm dần việc trợ giá, bù chéo trong biểu giá bán lẻ điện", báo cáo cho biết.
Bên cạnh đó, vốn đầu tư ban đầu để thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng cao do chi phí của các thiết bị tiết kiệm năng lượng cao hơn các thiết bị thông thường; Năng lực của các nhà sản xuất, cung cấp giải pháp công nghệ về tiết kiệm năng lượng trong nước còn hạn chế; Ít quan tâm của người sử dụng cuối cùng (các doanh nghiệp) do còn thiên lệch về các dự án mở rộng sản xuất nhiều hơn là các dự án nhằm giảm chi phí vận hành; hiểu biết hạn chế về tỷ lệ tiết kiệm trong tổng chi phí tài chính có được từ việc giảm chi phí vận hành của các dự án tiết kiệm năng lượng...
Theo Bộ Công Thương, trong thời gian ngắn sắp tới, các nguồn năng lượng sơ cấp trong nước sẽ không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế, Việt Nam sẽ chuyển từ một nước xuất khẩu năng lượng sang nhập khẩu thuần về năng lượng. Theo đó, Việt Nam sẽ bắt đầu phải nhập khẩu than cho phát điện từ năm 2017 và dự kiến sẽ nhập khẩu khí hóa lỏng từ năm 2023 để đảm bảo nguồn năng lượng cung ứng cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh mới đây, Quốc hội đã phê chuẩn về việc dừng các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận thì việc tìm ra các giải pháp cung ứng đầy đủ nguồn năng lượng cho phát triển kinh tế trong tương lai đang là vấn đề quan trọng và cấp bách.
Theo Bộ Công Thương, để giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu thì việc phát triển năng lượng tái tạo và thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng.
Trong giai đoạn trước mắt, khi giá thành năng lượng tái tạo (như điện mặt trời, điện gió, năng lượng sinh khối…) còn cao, chưa có khả năng cạnh tranh được với các dạng năng lượng hóa thạch thì việc thúc đẩy các hoạt động, giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp có tính kinh tế cao, cần ưu tiên thực hiện.
Phương Dung