TP.HCM:

Gần Tết, người dân "đua nhau" đi chợ online

(Dân trí) - Tết nguyên đán Mậu Tuất 2018 đã cận kề, chính vì vậy mà nhiều người dân đang đua nhau mua sắm trực tuyến để tiết kiệm thời gian.

Chị Nguyễn Hoàng Anh (ngụ quận Tân Phú) cho biết, chị là quản lý một doanh nghiệp chuyên làm hàng may mặc xuất khẩu nên cuối năm không có nhiều thời gian để mua sắm cho gia đình. Chị đang đặt mua bánh kẹo, mứt, trà, cà phê cho dịp Tết nguyên đán thông qua một sàn thương mại điện tử uy tín.

“Tôi đã đặt mua khoảng hơn 3 triệu đồng tiền hàng, giá cả trên sàn thương mại điện tử cũng như ở bên ngoài, chỉ có điều là mình tốn thêm chút phí giao hàng. Cái gì mình mua được trước thì mua, còn thiếu thứ gì thì cứ mua dần dần thôi”, chị Hoàng Anh nói.

Người dân mua hàng qua mạng trong dịp Tết để tiết kiệm thời gian
Người dân mua hàng qua mạng trong dịp Tết để tiết kiệm thời gian

Cũng như chị Hoàng Anh, anh Trần Văn Quang (ngụ quận Phú Nhuận) đặt mua quần áo Tết cho các con của mình qua mạng internet.

Anh Quang chia sẻ, anh chỉ cần ngồi trên máy tính ở văn phòng rồi chọn các mẫu quần áo, kích cỡ và đặt hàng nếu thấy giá cả phù hợp. Việc này thuận tiện và đỡ mất thời gian cho một người làm nghề xây dựng như anh.

“Cuối năm, tôi phải chạy công trình suốt nên việc đi mua sắm rất khó. Tôi vẫn mua quần áo cho các bé như vậy suốt 3 năm nay. Đặt hàng xong thì chỉ mấy tiếng sau là họ giao đến tận nơi rồi”, anh Quang nói.

Nhiều người dân tại TPHCM cũng đang chọn cách đi chợ trên mạng để giải quyết vấn đề thời gian cho mình, nhất là vào dịp cận Tết thì số lượng người mua hàng online lại càng "áp đảo".

Các mặt hàng được bán trên "chợ điện tử" hay cửa hàng online cũng khá đa dạng từ khô bò, lạp xưởng, bánh kẹo ngoại nhập cho đến các sản phẩm nhà làm đều rất phong phú. Giá cả dao động từ vài chục ngàn đồng đến 500.000 đồng/sản phẩm, tùy vào chất lượng và trọng lượng.

Các mặt hàng phục vụ Tết được bán rất phong phú trên các sàn thương mại điện tử
Các mặt hàng phục vụ Tết được bán rất phong phú trên các sàn thương mại điện tử

Đại diện một sàn thương mại điện tử tại TPHCM cho biết, khi khách hàng mua sắm cho dịp Tết thông qua sàn thương mại điện tử thì hoàn toàn có thể đổi trả sản phẩm trong vòng 48 giờ nếu cảm thấy không vừa ý.

Ngoài ra, nếu cửa hàng nào trên sàn thương mại điện tử bán hàng kém chất lượng và bị khách hàng phản ánh thì sẽ bị xử lý ngay lập tức. Thậm chí, cửa hàng có thể bị đóng cửa vĩnh viễn trên sàn.

“Khi chúng tôi tạo ra một sàn thương mại điện tử thì cũng rất khó để kiểm soát được hết tất cả chất lượng hàng hóa, sản phẩm và chất lượng dịch vụ của các cửa hàng. Tuy nhiên, khách hàng sẽ giúp chúng tôi “lọc” ra những cửa hàng yếu kém cũng như tìm ra những cửa hàng uy tín để từ đó tăng chất lượng phục vụ từ sàn của chúng tôi”, đại diện một sàn thương mại điện tử nói.

Theo ông Alban Villani, chuyên gia nghiên cứu ngành thương mại điện tử tại khu vực Đông Nam Á thì tốc độ tăng trưởng của ngành thương mại điện tử tại Việt Nam đang phát triển rất mạnh. Việt Nam đang đứng thứ 2 tại khu vực Đông Nam Á sau Indonesia.

Sở dĩ, Việt Nam có tốc độ phát triển ấn tượng như vậy là do tỷ lệ sử dụng internet ở nước ta trong năm 2017 là 50,5% dân số. Song song đó là 44% hộ gia đình tại Việt Nam đều có điện thoại thông minh. Dự kiến, đến năm 2020 sẽ có khoảng 10 triệu người Việt sẽ mua sắm trực tuyến, doanh thu từ mua sắm trực tuyến có thể đạt hơn 2 tỷ USD.

“Theo nghiên cứu của chúng tôi thì người Việt mua hàng trực tuyến nhiều nhất từ ngày 6 - 23/12 Âm lịch và sau đó giảm dần vào thời điểm cận Tết. Thực phẩm là mặt hàng bán mạnh nhất với mức tăng trưởng 86% và tiếp sau đó là thời trang với 51%”, ông Alban Villani nói.

Đại Việt

Gần Tết, người dân "đua nhau" đi chợ online - 3

.