1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

“Đứa con đầu lòng” ngành đạm Việt Nam lỗ luỹ kế hơn 2.300 tỷ đồng

(Dân trí) - Khoản lỗ luỹ kế này đã “ăn mòn” vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp, khiến Đạm Hà Bắc đến 31/12/2017 chỉ còn 389 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, “bốc hơi” hơn 60% so với cuối năm 2016.

Công ty CP Phân bón và Hoá chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc – mã: DHB) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2017 cho thấy, trong năm qua, mặc dù tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này đã có cải thiện song vẫn tiếp tục ghi nhận lỗ lớn.

Cụ thể, với 730 tỷ đồng doanh thu trong kỳ, tăng hơn 20% so với quý IV/2016, doanh thu cả năm của Đạm Hà Bắc cả năm 2017 đã đạt 2.511 tỷ đồng, tăng gần 19% so với năm 2016.

Nếu như quý IV/2016, hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ của Đạm Hà Bắc lỗ gộp hơn 41 tỷ đồng thì năm nay đã có lãi gần 61 tỷ đồng. Nhờ đó, giúp mức lãi gộp cả năm đạt hơn 190 tỷ đồng so với mức lỗ gộp 176 tỷ đồng của năm 2016.

Quý vừa rồi, chi phí tài chính của Đạm Hà Bắc giảm nhưng chi phí lãi vay lại tăng 4% lên gần 192 tỷ đồng.

Sau khi khấu trừ các khoản chi phí thì Đạm Hà Bắc vẫn lỗ thuần hơn 126 tỷ đồng trong quý IV. Khoản lợi nhuận khác 637 triệu đồng cũng chỉ giúp thu hẹp không đáng kể khoản lỗ trước thuế với mức lỗ 125,6 tỷ đồng. Không phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế nên lỗ ròng giữ nguyên 125,6 tỷ đồng. Con số lỗ này dù sao cũng đã giảm mạnh so với mức lỗ 350 tỷ đồng của cùng kỳ.

Từng là “đứa con đầu lòng” của ngành sản xuất đạm Việt Nam, tuy nhiên, nay Đạm Hà Bắc lại nằm trong danh sách 1 trong 12 đại dự án yếu kém phải tái cơ cấu.
Từng là “đứa con đầu lòng” của ngành sản xuất đạm Việt Nam, tuy nhiên, nay Đạm Hà Bắc lại nằm trong danh sách 1 trong 12 đại dự án yếu kém phải tái cơ cấu.

Cả năm 2017, Đạm Hà Bắc lỗ ròng gần 612 tỷ đồng, giảm lỗ gần 400 tỷ đồng so với năm 2016. Kết quả kinh doanh thua lỗ trong năm vừa qua đã “bồi” dày thêm khoản lỗ luỹ kế đến cuối năm 2017 lên mức 2.333 tỷ đồng.

Lỗ luỹ kế đã “ăn mòn” vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp, khiến Đạm Hà Bắc đến 31/12/2017 chỉ còn 389 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, bằng chưa tới 40% so với cuối năm 2016.

Trước đó, công ty này đã lên kế hoạch lỗ năm 2017 là 847 tỷ đồng. Như vậy, năm vừa qua, Đạm Hà Bắc vẫn “lỗ trong kế hoạch”. Cho đến nay, Đạm Hà Bắc đã lỗ 3 năm liên tiếp. Năm 2015 và 2016 Đạm Hà Bắc lỗ lần lượt là 676 tỷ đồng và 1.042 tỷ đồng.

Theo lý giải của Đạm Hà Bắc, kế hoạch năm 2017 lỗ do nguyên liệu chính cho sản xuất là than đã tăng tới gần 100% khiến cho chi phí đầu vào của công ty tăng lên hàng trăm tỷ đồng so với năm 2009.

Bên cạnh chi phí đầu vào tăng, giá bán sản phẩm đầu ra của công ty cũng chịu áp lực lớn. Bởi các doanh nghiệp khác như Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau lại sản xuất phân ure từ khí, trong khi giá khí từ năm 2015 giảm mạnh đến 50%. Giá bán ure hiện ở mức thấp hơn giá thành, bình quân năm 2016 chỉ đạt 6.138 đồng/kg, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2015. Vì thế các doanh nghiệp này giảm giá bán để cạnh tranh, theo đó Đạm Hà Bắc cũng phải giảm giá bán sản phẩm, gây ra thua lỗ càng lớn hơn.

Bên cạnh đó, còn ảnh hưởng từ nhiều nguyên nhân khác như thuế giá trị giá tăng quy định mặt hàng phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế; tỷ giá tăng từ quý 3/2015; dự án mở rộng nhà máy mới đi vào hoạt động nên áp lực về chi phí lãi vay bị phân bổ và trích khấu hao cao.

Đạm Hà Bắc là công ty con của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) với tỷ lệ sở hữu 97,66%. Từng là “đứa con đầu lòng” của ngành sản xuất đạm Việt Nam, tuy nhiên, nay Đạm Hà Bắc lại nằm trong danh sách 1 trong 12 đại dự án yếu kém phải tái cơ cấu.

Lên sàn từ cuối tháng 7/2017, song cổ phiếu DHB của Đạm Hà Bắc không có mấy giao dịch. Thị giá của mã này hiện đang đạt 4.800 đồng, giảm 29% so với thời điểm mới niêm yết.

Bích Diệp

“Đứa con đầu lòng” ngành đạm Việt Nam lỗ luỹ kế hơn 2.300 tỷ đồng - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm