Con đường nào để Đạm Hà Bắc vượt qua cơn “ác mộng” lỗ gần 1000 tỷ đồng?

(Dân trí) - Là cánh chim đầu đàn của ngành phân bón, nhưng trong năm 2016, Đạm Hà Bắc đột nhiên có lỗ gần 1.000 tỷ đồng và doanh nghiệp (DN) này đã trở thành 1 trong danh sách 4 con cưng của Tập đoàn Hoá chất bị “kiểm soát đặc biệt”. Đầu năm 2017, dù có nhiều chuyển biến, song theo lãnh đạo DN này, nguy cơ thua lỗ vẫn đang đeo đuổi họ vì nhiều nguyên nhân.

Cùng chung cảnh với 3 nhà máy phân bón khác của Tập đoàn Hoá Chất khi chịu thua lỗ lớn mấy năm trở lại đây, Công ty CP Phân đạm và hoá chất Hà Bắc năm 2016 bị liệt vào nhóm DN chịu sự kiểm soát đặc biệt của Chính phủ và DN này trở thành con nợ lớn của các ngân hàng trong nước.

Nỗ lực vực dậy sau khi lỗ nghìn tỷ của Nhà máy đạm Hà Bắc

Từ tượng đài, cánh chim thành tội đồ lỗ nghìn tỷ

Được thành lập từ năm 1960 và là cánh chim đầu đàn của ngành phân bón Việt Nam, Đạm Hà Bắc từ năm 2015 cổ phần hoá với vốn Nhà nước nắm giữ hơn 97,6%. Sau 13 năm liên tục từ 2002 - 2014, sản xuất nhà máy có lãi tích luỹ hơn 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ năm 2015, trùng với thời điểm Dự án cải tạo, mở rộng nhà máy đi vào hoạt động, DN này đã lỗ.

Toàn cảnh nhà máy Phân Đạm Hà Bắc sau khi cải tạo, mở rộng
Toàn cảnh nhà máy Phân Đạm Hà Bắc sau khi cải tạo, mở rộng

Trong báo cáo của Đạm Hà Bắc gửi UBND tỉnh Bắc Giang, Bộ Công Thương và Chính phủ tháng 10/2016, Dự án cải tạo, mở rộng nhà máy có tổng mức đầu tư khoảng 568,6 triệu USD (10.122 tỷ đồng), vốn vay của hầu hết các ngân hàng trong nước là hơn 8.000 tỷ đồng, vốn tự có công ty khoảng 1.800 tỷ đồng. Dự án thực hiện từ tháng 11/2010 và hoàn thành chạy thử tháng 4/2015.

Trong dự toán kinh tế Dự án, 2 năm đầu hoạt động (2015 - 2016), Nhà máy được phép khoản lỗ năm đầu tiên khảng 596 tỷ đồng, năm thứ 2 là 127 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả thực tế, năm 2015 số lỗ của công ty này là 669 tỷ đồng (vượt kế hoạch hơn 70 tỷ đồng), 9 tháng đầu năm 2016, số lỗ ước đạt 700 tỷ đồng, cả năm 2016 dự kiến lỗ khoảng 1.000 tỷ đồng.

Như vậy, số lỗ thực tế đã vượt dự toán so với kế hoạch lỗ cho phép trong 2 năm đầu tiên của Nhà máy là khoảng hơn 347 tỷ đồng. Điều đáng lo, số lỗ thực trong 9 tháng năm 2016 là hơn 570 tỷ đồng và dự kiến cả năm 2016 hơn 870 tỷ đồng. Con số tăng cao bất thường so với dự toán ban đầu, dấy lên lo ngại về hiệu quả hoạt động và những yếu kém trong quản lý, điều hành.

Lỗ do đâu: Thị trường, công nghệ hay cách quản lý?

Giải thích về nguyên nhân dẫn đến thua lỗ gần nghìn tỷ đồng/năm, ông Phạm Văn Trung, Phó TGĐ Công ty CP Phân đạm và hoá chất Hà Bắc cho hay: Nguyên nhân lỗ có nhiều nhưng chính là do giá phân bón trên thị trường giảm nhanh, cùng với giá dầu thô từ , đặc biệt với đạm urê giảm sâu theo giá dầu, có những lúc xấp xỉ 100 USD một thùng, năm 2016 có thời điểm xuống tới 30 USD, sau đó nhích lên và hiện xoay quanh 40-50 USD một thùng.

“Khi dự án đầu tư đi vào hoạt động, tất cả chi phí tài chính, lãi vay cho dự án, khấu hao ... được tính hết vào giá thành. Tăng tài sản thì chi phí khấu hao, vay thì chi phí lãi vay tăng, giá thành sản xuất tăng, giá thị trường phân bón giảm... khiến hiệu quả giảm và công ty xuất hiện lỗ”, ông Trung nói.

Hoạt động của nhà máy đã gượng dậy từ năm 2017
Hoạt động của nhà máy đã gượng dậy từ năm 2017

Tuy nhiên, nếu nói về số lỗ nhà máy chủ yếu do chi phí đầu vào và giá thị trường, điều này vẫn chưa thuyết phục bởi cùng sản xuất ra chủng loại như nhau, nhưng các nhà máy phân đạm của ngành dầu khí không phát sinh lỗ. Ngoài ra, nếu do giá khí từ năm 2015 cùng giảm với dầu thô, khiến các DN chạy khí hưởng lợi thì tại sao các năm trước đó, giá khí cao cùng với giá dầu mà các DN phân bón ngành dầu khí không thua lỗ.

Ông Trung cho rằng: Công nghệ chạy than và khí khác nhau, các DN chạy khí đều được hưởng lợi do cùng tập đoàn Dầu khí. Còn chúng tôi rất vất vả khi đàm phán với Tập đoàn than để có mức giá tốt. Tuy nhiên, cuộc chơi thị trường đã khiến chúng tôi chịu ảnh hưởng lớn: Giá than tăng cao, chi phí đầu vào lớn mà giá phân bón lại giảm. Than chiếm 70 – 80% chi phí và cấu thành giá song thời gian qua, giá than tăng gấp 100% nên thua lỗ là điều khó tránh khỏi.

“Nếu giá dầu không giảm từ 100 USD xuống 50USD/thùng như hiện nay, chắc chắn giá phân đạm không phải như thế này. Và nếu giá dầu cứ 100 USD/thùng như trước, thì so sánh sản xuất đạm urê của ngành dầu khí với ngành hoá chất, câu chuyện sẽ ngược lại 180 độ - DN phân bón ngành hoá chất sẽ có lãi”, ông Trung viện lý do.

Năm nay, vẫn lỗ!

Theo lãnh đạo Công ty phân bón Hà Bắc, trong các nhóm giải pháp khắc phục khó khăn, DN xây dựng hai kế hoạch là từ nội lực và xin ưu đãi, kiến nghị đến Bộ ngành. Tuy nhiên, trước mắt vẫn là từ nội lực để tìm ra nguyên nhân, giải pháp.

Đạm Hà Bắc, một trong 4 nhà máy phân đạm phát sinh lỗ lớn năm 2016 của Tập đoàn Hoá Chất. Trong đầu năm 2017, nhà máy này cố gắng để giảm lỗ

Trước mắt, công ty sẽ tối ưu hoá chi phí sản xuất, phương châm là cắt giảm chi phí hết mức có thể, nhằm giảm đầu vào sản xuất. Ngay cả với vấn đề lao động và tiền lương, doanh nghiệp cho biết cũng cắt giảm mạnh từ 1.600 nhân công năm 2015 xuống còn 1.400 nhân công năm 2016 và tiếp tục cắt giảm, cho kiêm nhiệm nhiều chức danh để giảm chi phí.

Ông Trung cho rằng, việc giảm lương là rất đau xót nhưng không còn cách nào khác: “Tiền lương bình quân năm 2015 của công nhân là khoảng 7 triệu đồng, nhưng hiện tại 5 triệu đồng/tháng. Thực tế, trong kết cấu chi phí giá thành phân bón, tiền lương chỉ chiếm vài %, nhưng trong lúc khó khăn thì giảm cái gì thì giảm chứ còn chúng tôi cũng đau xót lắm khi cắt giảm tiền lương anh em”, ông Trung nói.

Về giải pháp dài hạn, ông Trung cho biết chỉ có cách hạn chế chi phí đầu vào còn quản trị của công ty vẫn rất tốt, không có sự lãng phí, thất thoát ở đâu.

Còn đối với sản xuất, hiện DN này đã tăng sản lượng do giá thành phân bón trên thị trường đã cao, sản xuất trung bình đạt 1.400 tấn phân bón/ngày. Mức giá hiện tại phân bón là khoảng 6,9 triệu đồng/tấn. Đây là mức giá trên chi phí biến đổi (chi phí đầu vào than, nguyên liệu và lãi vay…) còn nhà máy vẫn lỗ.

“Mức giá do thị trường quyết định, hiện nay mức giá phân bón là 6,9 triệu đồng/tấn có tăng 900.000 đồng/tấn so với mức giá thời điểm năm 2015 (6 triệu đồng/tấn). Mức giá dù tăng, nhưng hiện mới trên chi phí biến đổi đầu vào và giảm lỗ phần nào, còn nhà máy vẫn phát sinh lỗ, do lỗ kế hoạch vẫn còn và giá phân bón vẫn thấp”, ông Trung phân bua.

Nguyễn Tuyền